| Hotline: 0983.970.780

Học giả Nguyễn Trần Bạt - Bộ óc lớn đã ngừng tư duy

Thứ Tư 16/12/2020 , 18:41 (GMT+7)

“Sẽ còn rất lâu nữa chúng ta mới đánh giá đúng tầm vóc và mức độ quan trọng của những gì Nguyễn Trần Bạt để lại", nhà văn Tạ Duy Anh khẳng định.

Học giả Nguyễn Trần Bạt. Ảnh: Tùng Đinh.

Học giả Nguyễn Trần Bạt. Ảnh: Tùng Đinh.

19 giờ 30 phút ngày 15/12/2020, luật sư, nhà nghiên cứu và doanh nhân Nguyễn Trần Bạt đã qua đời sau một cơn đột quỵ tại Hà Nội, hưởng thọ 74 tuổi.

Ông Nguyễn Trần Bạt sinh năm 1946 tại huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Năm 1973, ông tốt nghiệp kỹ sư xây dựng cầu đường trường Đại học Xây dựng, sau đó tốt nghiệp cử nhân luật của Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Năm 1975 - 1984, ông từng giữ quyền chủ nhiệm một bộ môn nghiên cứu khoa học tại Viện Khoa học Công nghệ giao thông vận tải.

Năm 1987 ông khởi xướng việc thành lập Văn phòng Xúc tiến các hoạt động sở hữu công nghiệp Việt Nam, tiền thân của Công ty Sở hữu Công nghiệp INVESTIP thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.

Năm 1989, dưới sự bảo trợ của Viện Khoa học Việt Nam, ông cùng với một số đồng nghiệp đã thành lập Công ty Tư vấn Đầu tư và Chuyển giao Công nghệ (có tên giao dịch là InvestConsult Ltd). Kể từ đó, InvestConsult Ltd. chuyển hướng sang cung cấp dịch vụ tư vấn cho các nhà đầu tư nước ngoài và trở thành một trong những tổ chức đầu tiên của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Trần Bạt là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Công ty InvestConsult Group, công ty có doanh thu hàng triệu USD mỗi năm. Ông đã được nêu danh trong các cuốn sách Barons "Who's Who in Vietnam", "Who's Who in Asia Pacific", "Who's Who in the World" và "The Global 500 Leaders for the New Century" như một luật sư và nhà tư vấn xuất sắc. Ông đã từng nhiều lần tư vấn cho Chính phủ Việt Nam về các vấn đề kinh tế và chính trị.

Trong nhiều năm qua, nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt thường xuyên cộng tác với Báo Nông nghiệp Việt Nam và nhiều cơ quan quan báo chí khác. Trong những lần hợp tác với Báo Nông nghiệp Việt Nam, bao giờ cũng vậy, sau khi báo đăng, chị Thu Hương, thư ký lâu năm của học giả Nguyễn Trần Bạt đều nhắn tin: Rất vui vì những lần hợp tác với bọn em đều ra được những bài báo hay, mong rằng hai bên trong tương lai vẫn sẽ duy trì được như vậy.

Ông là tác giả của rất nhiều bài báo, sách và các công trình nghiên cứu tập trung vào nội dung làm thế nào Việt Nam phát triển trong bối cảnh toàn cầu hoá. Trong đó nổi bật nhất là các cuốn sách như: Văn hóa và con người (2005), Cải cách và sự phát triển (2005), Suy tưởng (2005), Cội nguồn cảm hứng (2008), Đối thoại với tương lai (2010), Vượt qua những giới hạn (2013), Con người là tinh hoa của nhau (2014)…

Có nhiều bài viết, vấn đề nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt đặt ra được dư luận độc giả đặc biệt quan tâm và qua các cuốn sách, các bài báo mà ông viết, trả lời phỏng vấn, nhiều người đánh giá Nguyễn Trần Bạt là một tư tưởng và là người có tư duy khác biệt.

"Tôi yêu cuộc đời một cách chân thật, yêu cả khuyết tật, nhược điểm của nó. Cuộc sống đối với tôi có những khía cạnh khó khăn, khổ sở nhưng cũng có cả những khía cạnh trìu mến, chứa đựng rất nhiều kỷ niệm tinh thần của tôi. Tôi viết sách là để thể hiện tình yêu của tôi đối với cuộc sống, để góp một phần nho nhỏ của tôi vào sự hợp lý hóa đời sống tinh thần của con người và tôi làm việc ấy một cách yên lặng, một cách âm thầm", ông đã viết trong những cuốn sách của mình như thế.

Học giả Nguyễn Trần Bạt cũng là người thường xuyên đề cập đến vấn đề cải cách và quan điểm của ông rất rõ ràng: “Trong những cải cách căn bản với xã hội Việt Nam, cải cách kinh tế, cải cách chính trị, cải cách văn hóa, cải cách giáo dục, cải cách giáo dục là cuộc cải cách đau đớn nhất, vất vả nhất và quan trọng nhất đối với tương lai phát triển của xã hội chúng ta… Xã hội chúng ta hay hay dở là do chất lượng con người. Cải cách giáo dục chính là tạo ra loại người có năng lực thỏa mãn đòi hỏi của của cả nhân loại chứ không phải đòi hỏi của một vài người”…

Nhà văn Thiên Sơn từng viết trên Nông nghiệp Việt Nam rằng, Nguyễn Trần Bạt xuất hiện trong đời sống văn hóa như một hiện tượng hết sức độc đáo. Lúc đầu giới nghiên cứu còn ngỡ ngàng bởi một giọng điệu lạ, bởi cách đặt vấn đề không giống ai. Chỉ sau khoảng thời gian không dài, ông đã xây đắp lên một sự nghiệp đồ sộ. Đồ sộ và độc đáo đến mức, ở Việt Nam chưa từng có một kiểu tư duy, một lối nghiên cứu thực tiễn và đa diện như vậy. Ông luôn nói: Tôi là người yêu nước bằng cách lý giải các vấn đề của nó.

Cái khác biệt của Nguyễn Trần Bạt là ở chỗ, toàn bộ nghiên cứu của ông sinh ra để trả lời những câu hỏi then chốt của thực tại. Nghĩa là, ông luôn đặt mình vào những vấn đề nóng bỏng, khó khăn để tìm ra câu trả lời. Nghiên cứu của ông nằm ở mũi nhọn của cuộc sống. Cái khát vọng tìm đường, cái mong muốn phá bỏ những vật cản trên con đường đi lên của đất nước, riêng điều đó thôi, đã đáng để ta ngẫm suy và trân trọng.

Với khoảng 6.000 trang sách đã in, những nghiên cứu của Nguyễn Trần Bạt trải trên nhiều bình diện của đời sống. Ông là người quan tâm đến văn hóa trong trạng thái động của nó.

Nghĩa là, theo ông, văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội, hơn thế, như là phương tiện, là sức mạnh để con người vượt thoát khỏi những bế tắc của thực tại. Văn hóa tồn tại trong con người như những thành tố cấu tạo nên tư duy, chỉ huy mọi hành động của con người.

Nguyễn Trần Bạt xem kinh tế, chính trị như là những mũi nhọn quan trọng của văn hóa, đó là nơi biểu lộ thực trạng văn hóa của đất nước và cũng là nơi phải vận dụng văn hóa như một phương tiện để giải quyết những bế tắc, trì trệ, kém phát triển của nó.

Những quan điểm ấy khiến Nguyễn Trần Bạt trở thành một nhà nghiên cứu văn hóa kiểu mới. Từ những nghiên cứu của mình, ông đã vận dụng nó vào việc đề xuất những xu hướng, những biện pháp nhằm thay đổi thực trạng của đất nước.

Nguyễn Trần Bạt nhìn thấy sự phát triển đích thực của con người, của đất nước nằm ở khía cạnh văn hóa của nó. Ông nói: “Bất kỳ một xã hội nào cũng là một sản phẩm văn hóa”. Luận điểm nền tảng trong lý thuyết của ông là “phi cách mạng hóa đời sống chính trị”. Và, trên cơ sở đó, ông cho rằng, sự sửa đổi một cách có hệ thống, liên tục, dựa trên những chuẩn giá trị văn hóa, có thể đưa đất nước thoát khỏi lạc hậu, trì trệ để trở nên văn minh, phồn vinh. Ông đề cập đến TỰ DO, DÂN CHỦ như những giá trị căn bản nhất. Và, ông cho rằng, những nhà lãnh đạo hiện nay nên xem việc dẫn dắt đất nước đi đến nền dân chủ như một nhiệm vụ trọng yếu.

Vừa đi vào những nguyên lý phổ quát, vào những xu hướng chính của thời đại, Nguyễn Trần Bạt cũng không ngừng tác động vào thực thế bằng những kiến giải sâu sắc trước những biểu hiện phức tạp của đời sống.

Khi hay tin học giả Nguyễn Trần Bạt mất, trên trang cá nhân, nhà văn Tạ Duy Anh viết: "Vĩnh biệt bộ óc lớn Nguyễn Trần Bạt".

Theo nhà văn Tạ Duy Anh, ông chính là người biên tập toàn bộ những cuốn sách đã xuất bản của nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt, tổng cộng khoảng 10 nghìn trang viết. Chỉ riêng quan điểm của ông về đối sách với các cường quốc, đã xứng đáng để phong ông là “túi khôn” của thiên hạ.

“Sẽ còn rất lâu nữa chúng ta mới đánh giá đúng tầm vóc và mức độ quan trọng của những gì Nguyễn Trần Bạt để lại", nhà văn Tạ Duy Anh khẳng định.

Xem thêm
Bí quyết sở hữu vé chương trình 'Bài hát của chúng ta' top 1 rating VTV3

Đến hết 30/10/2024, khách hàng chi tiêu thẻ quốc tế VPBank thỏa mãn điều kiện hoặc tham gia minigame trên fanpage sẽ nhận vé dự chương trình 'Our Song - Bài hát của chúng ta'.

Jannik Sinner mất ngủ vì sự cố doping

Tay vợt số 1 thế giới của quần vợt nam Jannik Sinner cho biết sự vụ liên quan tới câu chuyện doping khiến mình bị mất ngủ nhiều đêm.

Kỷ lục gia Hoàng Nguyên Thanh tham dự Berlin Marathon

Chân chạy số 1 của điền kinh Việt Nam ở đường chạy dài và marathon là Hoàng Nguyên Thanh góp mặt giải Berlin Marathon 2024 tại Đức.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.