Lão tướng kiệm lời, dù là một trong những nhân chứng hiếm hoi của chiến dịch Điện Biên Phủ, lại ở cơ quan Chỉ huy sở tại mặt trận, ông chỉ kể những chuyện ông đã làm, đã chứng kiến. Chỉ nói những điều mình tận mắt thấy một cách có trách nhiệm, điều ấy khiến chúng tôi thêm kính trọng Trung tướng Đặng Quân Thụy.
Thị sát mặt trận
Trong ngôi nhà cổ kính rợp mát bóng cây trên phố Tôn Thất Thiệp (quận Ba Đình, Hà Nội), Trung tướng Đặng Quân Thụy đón chúng tôi với nụ cười tươi và câu nói đầy chất lính: "Các bạn rất đúng giờ!" Ngoài 90 tuổi nhưng ông vẫn giữ được phong thái nhanh nhẹn, đĩnh đạc của một vị tướng từng xông pha trận mạc.
Trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch ở những chiến trường ác liệt nhất trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cả các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, nhưng trong trí óc còn minh mẫn của ông, Điện Biên Phủ là phần ký ức đặc biệt, khó mờ phai. Gần 70 năm đã trôi qua nhưng từng công việc, diễn biến ở Điện Biên Phủ ông vẫn nhớ khá rõ ràng và đầy đủ.
Bằng giọng trầm ấm, ông giới thiệu cho chúng tôi bức ảnh đen trắng chụp ông lúc tháp tùng Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thị sát mặt trận. Người con rể của ông cũng hồ hởi góp chuyện và bật mí là những người trong ảnh nay chỉ còn duy nhất mình ông - người lính trẻ năm ấy 26 tuổi.
Trung tướng Đặng Quân Thụy bồi hồi nhớ lại: "Đầu tháng giêng năm 1954, tôi nhận nhiệm vụ đi lập đài quan sát trận địa địch, cùng anh em trinh sát pháo binh và công binh leo lên một ngọn núi cao. Đường rất khó đi, phải nhờ dân giúp mới lên đến đỉnh. Lúc ấy thật sự tôi chưa hình dung hết quy mô trận đánh tương lai. Song tôi biết mình sẽ tham dự một cuộc chiến lớn và tin tưởng quân ta sẽ thắng".
Trên đỉnh núi, qua ống nhòm pháo rõ đến 10km, tổ tác chiến tiền phương thấy trong lòng chảo Điện Biên quân Pháp nhảy dù nhiều, chúng phát quang các đồi cây, đốt nhà dân và đào hầm để chuẩn bị trận địa. Theo dõi ngày đêm, tổ công tác ghi chi tiết từng vị trí trú xe tăng, để hầm pháo của quân địch vào bản đồ quân báo.
Phái viên tác chiến
17 giờ 5 phút ngày 13/3/1954, trận đánh Him Lam bắt đầu.
Được phân công là trưởng ban tác chiến, Đặng Quân Thụy cùng một số đồng chí theo dõi pháo binh, bộ binh, trực ban trong hầm Sở chỉ huy ở Mường Phăng. Những giờ phút hồi hộp dần trôi qua. Cả mặt trận hướng về Him Lam. Liên tục cập nhật tình hình, Đặng Quân Thụy báo cáo từng diễn biến của trận đánh đến Bộ chỉ huy.
Sau hơn 6 giờ tấn công, Trung đoàn 141 (Đại đoàn 312) đã đánh chiếm được cứ điểm Him Lam. Trận đầu đánh thắng, "đầu xuôi đuôi lọt". Chiếm xong đồi Him Lam, ta diệt luôn đồi Độc Lập, thì địch ở đồi Bản Kéo ra hàng.
Phân khu Bắc bị tiêu diệt nhanh chóng nhưng khi đợt tấn công thứ hai ở dãy đồi phía đông thuộc phân khu trung tâm, các đơn vị đều không giành được thắng lợi như dự kiến. Trung đoàn 98 đánh đồi C1 sau thắng lợi ban đầu thì địch phản kích, Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316) để lỡ yếu tố bất ngờ khi đánh đồi A1, địch phản kích dữ dội. Hai bên giằng co từng thước đất. Thế cầm cự kéo dài hàng tháng trời. Ta quyết chiến. Địch tử thủ. Bước sang đợt tấn công thứ ba, Đặng Quân Thụy được phái xuống nắm tình hình chuẩn bị của Trung đoàn 174.
Lần này, ông nhận thấy trung đoàn lên kế hoạch đánh địch ở nhiều hướng hơn, hỏa lực được tăng cường, lại thêm phương án khối bộc phá một tấn để phá hủy công sự địch. Ông báo cáo với Bộ Tham mưu chiến dịch với niềm tin Trung đoàn 174 có khả năng dứt điểm được. Đúng như dự đoán, Trung đoàn 174 đã nhanh chóng chiếm lĩnh toàn bộ đồi A1 - công sự kiên cố nhất trong toàn bộ chiến dịch.
Cùng thời gian đó, ở phía tây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chỉ huy chiến dịch lệnh cho Trung đoàn 36 (Đại đoàn 308) diệt cứ điểm 206 án ngữ sân bay Mường Thanh, cắt đứt con đường tiếp tế duy nhất của địch. Địa hình cứ điểm 206 bằng phẳng, trống trải. Làm sao vượt qua được những khoảng trống ấy mà không thương vong?
Trung đoàn trưởng Phạm Hồng Sơn đã được chiến sĩ "mách nước" bó các cành cây với rơm rạ thành các con cúi để bảo vệ chiến sĩ khi đào công sự chống lại hỏa lực bắn thẳng của địch. Sau đó "đánh lấn" bằng cách đào trận địa luồn qua cả dãy hàng rào dây thép gai của chúng, lấn sát gần công sự địch từng thước một.
Phái viên tác chiến Đặng Quân Thụy đã được cử xuống ở trận này. Theo sát bộ đội khi đào trận địa lấn vào vị trí của địch. Khi ta tấn công, ông cũng băng qua hàng rào dây thép gai trong công sự cùng các chiến sĩ. Bất ngờ, một mảng bắp chân ông bị dây thép gai xé toạc. Nhờ được băng bó kịp thời nên Đặng Quân Thụy tiếp tục xung trận. Quân Pháp ở cứ điểm 206 hoàn toàn bất ngờ trước chiến thuật đào hào đánh lấn dũi này của Trung đoàn 36 nên đã bị tiêu diệt nhanh chóng…
Sau ngày chiến thắng, bắt sống tướng De Castries và toàn bộ bộ tham mưu của Pháp tại Điện Biên Phủ (7/5/1954), Sở chỉ huy tiền phương được lệnh trở về căn cứ ở Thái Nguyên. Đặng Quân Thuỵ được cử đi dự Hội nghị tổng kết chiến dịch.
Khi được nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổng kết và nghe Bác Hồ đánh giá ý nghĩa to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ, trong lòng người lính Đặng Quân Thụy vui mừng khôn xiết khi vừa đóng góp một phần nhỏ bé vào thắng lợi của cả dân tộc. Chính vì thấu hiểu được ý nghĩa chiến lược cả về mặt quân sự lẫn chính trị mà người cha Đặng Quân Thụỵ từ chiến trường đã dự định đặt tên cho con trai là Đặng Quân Chính như một sự nhắc nhớ đến mai sau.
Trung tướng Đặng Quân Thụy sinh năm 1928 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ông là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII (1991 - 1996); Phó Chủ tịch Quốc hội khóa IX (1992 đến 1997); Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam (2002 - 2007). Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng (2009) và Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng (2017).