Họa sĩ Nguyễn Thu Hương đã có 10 năm gắn bó với tranh lụa. Triển lãm lần 1 có tên gọi “Lụa của Hương” tháng 12/2019 tại Hà Nội, triển lãm lần 2 có tên gọi “Hương lụa” tháng 5/2021 tại TP.HCM và triển lãm lần 3 có tên gọi “Hương” bây giờ, đều được họa sĩ Nguyễn Thu Hương sử dụng lụa dệt tay của làng Quan Phố thuộc huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Chất liệu lụa Hà Nam thăng hoa cùng sắc màu của họa sĩ Nguyễn Thu Hương thực sự tạo ra vẻ đẹp có sức quyến rũ công chúng. Triển lãm “Hương” của họa sĩ Nguyễn Thu Hương khai mạc chiều 15/10 tại Eight Gallery (8 Phùng Khắc Khoan, Q.1, TP.HCM) là một thế giới của những tâm trạng rạo rực và say mê.
Sáng tác tranh lụa, họa sĩ Nguyễn Thu Hương tự bạch: “Tôi quan sát hiện thực ngoài kia bằng đôi mắt mở to, vì muốn hiểu thấu bản chất sự vật hiện tượng, muốn tìm xem đâu là ranh giới đúng sai, hay dở, đẹp xấu... Nhưng, mọi hình ảnh cứ trôi qua vùn vụt không chờ đợi, tâm trí tôi chỉ kịp lưu lại một phần rất nhỏ hiện thực. Và rồi, cảm xúc chủ quan cùng với óc tưởng tượng đã biến chút nhỏ nhoi kia thành một "hiện thực" khác. Như một đoàn tàu đã đi qua, mọi hình ảnh, màu sắc, hình dáng, và âm thanh được lưu trong ký ức sẽ không còn là nó nữa... Hội họa của tôi ghi lại điều này”.
Dù lụa quen thuộc với người Việt, nhưng họa sĩ chọn vẽ lụa và sống được với lụa theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen, thì chưa bao giờ là việc dễ dàng. Những nghi ngại về độ bền (mà thực chất thì tranh lụa khá bền), những mặc cảm về chủ đề và ngôn ngữ tạo hình (nghĩ tranh lụa gò bó, quê kiểng)… đã làm cho tranh lụa Việt Nam nửa cuối thế kỷ 20 có những thất thế, lạc lõng và bị bỏ rơi.
Bước qua thế kỷ 21, đặc biệt từ khoảng 2010 trở lại đây, tranh lụa Việt Nam đã có được các tác giả mới, chủ đề mới, biểu cảm cảm, vật liệu mới… nên đang làm cuộc hồi sinh khá ngoạn mục. Họa sĩ Nguyễn Thu Hương là một số những gương mặt đắm đuối và bền bỉ với tranh lụa.
Có thể nói số tranh lụa Việt Nam được sưu tập trong một thập niên qua là nhiều nhất, nhiều hơn các thập niên trước đó cộng lại. Đã có khá nhiều triển lãm cá nhân và nhóm về tranh lụa, các hội thảo, ra mắt sách… Trên thị trường quốc tế, tranh lụa Việt Nam dần được ưu chuộng, nhiều họa sĩ trong nước được mời đi dự triển lãm, hội chợ. Tại các nhà đấu giá quốc tế, tranh lụa Việt Nam, đặc biệt các tác phẩm của họa sĩ xuất thân từ Trường Mỹ thuật Đông Dương, có vị thế không thua kém gì các vật liệu khác, chất liệu khác như sơn dầu, sơn mài… Tất cả điều này đều có quan hệ hữu cơ đến tranh lụa đương thời, tạo niềm tin, sự hưng phấn trong sáng tạo.
Kiên trì với tranh lụa, họa sĩ Nguyễn Thu Hương quan niệm: “Mỗi bức tranh là cảm xúc riêng cá nhân khi bị tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của tất cả những gì xung quanh như nhìn thấy, gặp, chứng kiến. Không nhất thiết là của mình mà người khác hoặc người mình không quen biết, nếu để lại ấn tượng hoặc làm tôi luôn nghĩ đến, tôi sẽ vẽ lại theo cách của tôi”.
Một điều thú vị mà họa sĩ Nguyễn Thu Hương thể hiện qua tranh lụa suốt một thập niên, chính là khả năng biến hóa thành nhiều phong cách như lập thể, trừu tượng… Các chủ thể, các motif dù được lặp lại, nhưng chưa bao giờ là giống nhau, tôn vinh cái tôi và bản thể nữ. Tất cả điều này giúp tranh lụa vượt qua cả những định kiến về phong cách sáng tác tranh lụa xưa nay, thường là các chủ đề rất đơn giản như phong cảnh, chân dung, cây đa, bến nước, mục đồng, mái đình…
Vì vậy, với tư cách một người đi trước, họa sĩ Nguyễn Thanh Bình đánh giá về triển lãm “Hương” của họa sĩ Nguyễn Thu Hương: “Tôi đã ngạc nhiên và cảm thấy thích thú. Thích thú vì kỹ thuật vẽ truyền thống chẳng những được xử lý tốt, mà còn thể hiện một cách nhìn riêng, một yếu tố quan trọng để họa sĩ tìm được chỗ đứng riêng. Tranh lụa của chị cho thấy chất liệu không "gò" cảm hứng, ngược lại, nó cho người xem thấy "chất" của nghệ sĩ.
Bởi vì, lụa cũng như sơn mài, đòi hỏi sự cần mẫn, thời gian, do đó, cảm xúc phải đủ "dày" đủ "mạnh" để đi hết tiến trình sáng tạo một tác phẩm. Một nữ họa sĩ nhỏ nhắn, dịu dàng và xinh đẹp lại có đủ tố chất để tạo ra hàng loạt tác phẩm phong phú, hấp dẫn, có bề dày, chiều sâu, há chẳng đáng cho ta chiêm ngưỡng sao”.