Số quan chức này bao gồm các phó thị trưởng, lãnh đạo quận, huyện, trưởng ban y tế địa phương, nhân viên quản lý cơ sở y tế, bệnh viện và các quan chức trong lĩnh vực hàng không và du lịch.
Đợt bùng phát dịch bệnh mới nhất, được mô tả là nghiêm trọng nhất kể từ làn sóng dịch COVID-19 hồi đầu năm ngoái ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc. Số liệu cập nhật đến cuối tuần qua cho biết đã có 1.507 trường hợp được xác nhận dương tính với virus biến thể mới.
Ông Gao Qiang, nguyên Bộ trưởng Y tế Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bịt các kẽ hở trong việc ngăn chặn đà lây nhiễm virus biến thể mới từ nước ngoài. Vị này cho rằng, Bắc Kinh có khả năng loại bỏ làn sóng virus Covid-19 giống như cách nước này đã phản ứng một cách nhanh chóng ngăn chặn đợt bùng phát vào năm 2020.
Các chuyên gia cho rằng, việc trừng phạt kịp thời những cán bộ không đủ năng lực trong công tác phòng chống dịch là hành động thích đáng vì cuộc chiến chống dịch không được phép sơ hở, sai sót hay lơ là của những người đảm đươngnhiệm vụ.
Tại Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc, nơi bùng phát đợt bùng phát mới nhất đã có ít nhất 15 quan chức phải nhận hình phạt vào thứ Bảy, bao gồm ông Hu Wanjin, Phó thị trưởng Nam Kinh, Fang Zhongyou, Chánh văn phòng Ủy ban Y tế Nam Kinh và Wang Chao, Trưởng ban công tác chống dịch tại Sân bay quốc tế Nam Kinh Lukou. Việc phòng chống dịch không hiệu quả tại sân bay được cho là nguyên nhân gây bùng phát dịch.
Tại thành phố du lịch Trương Gia Giới, tỉnh Hồ Nam, nơi trọng điểm lây nhiễm COVID-19 trong đợt bùng phát mới nhất, 20 quan chức và nhân viên bưu điện cũng đã bị trừng phạt vì phản ứng chậm chạp trong việc đối phó với dịch bệnh.
Ngoài ra một bản danh sách dài các chức sắc bị trừng phạt bao gồm các lãnh đạo cấp huyện, nhân viên quản lý bệnh viện, nhân viên trong lĩnh vực du lịch và những nhân viên liên quan đến một buổi biểu diễn tiếp đón khách du lịch- sự kiện đã gây ra sự lây lan của virus đến ít nhất tám tỉnh và khu vực trên khắp Trung Quốc.
Trước đó hai thành phố đang bị dịch khác là Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc) và Yên Đài (tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc), cũng đã thông báo các hình thức xử lý kỷ luật đối với các cán bộ và nhân viên thực hiện không hiệu quả trách nhiệm quản lý và giám sát phòng chống dịch.
Trong đó ông Fu Guirong, bí thư đảng ủy Ủy ban Y tế Trịnh Châu và cả viên bí thư chi bộ Bệnh viện Nhân dân số 6 Trịnh Châu, một bệnh viện được chỉ định để điều trị cho những người nước ngoài bị nhiễm COVID-19 đều bị cách chức.
Wang Peiyu, Phó hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Bắc Kinh cảnh báo: “Đợt bùng phát mới là một lời cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta bởi virus có thể bùng phát bất cứ lúc nào khi chúng ta nới lỏng các biện pháp kiểm soát. Chúng ta phải luôn thắt chặt chuỗi phòng chống dịch”.
Ông Gao đồng thời bác bỏ quan điểm “chung sống với virus” khi nói rằng chính việc theo đuổi cái gọi là "chung sống với virus" đã dẫn đến sự bùng phát trở lại của đại dịch ở nhiều quốc gia.
“Chiến lược chống dịch của Trung Quốc là một chiến lược "bảo hiểm kép" nhằm kiểm soát dịch bệnh chính xác và tiêm chủng trên diện rộng hơn là chờ đợi đạt miễn dịch bầy đàn”, ông Gao nói.