Phòng Quản lý vận hành và Tưới tiêu, Cục Thủy lợi cho biết, tính từ 19h ngày 6/9 đến 15h ngày 7/9, lượng mưa khu vực Miền núi phía Bắc phổ biến từ 1-10mm (riêng Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Lạng Sơn là 20-50mm); khu vực Trung du phổ biến từ 10-30 mm (riêng Vĩnh Phúc 40mm).
Khu vực Đồng bằng sông Hồng phổ biến từ 25-50mm (riêng Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình từ 60-90mm); khu vực Bắc Trung bộ phổ biến từ 0-7 mm (riêng Thanh Hóa, Nghệ An 20-35mm).
Một số trạm có mưa lớn như: Hợp Thịnh (Hòa Bình) 92 mm; Tây Yên Tử (Bắc Giang) 113 mm, Cát Bà (Hải Phòng) 215 mm, Đảo Trần (Quảng Ninh) 207 mm, Phủ Dực (Thái Bình) 105 mm, Xuân Thuỷ (Nam Định) 102 mm.
Do tác động của bão số 3, khu vực Đông Bắc bộ và Thanh Hóa từ chiều ngày 7/9 đến hết đêm 7/9 có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100÷250mm, cục bộ có nơi trên 400 mm.
Ngày và đêm 8/9, có mưa vừa, có nơi mưa to và dông với lượng mưa phổ biến 20-60 mm, có nơi trên 150 mm, riêng khu vực vùng núi có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 60-120 mm, cục bộ có nơi trên 250mm.
Phía Tây Bắc bộ, từ chiều ngày 7/9 đến sáng ngày 9/9, có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-300 mm, cục bộ có nơi trên 450 mm.
Do mưa lớn kéo dài, khu vực Bắc bộ hiện ngập úng khoảng 16 ha, trong đó Hà Nội 2 ha, Quảng Ninh 14 ha, tính đến 17h chiều nay 7/9. Diện tích lúa, rau màu bị gãy đổ: Hải Dương 200ha, Yên Bái gần 80ha, Thái Bình có khoảng trên 20.000 ha.
Địa phương có diện tích ngập úng lớn - Thái Bình - cây đổ la liệt, mất điện diện rộng. Phần diện tích bị ngập úng chủ yếu là gieo trồng lúa mùa. Sở NN-PTNT tỉnh thông tin, phần lúa này đang trong giai đoạn trổ và hiện bị đổ nghiêng.
Tại Bắc Trung bộ, hiện khu vực chưa ghi nhận việc ngập úng. Tuy nhiên, nếu lượng mưa lớn như dự báo, diện tích bị ngập khoảng 10.000-15.000 ha bao gồm vùng trũng thấp khu vực Bắc sông Mã, Nam sông Chu thuộc tỉnh Thanh Hoá, vùng hạ du sông Cả thuộc tỉnh Nghệ An.
Cục Thủy lợi đã chỉ đạo các trạm bơm tích cực tiêu nước. Tính đến 15h ngày 7/9, các địa phương Bắc bộ đã vận hành 130 trạm/339 máy tiêu. Cụ thể: Ninh Bình 20 trạm/55 máy, Nam Định 13 trạm/55 máy, Hà Nội 14 trạm/44 máy, Bắc Ninh 23 trạm/50 máy, Hưng Yên 42 trạm/85 máy, Hà Nam 11 trạm/33 máy, Phú Thọ 3 trạm/ 9 máy, Vĩnh Phúc 4 trạm/ 8 máy.
Toàn khu vực đã mở 315 cống để tiêu nước, trong đó Nam Định 1 cống, Ninh Bình 53 cống, Hà Nội 13 cống, Hưng Yên 13 cống, Hải Dương 235 cống.
Do bão số 3 còn diễn biến phức tạp, Cục Thủy lợi đề nghị địa phương tiếp tục rà soát tình trạng sẵn sàng vận hành của công trình thủy lợi tiêu úng, bảo đảm không để xảy ra sự cố do chủ quan, bố trí nhân lực, nguyên vật liệu đầy đủ, bảo đảm vận hành công trình.
Đối với các địa phương xảy ra mưa lớn, cần khẩn trương vận hành công trình thủy lợi để tiêu úng, bảo đảm giảm thiếu tối đa thiệt hại do mưa lớn gây ra.
Trong ngày 7/9, Cục Thủy lợi đã tổ chức đoàn kiểm tra tình hình vận hành công trình thủy lợi phòng, chống ngập lụt, úng, đảm bảo sản xuất nông nghiệp và an toàn công trình tại hệ thống công trình thủy lợi tại tỉnh Phú Thọ, Yên Bái. Trước đó, ngày 6/9, Cục thị sát hệ thống thủy lợi tại Bắc Nam Hà, Bắc Hưng Hải và tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang.