| Hotline: 0983.970.780

Hội giống cây trồng Việt Nam: 15 năm xây dựng & phát triển

Thứ Tư 21/12/2016 , 08:10 (GMT+7)

Hội Giống cây trồng Việt Nam (Vietnam Seed Asociation - VSA) là tổ chức xã hội, nghề nghiệp của những người làm công tác về giống cây nông - lâm nghiệp và các loại giống cây trồng khác.

Hội được thành lập theo quyết định số 30, ngày 4/6/2001 của Bộ Nội vụ.  Hội tập hợp, đoàn kết rộng rãi mọi tổ chức và cá nhân có liên quan đến giống cây trồng nông - lâm nghiệp thuộc các lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, quản lý, sản xuất, kinh doanh.

nh20620dc20tinh1130406663120606977
Giống lúa TH3-5 của tác giả PGS.TS Nguyễn Thị Trâm đạt năng suất cao ở Yên Bái
 

Hội hoạt động trên phạm vi cả nước, là thành viên của Hiệp hội Giống châu Á - Thái Bình Dương - APSA, là thành viên của Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ NN-PTNT.

Hiện nay Hội có 3 trung tâm: Trung tâm Giống cây trồng sông Hồng; Trung tâm Giống cây trồng và công nghệ nông nghiệp; Trung tâm Tư vấn và phát triển rau hoa quả; 42 hội viên tập thể (bao gồm các viện, trung tâm, các trường đại học, các Cty trong lĩnh vực giống cây trồng), 3 Hội Giống cây trồng cấp tỉnh và khu vực: Hội Giống cây trồng và vật tư nông nghiệp tỉnh Thanh Hoá, Hội Giống cây trồng Nghệ An và Hội Giống cây trồng Nam Bộ.

Trong những năm qua, Hội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tư vấn, thẩm định và phản biện dự án Giống cây trồng Quốc gia giai đoạn 2011-2015. Tư vấn, thẩm định và phản biện các đề tài nghiên cứu khoa học của Bộ NN-PTNT, Bộ KH-CN, Bộ Công thương (cây thuốc lá, bông, dừa…), Bộ GD-ĐT, Bộ TN-MT, Bộ Y tế (cây thuốc) và các viện trực thuộc Viện Khoa học nông nghiệp VN (VAAS); ĐH Quốc gia Hà Nội; Học viện Nông nghiệp VN…

Trong giai đoạn từ 2012 - 2016, các trung tâm và các hội thành viên đã thực hiện 15 đề tài và dự án thử nghiệm đạt kết quả tốt. Điển hình là “Tuyển chọn và phát triển cây thanh long ruột đỏ đạt năng suất cao, chất lượng tốt thích ứng với một số tỉnh phía Bắc giai đoạn 2014 - 2015”; “Tuyển chọn và phát triển giống vải chín sớm đạt năng suất cao, chất lượng tốt thích ứng với tỉnh Hải Dương và Bắc Giang giai đoạn 2014 - 2015”; “Nghiên cứu tuyển chọn giống bưởi đường đạt năng suất, chất lượng cao thích hợp tại Hà Nội giai đoạn 2014 - 2015”; “Nghiên cứu giải pháp quản lý tổng hợp bệnh virus đốm vòng (Papaya Ringspot Virus) nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất đu đủ ở Hà Nội”; “Ứng dụng KH-CN xây dựng mô hình trồng cà chua chịu nhiệt tại tỉnh Thái Bình”...

Với sự quan tâm và chỉ đạo của Bộ Nội vụ, Bộ NN-PTNT, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, trong thời gian qua, Hội Giống cây trồng Việt Nam đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra trong giai đoạn từ 2012-2016.
Hy vọng với sự đổi mới toàn diện về nội dung và phương thức hoạt động, Hội Giống cây trồng Việt Nam sẽ hoàn thành xuất sắc Nghị quyết của Đại hội nhiệm kỳ IV (2016-2021) với tinh thần: “Đổi mới, Sáng tạo và Phát triển bền vững”.

Nhiều hội viên đã cố gắng trong nghiên cứu và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất được nhà nước và đông đảo bà con nông dân đánh giá cao. PGS.TS Nguyễn Thị Trâm đã chuyển nhượng bản quyền giống lúa TH3-5 của  cho Cty TNHH Hạt giống Mahyco (Ấn Độ); PGS.TS Trần Thị Cúc Hòa nhượng bản quyền giống lúa OM 5451 và OM 6976 cho Tập đoàn Lộc Trời và Cty CP Giống cây trồng TƯ; KS Hồ Quang Cua có bộ giống lúa thơm Sóc Trăng được cấp bằng bảo hộ; PGS.TS Nguyễn Văn Hoan chọn tạo giống đu đủ kháng bệnh virus đốm vàng...

Những nghiên cứu chọn tạo giống lúa đặc sản và lúa chất lượng cao Japonica phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu như các giống ĐS1, ĐS3 của GS.TS Hoàng Tuyết Minh và cộng sự, bằng nguồn kinh phí của chính các tác giả kết hợp với Trung tâm Chuyển giao công nghệ & khuyến nông (thuộc VAAS). Các giống này đã được công nhận là giống Quốc gia và được cấp bằng bảo hộ (năm 2010 và 2016) và đang được mở rộng sản xuất hàng vạn ha ở Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên, Hà Giang và một số tỉnh miền Nam…

Giống đậu tương mới ĐT22 và ĐT26 của GS.VS Trần Đình Long và cộng sự đã được công nhận là giống Quốc gia và được cấp bằng Bảo hộ giống cây trồng mới. Hàng loạt các giống cây trồng khác như rau, hoa, quả, cây công nghiệp và các cây trồng khác, đặc biệt là các giống keo lai, các giống keo tai tượng, keo lá tràm, các giống lai có năng suất cao trong các loài bạch đàn uro, bạch đàn pelita và một số loài cây bản địa ở Việt Nam do Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam và một số viện khác trong ngành lâm nghiệp tiến hành, trong đó có các nghiên cứu về keo lai của GS.TS Lê Đình Khả và phát hiện các loài tre của GS.TS Nguyễn Hoàng Nghĩa.

Nếu liệt kê thành tích của các hội viên tập thể thì rất nhiều, nhưng nổi bật nhất là Viện Lúa ĐBSCL đã đóng góp tới 80% số giống mới cho ĐBSCL, nhiều nơi ở châu Phi ưa giống OM hơn IR; Viện Cây ăn quả miền Nam; Viện Nghiên cứu ngô đã cung cấp trên 50% các giống ngô lai trong sản xuất; Tổ chọn tạo giống lúa của KS Hồ Quang Cua ở Sóc Trăng; Viện Cây lương thực - cây thực phẩm; Tổ chọn tạo giống lúa của Học viện Nông nghiệp VN…

Nhờ sự nỗ lực không ngừng, nhiều hội viên đã được Nhà nước đánh giá cao: PGS.TS Nguyễn Thị Trâm được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và nhà giáo Nhân dân; KS Hồ Quang Cua nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; Liên hiệp các Hội KHKT VN vinh danh GS Nguyễn Ngọc Kính và GS Trần Đình Long trong số 53 nhà khoa học cả nước; GS.VS Trần Đình Long được Thủ tướng vinh danh là một trong số 22 nhà khoa học của cả nước nhân ngày KH-CN đầu tiên của Việt Nam (18/5/2015); PGS.TS Trần Thị Cúc Hòa được tặng giải thưởng Nhà nước về KH-CN 2016.

 

(Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam)

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm