| Hotline: 0983.970.780

Hơn 1/3 làng nghề của Hà Nội đã mai một, thất truyền

Thứ Hai 25/07/2022 , 09:01 (GMT+7)

Theo số liệu điều tra năm 2020 thành phố Hà Nội có 1.350 làng nghề, đã mai một 544 làng, còn 806 làng đang hoạt động...

Hội thảo một số giải pháp bảo tồn, phát triển làng nghề Hà Nội. Ảnh: NNVN.

Hội thảo một số giải pháp bảo tồn, phát triển làng nghề Hà Nội. Ảnh: NNVN.

Trong 806 làng có 318 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã. Cụ thể, bao gồm: 67 làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; 22 làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; 16 làng nghề xử lý, chế biến nguyên liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; 196 làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; 12 làng nghề sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; 5 làng nghề làm các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.

Các làng nghề, làng nghề truyền thống đã và đang góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động tại các địa phương, tạo tiền đề thực hiện thành công chương trình mỗi xã, một sản phẩm (OCOP) và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.

Các sản phẩm của làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, bao gồm: sản phẩm may mặc; sản phẩm gốm sứ; sản phẩm dệt và thêu ren truyền thống; đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng; sản phẩm cơ khí; chế biến nông sản thực phẩm (bánh, bún, kẹo, giò chả, bánh chưng, chè…). Tuy nhiên, sự cạnh tranh khốc liệt của cơ chế thị trường cũng như sự dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị khiến cho nhiều làng nghề mai một.

Ông Nguyễn Văn Chí-Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội cho hay, thành phố muốn khôi phục và phát triển làng nghề để nghề truyền thống của cha tông không bị thất truyền một cách đáng tiếc. Đây cũng là cơ hội để tạo sức bật trong sản xuất, thương mại, mà đặc biệt là xuất khẩu thủ công mỹ nghệ và phát triển du lịch làng nghề với những tua, tuyến độc lập hay liên kết nhiều điểm với nhau.

Để bảo tồn và phát triển làng nghề, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo triển khai công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống Hà Nội; đồng thời, xét đề nghị nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân Hà Nội. Năm 2020, tại hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam do Bộ Nông nghiệp &PTNT tổ chức, Hà Nội có 158 sản phẩm dự thi trong đó 5 sản phẩm đạt giải nhất; 5 sản phẩm đạt giải nhì; 5 sản phẩm đạt giải ba và 27 sản phẩm đạt giải khuyến khích. Về đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu làng nghề, từ năm 2020 đến nay Chi cục đã tham mưu tổ chức xây dựng thương hiệu và đăng ký nhãn hiệu cho 30 làng nghề, dự kiến năm 2022 sẽ tổ chức đăng ký, xây dựng thêm 10 làng nghề. Về xét công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống, từ năm 2020 đến nay đã tham mưu tổ chức xét công nhận cho 10 làng nghề (6 làng nghề và 4 làng nghề truyền thống).

Làm gốm ở Bát Tràng. Ảnh: NNVN.

Làm gốm ở Bát Tràng. Ảnh: NNVN.

Mặc dù, đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên công tác phát triển, bảo tồn nghề và làng nghề trên địa bàn Thành phố vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Hầu hết, các doanh nghiệp ở các làng nghề trên địa bàn đều hoạt động với quy mô nhỏ, tự phát và gặp phải không ít những khó khăn như: Thiếu mặt bằng để sản xuất tập trung, thiếu đội ngũ lao động có tay nghề cao, thiếu vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh thấp, nguồn nguyên liệu không ổn định, chưa tạo nhiều thương hiệu hàng hoá, sức tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế; một số sản phẩm truyền thống bị mai một, suy giảm.

Ngoài ra, qua nhiều năm phát triển, kết cấu hạ tầng các làng nghề nhất là đường giao thông đã xuống cấp, hoặc chưa đồng bộ, điều này đã và đang trở thành rào cản lớn đối với sự phát triển của các làng nghề nói chung, đến việc phát triển, bảo tồn làng nghề truyền thống, di tích văn hóa gắn với du lịch nói riêng.

Bên cạnh đó, các làng nghề Hà Nội hiện nay vẫn chưa có sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch như: Các công trình phục vụ khách du lịch đến thăm quan, mua sắm, các khu trưng bày giới thiệu sản phẩm, bãi đỗ xe, khu vệ sinh, nhà hàng, khách sạn, hệ thống đường giao thông, chiếu sáng, đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại các làng nghề cũng chưa được đào tạo bài bản về nghiệp vụ, chuyên môn và ngoại ngữ.

Các cơ sở sản xuất chủ yếu là các hộ kinh doanh gia đình, vì vậy, cũng ít quan tâm tới việc tổ chức kinh doanh, xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh của nghề và làng nghề dẫn tới khả năng cạnh tranh không cao, đặc biệt là chưa gây được ấn tượng sâu sắc và thu hút khách trở lại tham quan du lịch.

Sản phẩm làng nghề Hà Nội. Ảnh: NNVN.

Sản phẩm làng nghề Hà Nội. Ảnh: NNVN.

Thêm một yếu tố khách quan, trong 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài khiến hoạt động sản xuất và kinh doanh của nhiều làng nghề Hà Nội bị đình trệ (đặc biệt là hoạt động xuất khẩu hàng hóa và du lịch làng nghề). Hầu hết các cơ sở sản xuất làng nghề đang phải đối mặt với nhiều khó khăn từ nguồn nguyên liệu đầu vào, nhân lực, nguồn vốn cho đến đầu ra sản phẩm…

Số lao động nghỉ việc nhiều, thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề giảm mạnh. Từ thực trạng trên, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 03/3/2022 về việc bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn thành phố hà Nội giai đoạn 2022-2025 với các nội dung cụ thể: Xét công nhận 50 danh hiệu “Làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống”; Hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cho 100 làng nghề; Hỗ trợ đánh giá tác động môi trường làng nghề cho 100 làng nghề; Hỗ trợ 50 dự án phát triển ngành nghề nông thôn.

Hà Nội đã và đang tập trung chỉ đạo xây dựng hoàn thiện các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch vui chơi giải trí, thể thao, mua sắm, ẩm thực, chữa bệnh... trong đó du lịch làng nghề đang được quan tâm, theo hướng phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội, du lịch xanh. Hỗ trợ tạo thuận lợi về các thủ tục cho doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; phê duyệt nhiệm vụ thực hiện dự án bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề gốm sứ Bát Tràng, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc thành điểm du lịch đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế...; từ đó phát huy vai trò của du lịch với phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm làng nghề.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

OCOP Nghệ An cần những mảng màu như Tứ Phương

Muốn phát triển thương hiệu OCOP vững bền đòi hỏi lượng và chất phải song đôi, xuyên suốt hành trình đã qua, Tứ Phương luôn xem đây là yêu cầu bắt buộc.