| Hotline: 0983.970.780

Hoa, trái miền Tây rộn ràng phục vụ thị trường Tết

Thứ Năm 01/02/2024 , 06:30 (GMT+7)

Hơn 1 tuần nữa đến Tết Nguyên đán, nhà vườn trồng hoa, cây ăn trái đang tất bật với các công đoạn cuối, chuẩn bị đưa ra thị trường mặt hàng ngon, đẹp, chất lượng.

Nông dân trồng bưởi Tết ở huyện Châu Thành - Hậu Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nông dân trồng bưởi Tết ở huyện Châu Thành - Hậu Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đa dạng trái cây phục vụ thị trường Tết

Thường vào thời điểm cuối năm là mùa làm ăn của nông dân ĐBSCL lại nhộn nhịp hẳn lên để chuẩn bị các mặt hàng nông sản cung cấp cho thị trường Tết, bởi mặt hàng bán vào dịp này luôn có giá cao hơn ngày thường.

Bưởi là một trong những mặt hàng hút khách mỗi dịp Tết. Tuy chưa phát triển thành vùng chuyên canh lớn, nhưng hầu hết địa phương trong tỉnh đều có vườn bưởi phát triển hiệu quả.

Điển hình, ở huyện Châu Thành – Hậu Giang nằm cặp bờ sông Hậu từ lâu đã nổi tiếng trồng bưởi có diện tích lớn nhất trong tỉnh. Gia đình ông Trần Văn Hay, ở xã Phú Hữu, huyện Châu Thành có 5 công trồng bưởi da xanh và bưởi Năm Roi mỗi vụ Tết bán ra thị trường hơn 3,5 tấn bưởi, sản lượng năm nay ước tương đương năm ngoái. Ngày nào ông cũng thăm vườn, tìm loại bớt trái nhỏ, kiểm tra sâu bệnh. Hiện vườn bưởi của ông đã có thương lái bỏ tiền cọc trước đây khoảng 1 tuần, thu mua với giá 20-25 ngàn đồng/kg, dự kiến 2-3 ngày nữa thương lái đến tận vườn thu hoạch để cung cấp cho thị trường Tết.

Cách đó không xa vườn trồng 4 công bưởi da xanh trồng hơn 100 gốc theo hướng hữu cơ của ông Ngô Văn Hưng, năm nay là năm thứ 2 cho trái đúng vào dịp tết dự kiến đạt 3 tấn trái.

Thương lái thu mua bưởi để cung cấp cho thị trường Tết. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thương lái thu mua bưởi để cung cấp cho thị trường Tết. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Hưng cho biết, muốn làm bưởi ra trái đúng vào dịp tết quan trọng là phải cắt cành, tạo tán, tỉa trái giúp cây nuôi số lượng trái vừa đủ, có như vậy trái bưởi mới tròn đều. Kể từ tháng 5 (âm lịch), ông Hưng cắt nước một thời gian, sau đó thúc nước trở lại, bón thêm phân cho cây ra hoa. Điều kiện thuận lợi cho cây bưởi phát triển là vùng đất sét, cung cấp nước tưới đầy đủ, dưỡng chất thiên về bón phân chuồng, phân hữu cơ và hạn chế bón phân thuốc hóa học thì trái mới đẹp, ngon, ngọt.

Không như những hộ khác lệ thuộc vào bạn hàng, anh Nguyễn Công Quyển, ở xã Vĩnh Thành, huyện Châu Thành - An Giang trồng dưa hấu cho leo giàn trong nhà lưới, được đặt hàng ngay từ đầu vụ, giá 8.000 đồng/kg. Từ vụ đầu chỉ trồng dưa có hạt, nay anh Quyển trồng dưa hấu không hạt giống Mặt Trời Đỏ và Lộc Phát theo hợp đồng có sẵn.

Lợi thế của trồng dưa hấu theo hướng hữu cơ kết hợp leo giàn giúp trái giảm vết xước, giữ cho vỏ bóng đẹp. Giàn trên cao còn giúp tăng số lượng dây trồng, quản lý sâu bệnh hiệu quả hơn, năng suất cao. Trên 2.000m2 đất, anh Quyển phủ lưới xung quanh, trồng 4.000 dây dưa hấu các loại, trọng lượng mỗi trái đạt từ 2,5 - 4kg. Anh cho hay, dự kiến sản lượng năm nay đạt khoảng 8 tấn, cao hơn năm ngoái, có sẵn đầu ra.

Trái cây độc, lạ xuất ngoại

Bên cạnh những trái cây ngon, đẹp phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp thìn 2024 thì năm nay có hàng nghìn trái cây độc, lạ đã được các nhà vườn ở miền Tây chuẩn bị để phục vụ thị trường Tết, đặc biệt bưởi tạo hình đã được doanh nghiệp đặt hàng để xuất sang thị trường nước ngoài.

Vào thời điểm này các sản phẩm trái cây tạo hình ở miền Tây đã hút khách từ sớm. Hiện tại, giá dừa hồ lô khoảng 500.000 đồng/cặp, dừa tròn 250.000 đồng/cặp, bưởi tạo hình giá từ 1,2 – 1,5 triệu đồng/cặp.

Anh Huỳnh Thanh Tâm, ở xã  An Khánh, huyện Châu Thành - Bến Tre bên sản phẩm bưởi tạo hình Tài Lộc phục vụ cho người dân chưng Tết trong gia đình. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Anh Huỳnh Thanh Tâm, ở xã  An Khánh, huyện Châu Thành - Bến Tre bên sản phẩm bưởi tạo hình Tài Lộc phục vụ cho người dân chưng Tết trong gia đình. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Anh Huỳnh Thanh Tâm, ở xã  An Khánh, huyện Châu Thành - Bến Tre, nghệ nhân chuyên tạo hình trái cây phục vụ thị trường Tết. Anh Tâm cho biết, năm nay sản xuất 4.000 trái dừa nhưng chỉ đạt 50%, còn khoảng 2.000 trái tạo hình hồ lô "Phúc – Lộc – Thọ", "Tài Lộc" và 1.500 trái bưởi tạo hình hồ lô, thỏi vàng, hoa mai và đồng tiền phục vụ thị trường Tết. Sở dĩ năng suất đạt thấp là do thời tiết năm nay bất lợi, mưa nhiều, nhưng khi dứt mưa lại đột ngột dẫn đến trái bị rụng nhiều. Đối với sản phẩm bưởi tạo hình 70% số này đã được doanh nghiệp đặt mua để xuất sang thị trường nước ngoài phục vụ cộng đồng người Việt dịp Tết.

​Theo anh Tâm, hiện có nhiều doanh nghiệp đặt mua bưởi tạo hình phục vụ người Việt ở nước ngoài chưng tết, tuy nhiên sản phẩm này làm kỳ công, đòi hỏi kỹ thuật cao, tốn thời gian nên chỉ nhận số lượng có hạn. Năm sau sẽ dành thời gian nhiều hơn nghiên cứu, tạo hình bưởi để đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là thị trường nước ngoài.

Dừa tạo hình Phúc - Lộc - Thọ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Dừa tạo hình Phúc - Lộc - Thọ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

​Tại Hậu Giang, năm nay các thành viên Câu lạc bộ sản xuất bưởi hồ lô ở xã Phú Hữu, huyện Châu Thành dự kiến cung cấp hơn 1.000 trái bưởi tạo hình phục vụ thị trường Tết.

Ông Võ Trung Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ sản xuất bưởi hồ lô ở xã Phú Hữu cho biết, đến nay gần 80% sản phẩm của các thành viên đã được khách đặt mua. Theo ông Thành, năm nay trái đẹp nhưng giá bán lại giảm hơn 10% so năm trước, khoảng 1.400.000 đồng/cặp loại 1. Còn sản lượng bưởi tạo hình thấp hơn so với các năm trước do cây bị lão hóa, đất trồng nhiều năm không còn dinh dưỡng. Vài năm trở lại đây, các thành viên trong câu lạc bộ sang tỉnh Vĩnh Long hợp tác với nông dân để sản xuất bưởi tạo hình. Ngoài ra, Câu lạc bộ chủ động giảm sản lượng trái tạo hình bởi dự báo sức mua dịp Tết năm nay giảm, người dân thắt chặt chi tiêu so với mọi năm.​​​​​​

Kiểng tắc tạo dáng hình rồng phục vụ thị trường Tết

Bên cạnh cây ăn trái, hoa kiểng là mặt hàng không thể thiếu, tạo nên hương sắc ngày Tết. Làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp được coi là "thủ phủ hoa" lâu đời của ĐBSCL, một trong những vùng canh tác hoa, kiểng lớn của Việt Nam. Hiện nay, hoa, kiểng Sa Đéc là một trong những ngành hàng chủ lực trong nông nghiệp của Đồng Tháp có diện tích hơn 3.000ha với hơn 2.000 giống hoa, kiểng mỗi năm cung ứng hơn 12 triệu sản phẩm, đem lại doanh thu hơn 6.000 tỷ đồng.

Làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp được coi là 'thủ phủ hoa' lâu đời của ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp được coi là "thủ phủ hoa" lâu đời của ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Anh Lê Văn Thanh ở phường Tân Quy Đông, TP. Sa Đéc - Đồng Tháp chia sẻ: Mùa Tết năm nay gia đình trồng khoảng 6.000 giỏ hoa các loại gồm cúc các loại và dừa cạn, trong đó có 4.000 giỏ hoa cúc đã có thương lái đặt hàng trước.

Cũng theo anh Thanh, nông dân ở Sa Đéc có cách trồng hoa cây kiểng độc đáo so với những nơi khác, đó là đặt hoa cây kiểng lên những giàn cao có khung thép hoặc cây tràm rồi dẫn nước ngập trên ruộng. Cách làm này phát sinh thêm chi phí khung giàn, thời gian chăm sóc nhưng bù lại hoa cây kiểng nằm trên ruộng nước hạn chế được sâu bọ, không phải phun thuốc BVTV nhiều như những nơi khác. Ngoài ra, vì đặc điểm trồng hoa trên ruộng ngập nước mà nhiều nông dân ở đây còn thu hút khách du lịch tham quan.

Năm nay, ngoài các loại hoa kiểng truyền thống, nhà vườn ở “Vương quốc” cây giống Chợ Lách (Bến Tre) tung ra nhiều mẫu cây cảnh độc lạ, đặc biệt là tắc (quất) tạo dáng hình rồng phục vụ thị trường Tết.

Những ngày cận Tết người trồng hoa ở Sa Đéc rộn ràng mang hoa, kiểng đi tiêu thụ ở các chợ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Những ngày cận Tết người trồng hoa ở Sa Đéc rộn ràng mang hoa, kiểng đi tiêu thụ ở các chợ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Những ngày này các nhà vườn ở huyện Chợ Lách chăm sóc hoa cảnh, thực hiện các công đoạn cuối cùng để cho ra mắt những sản phẩm đẹp nhất. Là người có thâm niên 30 năm trong nghề hoa kiểng, anh Lê Văn Trí ở xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách - Bến Tre cho biết, năm nay năm con rồng nên anh tạo hình con rồng từ những chậu tắc (quất) kiểng. Anh tạo hình 50 con rồng từ cây tắc phục vụ khách tham quan và đặt mua, giá bán 5 triệu đồng/cặp.

Để tạo hình được 1 con rồng, anh Trí dùng 15 cây tắc dồn vô 1 chậu, mất khá nhiều thời gian. tuy nhiên, anh Trí cho hay, năm nay tiêu thụ chậm hơn năm trước. Ngoài tắc kiểng tạo hình con rồng, anh Trí còn trưng bày rất nhiều chậu tắc hình tháp. Trong đó, chậu tắc hình tháp nhỏ có giá 1,5 đồng/cặp, chậu tắc hình tháp lớn có giá 3 triệu đồng/cặp.

Xem thêm
80% sản lượng dừa sáp Trà Vinh bán dưới hình thức nguyên liệu thô

Doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng diện tích dừa hữu cơ gắn với mã số vùng trồng xuất khẩu tại Trà Vinh, cần liên hệ với cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Trung Quốc tiêu thụ 4 tỷ quả dừa mỗi năm và cơ hội cho dừa Việt

BẾN TRE Đại diện Vina T&T Group chia sẻ những thuận lợi, thách thức ngành hàng dừa Việt Nam đối mặt khi chinh phục thị trường tỷ dân Trung Quốc.

Tháp đôi Prime Thái Nguyên mừng tân gia, chào đón giáng sinh và năm mới 2025

Năm 2025 sắp gõ cửa, mang theo những hy vọng và ước mơ mới. Năm 2024, Tháp đôi Prime vui mừng chào đón những cư dân đầu tiên về sinh sống tại toà nhà.