| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 06/08/2020 , 05:30 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 05:30 - 06/08/2020

Hồi âm cho tiếng gọi từ Đà Nẵng

Đà Nẵng không bi đát như Vũ Hán, vì hai yếu tố. Thứ nhất là tinh thần can trường của người Đà Nẵng. Thứ hai là tấm lòng sẻ chia của cả nước.

Sau 10 ngày thực hiện giãn cách xã hội, Đà Nẵng đã chứng minh sự kiên cường chống chọi Covid-19 một cách quyết liệt, để sớm chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Đà Nẵng hôm nay giữa muôn trùng gian khó, vẫn nỗ lực kể tiếp câu chuyện về sức sống của một đô thị trung tâm miền Trung.

Trong cuộc họp trực tuyến của thường trực Chính phủ với một số địa phương vào chiều ngàu 2/8, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng cần phong tỏa Đà Nẵng như Vũ Hán - Trung Quốc.

Đề nghị ấy, khiến vài người yêu Đà Nẵng nhưng chưa nắm đầy đủ thông tin, cảm thấy ít hài lòng. Dù đại đa số người Việt Nam e ngại khi so sánh Đà Nẵng với Vũ Hán, nhưng thực tế những biện pháp chống dịch ở Vũ Hán đã được chính Đà Nẵng áp dụng rất tích cực.

Cụ thể, khi xác định tâm dịch ở mức độ cao nhất, thì chính quyền yêu cầu tất cả công dân ở nhà, từng gia đình chỉ được cử một người đi chợ một lần mỗi ngày, sau đó thì chuyển hẳn sang giao nhận thực phẩm tại chỗ.

Ở Đà Nẵng, những khu vực dân cư bị phong tỏa cũng đã trả qua giai đoạn như vậy. Ví dụ, phường Thạch Thang (quận Hải Châu) không chỉ cung cấp số điện thoại những cơ sở kinh doanh lương thực thực phẩm giao hàng tận nơi, mà những cán bộ của Hội Phụ nữ còn làm luôn nhiệm vụ đi chợ dùm bà con.

Người Đà Nẵng bao đời đã quen với nắng, gió, mưa, bão khắc nghiệt của môi trường duyên hải, nên họ dễ dàng vượt qua những hoang mang ban đầu để chung tay đẩy lùi virus Corona. Bên cạnh sự hỗ trợ từ kinh phí chống dịch Covid-19, những người có hoàn cảnh khó khăn ở Đà Nẵng còn được các doanh nghiệp cho mua nợ các loại nhu yếu phẩm.

Hình ảnh hàng trăm suất ăn được mạnh thường quân tập trung trước khu vực phong tỏa để lực lượng chức năng phân phối cho từng hộ dân, là một dấu ấn nhân văn của Đà Nẵng khiến người dửng dưng nhất cũng phải xúc động. Người Đà Nẵng biết cách nương tựa lẫn nhau, và không ai bị bỏ rơi trong đợt lây nhiễm mới của đại dịch toàn cầu.

Đà Nẵng không bi đát như Vũ Hán, vì hai yếu tố. Thứ nhất là tinh thần can trường của người Đà Nẵng. Thứ hai là tấm lòng sẻ chia của cả nước. Đà Nẵng không đơn độc. Đà Nẵng không sợ hãi. Đà Nẵng không ngã quỵ.

Ngoài sự chi viện của các bệnh viện lớn từ Hà Nội và TP.HCM, thì Sở Y tế các địa phương khác như Hải Phòng, Bình Định cũng gửi đội ngũ cán bộ y tế đến Đà Nẵng để tham gia điều trị cho các bệnh nhân.

Không chỉ hội đồng hương Đà Nẵng ở các tỉnh tổ chức vận động quyên góp cho quê nhà chống dịch, mà những người Việt Nam chưa từng đến biển Mỹ Khê, chưa từng thấy sông Hàn, chưa từng đi qua Cầu Rồng cũng tình nguyện ủng hộ tài chính và vật tư cho người Đà Nẵng thêm vững vàng với cuộc chiến cam go.

Trong một thế giới đầy biến động, nhiều giá trị đã mai một và hao hụt. Thế nhưng, phẩm chất đồng bào tương thân tương ái của người Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn. Cả nước hướng về Đà Nẵng, vì Đà Nẵng là máu thịt của Việt Nam. Tiếng gọi từ Đà Nẵng đã có những hồi âm ấm áp khắp ba miền.

Những ngày Đà Nẵng ngạo nghễ đối mặt Covid-19, trên mạng xã hội lập tức lan truyền ca khúc “Đà Nẵng ơi, cả nước ở cạnh bên”, thật chân thành và trân trọng: "Nếu bạn hỏi nơi nào thật đáng sống? Tôi sẽ trả lời ngay là Đà Nẵng/ Dù bạn thích yên bình hay sôi động, vẫn một câu trả lời chẳng băn khoăn/ Đà Nẵng tuyệt vời như vậy đấy, từ biển xanh, thắng cảnh đến con người…”.

    Tags: