| Hotline: 0983.970.780

Sự thật về vacxin Trung Quốc: Giảm 20% hiệu lực trước biến thể Delta?

Thứ Hai 09/08/2021 , 09:21 (GMT+7)

Vacxin Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực tiêm chủng ở nhiều quốc gia nhằm chống lại Covid-19 với hàng tỷ liều đã đến những địa bàn nóng.

Các lọ vacxin Sinopharm của Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Các lọ vacxin Sinopharm của Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Nhưng thời gian qua, nhiều mối quan tâm đang dồn vào tính hiệu quả của chúng. Một số quốc gia châu Á từng sử dụng vacxin Trung Quốc làm mũi nhọn trong chương trình tiêm chủng của mình nay thông báo rằng họ sẽ dùng những loại vacxin khác.

Động thái này làm dấy lên nhiều câu hỏi, không chỉ về việc liệu vacxin Trung Quốc có đáng tin không mà còn về nỗ lực ngoại giao vacxin của Bắc Kinh ở châu Á.

Đầu tháng trước, Thái Lan thông báo sẽ thay đổi chính sách vacxin, thay vì nhận hai mũi vacxin Sinovac, người dân bây giờ sẽ được tiêm trộn giữa Sinovac và AstraZeneca. Nhân viên y tế đã được tiêm đầy đủ hai mũi Sinovac sẽ được tiêm thêm một mũi bổ sung loại vacxin khác.

Indonesia cũng có hành động tương tự trước đó không lâu, cho biết họ đang tiêm bổ sung vacxin Moderna cho các nhân viên y tế đã tiêm hai mũi Sinovac.

Quyết định trên được đưa ra sau khi xuất hiện các báo cáo về việc hàng trăm nhân viên y tế đã tiêm chủng đầy đủ vẫn mắc Covid-19 và một số người còn thiệt mạng (2 người ở Thái Lan và 30 người ở Indonesia).

Cả hai nước đều đang phải chống chọi với đợt bùng phát mới do biến chủng Delta gây ra. Thái Lan những ngày gần đây thường xuyên ghi nhận số ca nhiễm và tử vong cao kỷ lục. Indonesia, tâm dịch Covid-19 mới của châu Á, lại đang chứng kiến cảnh hệ thống y tế quá tải và thiếu oxy trầm trọng.

Hai nước cho biết họ thay đổi chiến lược nhằm gia tăng khả năng bảo vệ. Giới chức Thái Lan trích dẫn các nghiên cứu trong nước cho thấy việc trộn vacxin có thể tăng cường hệ miễn dịch tốt hơn.

Bộ trưởng Du lịch Indonesia Sandiaga Uno tháng trước trả lời phỏng vấn BBC rằng vacxin Sinovac “khá hiệu quả”. Nhưng với việc thay đổi vacxin, chính phủ Thái Lan và Indonesia về cơ bản đã truyền đi thông điệp rằng “họ lo ngại vacxin có thể thất bại”, Dale Fisher, người đứng đầu Mạng lưới Cảnh báo và Ứng phó Dịch bệnh Toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết.

Tuy nhiên, Fisher lưu ý rằng hiện tại, chưa có đầy đủ thông tin chính xác về các ca nhiễm và tử vong trong đội ngũ nhân viên y tế của Thái Lan và Indonesia. Ông kêu gọi giới chức hai nước tiến hành một “cuộc điều tra kỹ lưỡng” về vấn đề này.

Sau Indonesia và Thái Lan, Malaysia cũng thông báo sẽ chuyển sang dùng vacxin Pfizer sau khi tiêm hết số vacxin Sinovac đã nhận. Nhưng các nước khác, như Philippines hay Campuchia vẫn tiếp tục sử dụng. Vậy vacxin Trung Quốc hiệu quả đến đâu?

Trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng, vacxin bất hoạt virus của Sinovac và Sinopharm đã được chứng minh là có hiệu quả từ 50% đến 79% trong việc ngăn ngừa mắc Covid-19 có triệu chứng.

Dù tỷ lệ này thấp hơn một số vacxin phương Tây, chúng vẫn có hiệu quả cao về ngăn ngừa các ca nhập viện hoặc tử vong do Covid-19. Các nghiên cứu cho thấy vacxin Sinovac có hiệu quả ngăn nhập viện và tử vong 100% ở Brazil và từ 96% đến 98% trong đội ngũ nhân viên y tế Indonesia.

Theo giáo sư dịch tễ học Benjamin Cowling từ Đại học Hong Kong, thực tế là có không ít nguyên nhân dẫn tới các ca nhiễm đột phá ở những người đã tiêm vacxin. Nguyên nhân đầu tiên có thể là các vacxin Trung Quốc, giống như rất nhiều loại vacxin từ những nước khác, đã bị giảm hiệu quả theo thời gian.

Một lý do khác là các thử nghiệm lâm sàng có bộ dữ liệu nhỏ hơn so với số ca nhiễm thực tế, đặc biệt là tại Indonesia, nơi đang chứng kiến số ca nhiễm tăng vọt lên tới hàng chục nghìn trường hợp mỗi ngày. Cũng có thể là do biến chủng Delta dễ lây lan hơn, chiếm 60% số ca được ghi nhận mới ở Indonesia và 26% ở thủ đô Bangkok, Thái Lan.

Hiện tại chưa có dữ liệu công khai về hiệu quả của các vacxin Trung Quốc đối với bất kỳ biến chủng nào. Nhưng các nghiên cứu sơ bộ cho thấy những vacxin bất hoạt virus, như Sinopharm và Sinovac, có thể kém hiệu quả hơn 20% trước biến chủng Delta so với chủng gốc, theo giáo sư Cowling.

Ông lưu ý rằng không vacxin nào hiệu quả hoàn toàn trong việc ngăn ngừa Covid-19 và dù vacxin Trung Quốc “không hiệu quả 100%, nó vẫn đang cứu rất nhiều mạng người”.

Giới chuyên gia nhấn mạnh việc xuất hiện các ca nhiễm đột phá (người đã tiêm vacxin nhưng vẫn nhiễm virus) không có nghĩa là vacxin vô dụng, bởi tiêm chủng chắc chắn giúp ngăn bệnh tiến triển nặng.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Nga mở cửa triển lãm khí tài quân sự hạng nặng giữa lòng Moscow

Triển lãm trưng bày các loại khí tài quân sự hạng nặng của phương Tây bị quân Nga thu giữ trong cuộc xung đột Ukraine đã được khai mạc tại Moscow hôm 1/5.