Canh tác theo tập quán của nông dân, trên nền đất bị nhiễm mặn, giống OM380 có thời gian sinh trưởng khoảng 85 ngày (đối với lúa sạ lan) với các ưu điểm nổi bật là không bị chết cây ở giai đoạn mạ do mặn, nhẹ phân hơn khoảng 25 - 30%, chống chịu khá đối bệnh đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông (giảm được 50% số lần phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn), lúa trổ gọn, vào chắc nhanh.
Trong khi đó, giống LP05 có thời gian sinh trưởng khoảng 90 ngày và có các ưu điểm tương tự như giống OM380. Theo đánh giá của các “lão nông tri điền” thì cả hai giống OM380 và LP05 được nông dân “chấm” nhờ có các đặc điểm nổi trội hơn giống đối chứng IR50404, như khả năng chịu mặn 2 - 3‰, nhẹ phân, chống chịu bệnh đạo ôn và rầy nâu khá và năng suất cao.
Nông dân Nguyễn Văn Hoàng (xã An Mỹ) rất ưng ý với giống OM380 vì cho rằng đây là giống đầu tiên có thể thay thế được giống IR 50404 để trồng ở vùng trồng lúa 3 vụ/năm nhờ thời gian sinh trưởng ngắn, nhẹ phân, ít bệnh, chống chịu mặn và năng suất cao.
Nhận xét về giống LP05, nông dân Nguyễn Văn Út (Kế Thành) đây là giống có thể bổ sung, đưa vào sản xuất trong cánh đồng mẫu do được bao tiêu, năng suất cao, ít sâu bệnh và quan trọng nhất là chịu được mặn nên thích ứng với tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô, ít rủi ro, trồng an tâm hơn.
Các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng canh tác bằng giống chịu mặn là biện pháp quan trọng và hiệu quả để ứng phó với tình hình xâm nhập mặn ngày càng gay gắt ở Sóc Trăng. Nhiều nông dân cho biết, ngay trong vụ ĐX sớm 2016 - 2017 sắp tới, sẽ tự nhân các giống lúa chịu mặn OM380 và LP05 để canh tác đại trà trong vụ XH 2017.