Hội thảo “Tiềm năng phát triển hoa lan tại TP.HCM” diễn ra ngày 24/4. |
Hội thảo nhằm tìm hiểu nhu cầu của bà con nông dân từ đó định hướng nghiên cứu phát triển sản xuất hoa lan, cây kiểng; tạo mối liên kết, kết nối giữa nhà vườn với các đơn vị thu mua... Hội thảo đã ghi nhận và tiếp thu những ý kiến đóng góp chia sẻ của nhà vườn, các đơn vị kinh doanh sản xuất về tiềm năng phát triển ngành hoa lan trên địa bàn TP.HCM, những vấn đề tồn tại, định hướng trong thời gian tới.
Theo số liệu từ Trademap.org – CPTTP cho biết, tình hình xuất khẩu hoa lan trên thế giới tăng dần từ năm 2016 (193,4 triệu USD), đến hết năm 2018 giá trị xuất khẩu đạt ngưỡng cao nhất giai đoạn (khoảng 217,6 triệu USD). Giá trị xuất khẩu về hoa lan hiện nay trên thế giới chủ yếu tập trung ở một vài quốc gia như Hà Lan, Thái Lan, Đài Loan, Sing Ga Po, New Zealand.
Việt Nam là quốc gia có giá trị xuất khẩu về hoa lan đứng thứ 6 trên thế giới. |
Hàng năm giá trị xuất khẩu từ ngành hoa lan của Việt Nam đạt trên 4 triệu USD, trong đó Nhật Bản, Mỹ là các quốc gia nhập khẩu hoa lan hàng đầu của Việt Nam, (Nhật Bản chiếm tỉ trọng khoảng 72,5% và Mỹ chiếm 11,3 % trên tổng giá trị xuất khẩu hoa lan của Việt Nam), các thị phần còn lại là các quốc gia Singapore, Úc, Hồng Kong, Ả Rập, Hà Lan,…
Hiện tại Việt Nam là quốc gia có giá trị xuất khẩu về hoa lan đứng thứ 6 trên thế giới, nhưng chiếm tỉ trọng rất nhỏ so với Hà Lan, Thái Lan. Mức độ biến động về giá trị xuất khẩu không thể hiện rõ nét qua các năm như thị trường thế giới, do hoa lan của Việt Nam chưa đa dạng, thị phần xuất khẩu chỉ tập trung ở một vài quốc gia thuộc Châu Á như Nhật Bản, Sing Ga Po, Hồng Kong và Ả Rập.
Với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ngày càng cao, nhu cầu tiêu thụ hoa lan cũng dần tăng theo, trung bình hàng năm Việt Nam đã chi khoảng trên 10 triệu USD để nhập hoa lan về cung cấp cho thị trường nội địa.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Nông nghiệp cho biết, TP.HCM có diện tích sản xuất hoa lan có xu hướng ngày càng tăng qua các năm. Lan Mokara được trồng tập trung tại huyện Củ Chi, lan Dendrobium được trồng nhiều nhất tại huyện Bình Chánh. Cụ thể, giai đoạn từ 2010 đến 2018 lượng hoa lan (mokara, dendrobium) cung cấp ra thị trường luôn tăng qua các năm. Năm 2010 đạt khoảng 84,5 triệu cành thì đến năm 2018 đã tăng lên gấp 1,6 lần (134,5 triệu cành).
Giai đoạn từ 2010 – 2015 tốc độ tăng trưởng về quy mô cung ứng hoa lan tại Thành phố tăng rất nhanh, nếu so với năm 2010 tỉ trọng này tăng khoảng 35,1% vào năm 2015. Giai đoạn từ năm 2015 đến 2018, mặc dù tốc độ đô thị hóa diễn ra ngày càng cao nhưng khả năng cung ứng hoa lan của Thành phố vẫn còn tăng nhưng chậm hơn (khoảng 17,7%) so với giai đoạn trước.
Hoa lan là một trong những sản phẩm nằm trong nhóm 3 sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp TP.HCM. |
Để phát triển, tạo lợi thế cạnh tranh cho hoa lan, ông Nguyễn Văn Đức Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Nông nghiệp cho rằng, cần phải kêu gọi và hỗ trợ đầu tư mở rộng năng lực sản xuất giống cấy mô đồng bộ về số lượng và chất lượng giống, giảm dần tỉ trọng nhập khẩu giống từ nước ngoài. Tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn rộng rãi phương pháp phòng trị tổng hợp các đối tượng sinh vật hại như muỗi đục nụ hoa lan, bệnh do virus tiềm ẩn…
Ông Nguyễn Văn Trực, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM |
Ông Nguyễn Văn Trực, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM cho rằng, tiềm năng phát triển sản xuất ngành hoa lan của thành phố còn rất lớn. Cần tập trung vào các giải pháp mang tính tạm thời, đầu tư nâng cao năng lực sản xuất giống, để giảm dần tỷ trọng nhập khẩu. Mặt khác, tập trung đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học trong nghiên cứu, lai tạo giống, sưu tập, thuần hóa và làm nguồn lai tạo các loài lan rừng đặc hữu của Việt Nam tiến đến đăng ký bản quyền quốc tế giống lan đã thuần hóa và lai tạo, tạo mối liên kết bền vững giữa 4 nhà (4N) và chính sách phát triển hoa lan phù hợp, hiệu quả, bền vững.