| Hotline: 0983.970.780

Trái cây, hoa kiểng Tết Nhâm Dần giảm mọi mặt

Thứ Hai 10/01/2022 , 11:29 (GMT+7)

Do diện tích, sản lượng trái cây, hoa kiểng phục vụ Tết Nhâm Dần giảm mạnh nên các nhà vườn ở ĐBSCL kỳ vọng năm nay sẽ được giá cao.

Giá nhiều loại trái cây tại ĐBSCL đang giảm mạnh. Ảnh: Minh Đảm.

Giá nhiều loại trái cây tại ĐBSCL đang giảm mạnh. Ảnh: Minh Đảm.

Nhà vườn trông chờ chợ Tết

Tại ĐBSCL, thị trường các loại trái cây những ngày cuối năm ảm đạm. Theo các thương lái thu mua trái cây cho hay, ngoại trừ trái xoài có giá so với cùng kỳ, hầu hết các loại trái cây còn lại giá sụt giảm mạnh.

Tại Vĩnh Long, chôm chôm nghịch mùa hiện cũng chỉ có giá 11.000 đồng/kg; Bưởi năm roi, bưởi da xanh dao động từ 12.000 -13.000 đồng/kg; Sầu riêng 20.000 đến 30.000 đồng/kg; Mít Thái thu mua tại vựa, tuỳ loại dao động từ 4.000 - 14.000 đồng/kg; Thanh long chỉ 3.000 - 4.000 đồng/kg; Xoài Đài Loan 3.000 - 4.000 đồng/kg… Riêng giá xoài cát núm mua xô tại vườn 20.000 đồng/kg.

“Tôi mới bán xong mấy công chôm chôm ở chợ đầu mối An Hữu (xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) thấy chợ vắng tanh. Mọi năm, thời điểm này xe cộ ra vào chợ kín mít, kẹt cứng. Bây giờ ngoại trừ một số vựa mua xoài, ổi mận ra hầu hết các vựa ở Cái Bè đều đóng cửa”, ông Nguyễn Ngọc Nhân, Giám đốc HTX chôm chôm Bình Hoà Phước nói.

Xoài cát núm là một trong những loại trái cây không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, bởi mặt hàng này chỉ tiêu thụ nội địa. Anh Nguyễn Văn Đằng, Giám đốc HTX Xoài cát núm Quới An (xã Quới An, huyện Vũng Liêm) cho biết: “Năm nay, thời tiết thay đổi thất thường nên sản lượng xoài không nhiều. Hiện giá xoài 20.000 đồng/kg. Thành viên của HTX chỉ còn vài hộ có xoài Tết. Nông dân bên ngoài HTX chỉ khoảng 30 - 40% là có xoài cho trái dịp Tết. Sản lượng xoài ở xã này khoảng 300 tấn.”

Các nhà vườn trồng bưởi ở Mỹ Hoà, thị xã Bình Minh những tháng gần đây cũng buồn không kém do rớt giá, bà con đang hi vọng giá bưởi sẽ tăng cao dịp Tết này.

Ông Trương Ngọc Trọng, Giám đốc HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hoà (thị xã Bình Minh) cho biết: “Thời gian qua, dịch bệnh cộng với giá phân bón thuốc BVTV tăng cao nên diện tích bưởi năm nay không đạt. Dù vậy, giá bươi Năm roi cũng ở mức thấp. Giá bưởi hiện nay cũng chỉ mức 12.000-13.000 đồng. Tuy nhiên, sản lượng bưởi Tết ở đây chắc cũng chỉ khoảng vài trăm tấn. Giá bưởi Tết tôi đoán chắc lên, cũng 17.000-18.000 đồng/kg”.

Tỉnh Vĩnh Long có diện tích trồng cây ăn trái trên 60.000ha, trong đó có 50.000ha đang cho trái. Tỉnh có thế mạnh về trái nhãn, chôm chôm, sầu riêng, xoài, bưởi, mít, thanh long… Mùa vụ trái cây thường tập trung vào thị trường Tết đến ra Giêng. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá vật tư nông nghiệp tăng cao dẫn đến nông dân chăm sóc cây trồng gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Năm nay, do tình hình dịch bệnh, cùng với đó là giá vật tư nông nghiệp tăng cao, khó dự đoán thị trường nên nông dân không mạnh dạn đầu tư xử lý trái cây phục vụ thị trường Tết. Dự kiến hầu hết sản lượng trái cây phục vụ Tết sẽ giảm so với năm ngoái. Những loại trái cây chủ lực như: xoài, nhãn, chôm chôm, dưa hấu, đu đủ… đều giảm sản lượng.”

Sản lượng ha kiểng năm nay giảm đến 50%. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sản lượng ha kiểng năm nay giảm đến 50%. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hoa kiểng giảm 40 - 50%

Tại làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) tuy năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh, diện tích sản xuất hoa kiểng của bà con nông dân nơi đây giảm hơn 40% so với các năm trước. Tuy nhiên, trong đó có một số hộ dám mạnh dạn đầu tư trồng loại tắc kiểng trong chậu để phục vụ thị trường tết bán giá cao hơn gấp đôi so với thời điểm năm rồi. Đa phần các hô dân trồng tắc kiểng năm nay ở làng hoa Sa Đéc đều thắng đậm và hàng hóa không đủ bán.

Anh Lê Quý Lâm, ở phường Tân Quy Đông, TP. Sa Đéc (Đồng Tháp) cho biết, mặc dù năm nay dịch bệnh gây khó khăn rất nhiều cho nhà dân, vì yêu nghề nên Tết năm nay gia đình anh đã đầu tư gần 100 triệu đồng trồng gần 1.000 chậu tắc kiểng bán vào dịp Tết Nhâm Dần 2022.

Vụ Tết năm nay gia đình anh Lâm chọn trồng các chậu tắc kiểng có chiều cao dưới 1m bán dao động từ 120.000 - 180.000 đồng/chậu. Do sản phẩm mới lạ nên không đủ hàng để cung cấp cho thị trường, nhất là thị trường TP. HCM.

Tại tỉnh Bến Tre, phục vụ thị trường Tết cổ truyền, nông dân huyện Chợ Lách gieo trồng hơn 7 triệu giỏ hoa tươi các loại. Trong đó nhiều nhất là các loại hoa cúc, cúc vạn thọ, hoa giấy, mào gà... So với năm ngoái, số lượng hoa tươi giảm gần 50%. Các địa phương có mô hình trồng hoa Tết nhiều nhất là xã Vĩnh Bình, Long Thới, Phú Sơn, Thị trấn Chợ Lách…

Ở thời điểm này hoa Tết rất tốt tươi, không bị mặn tấn công, nhiều khả năng ra hoa trúng dịp Tết cổ truyền. Đặc biệt, dù dịch bệnh còn phức tạp nhưng nhiều nông dân địa phương đã ký hợp đồng tiêu thụ hoa tươi với các thương lái.

Ông Trương Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Long Thới, huyện Chợ Lách chia sẻ: “Năm nay sản lượng, số hộ trồng hoa có giảm hơn 20 hộ. Bây giờ xã có hơn 340.000 sản phẩm nhiều nhất là cúc mâm xôi, vạn thọ rất tốt. Hiện hơn 70% hộ trồng có nhận tiền cọc, có hợp đồng rồi, đa số ngoài tỉnh nhưng không biết tới Tết ra sao. Hiện nhà vườn có bán cúc mâm xôi cho lái từ Hà Nội rồi, nhưng địa phương khuyến khích bà con bán tại chỗ”.

Nông dân tạo hình trái cây phục vụ chưng Tết. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nông dân tạo hình trái cây phục vụ chưng Tết. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trái cây tạo hình phục vụ chưng Tết vẫn được giá

Thời gian qua, tình hình dịch bệnh bùng phát trên các loại cây ăn trái cùng với biến đổi khí hậu khiến việc sản xuất của nhà vườn gặp không ít khó khăn. Từ thực tế đó, anh Nguyễn Văn Hoàng, ở xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp quyết định chuyển hướng sang trồng bưởi hữu cơ và tạo hình bưởi chưng Tết. Mô hình này mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho gia đình.

Anh Hoàng cho biết: gia đình có 3 công đất, trước đây chủ yếu trồng quýt đường nhưng hiệu quả kinh tế không cao do cây bị bệnh vàng lá thối rễ, giá cả bấp bênh, đầu ra khó khăn. Vì vậy năm 2017, anh Hoàng cải tạo 3 công vườn để trồng bưởi da xanh theo phương pháp hữu cơ nhằm đảm bảo được tính bền vững cho đất, sức khỏe cho nông dân và an toàn cho người sử dụng nông sản.

Trồng theo phương thức này, anh Hoàng đưa ra công thức phân bón hữu cơ bằng cách ủ các loại phân gà, vịt, ốc... dùng để bón cho cây trồng nhằm thay thế phân bón hóa học. Giải pháp này giúp gia đình anh mỗi năm giảm gần 40% chi phí sản xuất so với lối canh tác truyền thống. Ngoài phân tự ủ để bón cây, anh Hoàng còn sử dụng phân sinh học để phun qua lá. Sự kết hợp này có tác dụng làm “trẻ hóa” cây, đồng thời làm tăng vi sinh vật trong đất, giúp đất tơi xốp.

Không dừng lại ở việc sản xuất bưởi hữu cơ, nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng trong việc sử dụng sản phẩm độc, lạ chưng Tết nên năm 2020 anh Hoàng bắt đầu mày mò làm bưởi tạo hình theo cách riêng của mình. Qua nhiều lần thất bại, dịp Tết Nguyên đán năm 2021, anh Hoàng đã có những sản phẩm bưởi tạo hình đưa ra thị trường với giá từ 1 - 1,5 triệu đồng/cặp.

Tiếp nối thành công đó, năm 2022, anh sẽ cung cấp cho thị trường hơn 350 cặp bưởi (tăng hơn năm qua 50 cặp) với các tạo hình độc đáo như thỏi vàng, giọt nước, hồ lô với các chữ Tài, Lộc, hình lá bồ đề... Ngoài ra, tôi còn ra mắt thị trường bưởi tạo hình lên chậu với mong muốn đem lại cho các gia đình sự bình an đầu năm mới”, anh Hoàng chia sẻ.

Theo anh Hoàng, trồng bưởi hữu cơ, kết hợp tạo hình cho bưởi phục vụ chưng Tết giúp gia đình anh tăng thu nhập hơn 30% so với sản xuất theo phương thức truyền thống. Cụ thể, với 300 cặp bưởi tạo hình năm 2022 cùng với 2,5 tấn bưởi thương phẩm, dự kiến mang lại thu nhập cho gia đình gần 300 triệu đồng.

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Dừa hữu cơ Cocohihi - Tinh hoa xứ dừa Bến Tre vươn xa thế giới

Bến Tre không chỉ là xứ sở của dừa mà còn là nơi khởi nguồn của những sản phẩm hữu cơ, như dừa tươi Cocohihi, góp phần đưa nông sản Việt vươn ra thế giới.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.