Họa sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn sinh năm 1973 tại Đà Nẵng. Họa sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn ban đầu đến với nghệ thuật, không phải bằng màu sắc, mà bằng ngôn ngữ. Họa sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn đã tự học để theo đuổi hội họa, dù trước đó đã có chút tên tuổi qua hai tập thơ “Men da” và ‘Que than”.
Cách đây 15 năm, họa sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn từng có triển lãm cá nhân với thể loại tranh thơ art graphic “Dấu nối sinh tồn” tại Viet Art Centre, 42 Yết Kiêu, Hà Nội.
Lần này, khai mạc triển lãm “Vết căn nguyên” vào chiều 26/3 tại Mây Artspace, họa sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn muốn gửi đến công chúng TP.HCM một góc nhìn thẩm mỹ khác. Trong tranh của họa sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn phản ánh những tình huống hiện sinh và phi lý thông qua các ký hiệu, biểu hiện, đôi khi có màu sắc siêu thực.
Họa sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn chia sẻ: “Căn nguyên bắt nguồn từ tâm điểm, xoay rộng gieo gì gặp đó, nghĩ gì thì vẽ đó, nghĩa là danh tính người vẽ hiện ra ý tưởng, bắt đầu cho tranh là vết, dấu chấm, nét chấm cọ, vũng sơn đổ tràn lên toan, khoảng trống nằm bất động, bản thảo phơi ý, phút giây chợt hiện... Tôi điên cuồng hình tượng người nông dân, đôi tay anh ta mang bầu hạt giống, khuôn mặt tươi nở nụ cười, gieo rắc mùa màng. Anh mong chờ hi vọng bội thu hay là thất bát. Nó đều bắt nguồn từ hạt giống và thời tiết là căn nguyên.
Vậy, tôi vẽ cũng mang cốt ý đó, tâm tánh thể hiện từng bức họa, hàng loạt mệnh đề triết học, chúng là tiêu đề cho từng bức tranh ra đời, mang tên như bài thơ nhiều ẩn dụ: Nhìn sự rỗng không của thế gian, Lời độc địa, Hủy diệt từ lòng bàn tay đen, Những hạt giống nẩy mầm, Vòng roi ngựa, Máu đôi mắt bò tót, Ô vàng trên ngôi vị quyền lực, Vỏ bọc, Vũ trụ nguyên sơ, Trên bàn tiệc, Giọt linh hồn rơi vào đêm, Giao cảm sóng…”.
Xem những tác phẩm "Vết căn nguyên", nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng đánh giá: “Trú xứ của Huỳnh Lê Nhật Tấn, một cõi nghệ thuật ở ngoài nghệ thuật, ngoài biên địa hàn lâm, ngoài những tiêu chuẩn quy định của nghệ thuật. Và một khi những xung lực của trực giác được phóng thích, bằng những nguyên liệu tươi sống của loại nghệ thuật thô mộc (art brut) ùa ra, tươi rói, nguyên sơ và chân thực, tái hiện những tâm cảnh trong miền tàng thức, của kí ức, của ảo tượng và sự u uất của hiện hữu”.
Với triển lãm “Vết căn nguyên”, họa sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn dấn thân vào một chặng đường mới, mà anh tự thú: “Nếu ai đó hỏi vì sao vẽ, phải bỏ mọi thứ để vẽ. Tôi sẽ nói rằng, vẽ để bắt đầu bằng một Vết, để đi tìm từ đâu có Vết đó. Vì nghệ thuật là phù du tan biến, vật chất trao đổi mọi thứ. Thì, nghệ thuật cũng vậy, phát minh bằng sáng tạo nuôi hạt giống tâm hồn. Nghệ thuật hội họa có mặt từ một đứa trẻ, vắng mặt nó nền văn minh nhân loại điêu tàn, hội họa vòng luân hồi tiếp nối”.