Chúng tôi đến Gia Lai một ngày mưa ngay cơn bão số 5. Phố núi Pleiku trời mưa từ chiều, đến tận sáng hôm sau vẫn rả rích không ngừng, cao nguyên như chìm vào sương mù sau cơn mưa kéo dài. Ấy vậy xuôi theo đường 7 cũ (nay là Quốc lộ 25), xe vừa xuống chân đèo Chư Sê thì mưa chỉ còn lất phất. Bác tài nói với chúng tôi mấy tuần nay mới có “mưa giải khát” cho các huyện thị phía Đông Nam tỉnh Gia Lai này.
“Trời mưa, đường xá ở vùng nông thôn đi lại khó khăn lắm”. Vậy mà tại điểm tổ chức Hội thi “Nhà nông đua tài canh tác mía hiệu quả”, bà con Nông dân đã có mặt khá đông đủ, đúng giờ dù đường xa, đi lại khó khăn. Nhiều nông dân lái xe hơi riêng đến tham gia khiến chúng tôi thấy vui vì nghề trồng Mía đã đem lại “vị ngọt” ấm no cho bà con nơi đây.
Không chỉ có người Nông dân đến tham dự Hội thi, mà các cấp lãnh đạo chính quyền, phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của Thị xã Ayun Pa, huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa, Chư Sê đều đến dự hội thi. Sự có mặt của báo chí Gia Lai, Đài TH Gia Lai, đài TH Thị xã Ayun Pa cho thấy sự quan tâm đặc biệt của chính quyền địa phương và nhân dân đối với cây mía trên địa bàn.
Đúng giờ, mặc dù ngoài trời vẫn mưa lâm râm, nhưng trong khán phòng tổ chức hội thi đã ấm lên sau phần phát biểu khai mạc Hội thi của bà Vũ Thị Lan – Quyền Giám đốc Công ty.
Cũng trong buổi lễ, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện đánh giá cây Mía là cây chủ lực và đem lại thu nhập cho nhân dân các huyện thị Đông Nam tỉnh Gia Lai. Chính quyền địa phương luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân để cây mía vượt qua những thử thách, tiếp tục là “cây làm giàu” cho người dân ở phía Đông Nam Gia Lai nói chung.
Hội thi vừa được bắt đầu, băng rôn, khẩu hiệu được giăng cao, tiếng cổ vũ nhiệt tình của cổ động viên đã tiếp thêm sự tự tin cho các đội thi. Những kỹ thuật như cơ giới hóa, cày ngầm, mía hố, tưới nhỏ giọt và chính sách đầu tư của Công ty được lồng ghép vào những tiểu phẩm “chào sân” dí dỏm, dễ hiểu của bốn đội thi: Mía to - Mía dài, Cơ giới, Đoàn kết và Giữ vững niềm tin. Ngay sau những trận cười nghiêng ngả, khán giả lại được thử sức có quà với những câu hỏi về canh tác cây Mía của ban tổ chức.
Nông dân trồng Mía Gia Lai không chỉ hóm hỉnh mà còn am hiểu kỹ thuật canh tác mía trong những phần thi kiến thức “Nhà nông hùng biện”, “Nhà nông hiểu biết”. Ban giám khảo là những nhà khoa học đầu ngành, kỹ sư giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực canh tác mía đã góp phần nâng cao chất lượng của Hội thi. Trưởng ban giám khảo, TS. Trần Tấn Việt đã đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích cho nông dân trong kỹ thuật canh tác mía thông qua những câu hỏi thực tế với điều kiện sản xuất của bà con.
Sau những vòng thi kiến thức, phần thi “Nhà nông liên kết” với trò chơi sôi động vừa đem lại tiếng cười sảng khoái cho các đội thi và khán giả, vừa là chất xúc tác giúp bà con kết nối với nhau, đồng lòng vượt qua thử thách của ban tổ chức.
Hội thi kết thúc, đội “Mía to – Mía dài” đạt giải nhất, giải nhì – ba – khuyến khích lần lượt thuộc về các đội “Đoàn Kết”, “Giữ vững niền tin” và “Cơ giới”. Dư âm hội thi vẫn còn trong từng câu chuyện, bà con hi vọng những cơ hội được giao lưu như Hội thi “Nông dân đua tài canh tác mía hiệu quả” sẽ được tổ chức thường xuyên hơn. Đây sẽ là nhịp cầu giúp kết nối với chính quyền, doanh nghiệp, nhà khoa học và giữa bà con Nông dân với nhau.
Có thể nói, tuy là “Hội thi” nhưng “thi” chỉ là phần phụ, “hội” mới là phần chính. Đây là ngày hội để bà con trồng Mía vùng nguyên liệu của TTC Sugar có cơ hội chia sẻ và học hỏi những kiến thức mới từ các Nhà khoa học và Nông dân làm giỏi khác. Cũng là ngày hội để họ gặp gỡ và bộc bạch những suy nghĩ về nghề trồng Mía.
Dù nghề trồng Mía ở Gia Lai còn nhiều khó khăn và thử thách nhưng bà con vẫn “Đoàn kết”, “Giữ vững niềm tin” vào cây Mía. Ngay sau hội thi, nhiều bà con đã đăng ký những chính sách đầu tư, hỗ trợ của TTC Sugar về phân vi sinh, tưới nhỏ giọt, gel giữ ẩm… Niên vụ 2020-2021 hứa hẹn sẽ là những mùa vụ “Mía to Mía dài” thành công cùng TTC Sugar của bà con.
Trở về Pleiku trên con đường Quốc lộ 25 đang được hối hả mở rộng nhằm kết nối Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung Bộ, chúng tôi thấy thật nhiều hi vọng. Vùng đất Phú Bổn xưa đang chuyển mình phát triển với nền tảng là nền nông nghiệp bài bản, bền vững cùng người Nông dân ấm no, thịnh vượng.