Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cho biết thông qua công tác đấu thầu khai thác các tuyến xe buýt TP Hồ Chí Minh có trợ giá, trung tâm đã lựa chọn được đơn vị vận hành 16 tuyến với 239 xe buýt đưa vào hoạt động từ ngày 1/4.
Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang (Futa Buslines) khai thác 11 tuyến xe buýt có số hiệu tuyến 29 (phà Cát Lái - Chợ nông sản Thủ Đức), 57 (Chợ Phước Bình - Trường Trung học phổ thông Hiệp Bình), 99 (chợ Thạnh Mỹ Lợi - Đại học Quốc gia), 141 (Khu du lịch BCR - Long Trường - Khu chế xuất Linh Trung II), 68 (Bến xe buýt Chợ Lớn - Đại học Tài chính-Marketing), 102 (Bến xe buýt Sài Gòn - Nguyễn Văn Linh - Bến xe miền Tây), 16 (Bến xe buýt Chợ Lớn - Bến xe buýt Tân Phú), 41 (Bến xe miền Tây - Ngã tư Bốn Xã - Bến xe An Sương), 61 (Bến xe buýt Chợ Lớn - Khu Công nghiệp Lê Minh Xuân), 73 (Chợ Bình Chánh - Khu công nghiệp Lê Minh Xuân) và 151 (Bến xe miền Tây - Bến xe An Sương).
Công ty Cổ phần Xe khách Sài Gòn sẽ khai thác 5 tuyến xe buýt có số hiệu tuyến số 6 (Bến xe buýt Chợ Lớn - Đại học Nông Lâm), tuyến số 10 (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh - Bến xe miền Tây), tuyến số 50 (Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia), tuyến số 52 (Bến Thành - Đại học Quốc gia), tuyến 91 (Bến xe miền Tây - Chợ nông sản Thủ Đức).
Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hồ Chí Minh, các tuyến xe buýt này đã được thay thế toàn bộ đoàn phương tiện cũ bằng các phương tiện mới, đầy đủ trang thiết bị như máy lạnh, giám sát hành trình, camera an ninh, hệ thống máy bán vé... Trên 16 tuyến xe buýt được đầu tư 239 phương tiện mới có 195 phương tiện sử dụng diesel và 44 phương tiện (thuộc 3 tuyến số 6, số 10, số 50) sử dụng nhiên liệu sạch khí CNG.
Các xe buýt mới được kỳ vọng sẽ giúp người dân có thêm sự lựa chọn chất lượng cao khi di chuyển trong nội thành TP Hồ Chí Minh, đồng thời mang tới diện mạo mới cho giao thông công cộng. TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 120 tuyến xe buýt đang hoạt động; trong đó, 90 tuyến có trợ giá và được các doanh nghiệp vận tải đảm nhận theo phương thức đặt hàng.