| Hotline: 0983.970.780

Hơn 500 lao động nông thôn mỏi mắt chờ chứng chỉ nghề

Thứ Hai 04/04/2022 , 12:51 (GMT+7)

Sau 3 năm, chứng chỉ nghề và quyền lợi của 500 học viên ở Lai Châu bị “treo”, không ai chịu trách nhiệm. Còn Sở LĐ-TB&XH tỉnh này và đối tác đưa nhau ra tòa.

Ông Lò Văn Sâu cho đến nay không rõ vì sao học nghề xong đã lâu vẫn chưa được nhận chứng chỉ và tiền hỗ trợ. Ảnh: H.Đ

Ông Lò Văn Sâu cho đến nay không rõ vì sao học nghề xong đã lâu vẫn chưa được nhận chứng chỉ và tiền hỗ trợ. Ảnh: H.Đ

Sở LĐ-TB&XH và đối tác đưa nhau ra tòa

Thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28/3/2019, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lai Châu ký hợp đồng đặt hàng với Công ty Đầu tư xây dựng và Xúc tiến thương mại Lai Châu  đào tạo 1.105 lao động nông thôn (37 lớp).

Sau khi ký hợp đồng, công ty được ứng gần 50% giá trị hợp đồng, trị giá gần 2,1 tỷ đồng.

Cuối tháng 12/2019, công ty này hoàn thành việc đào tạo cho số học viên nêu trên và gửi 37 bộ hồ sơ gốc đề nghị Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lai Châu thanh quyết toán hợp đồng như đã cam kết.

Tuy nhiên, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lai Châu chỉ nghiệm thu và quyết toán 18/37 lớp học và để “treo” lại 19 lớp, không nêu lý do. Sau nhiều lần xin tháo gỡ, tháng 7/2021, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lai Châu cho nghiệm thu thêm 8 lớp.

“Từ lúc học đến khi kết thúc các lớp học, cán bộ chuyên môn không đi kiểm tra tiến độ thực hiện hợp đồng. Từ đó, dẫn đến sự tồn đọng và ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng trăm học viên và Công ty”, bà Ngô Thanh Huyền, Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng và Xúc tiến thương mại Lai Châu khẳng định.

Cũng theo người đứng đầu công ty, quyền lợi của các học viên đã qua đào tạo không được đảm bảo theo đúng quy định pháp luật, đi ngược lại với chính sách của Đảng, Nhà nước về việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động miền núi, dân tộc thiểu số... khuyến khích học nghề nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng thành lao động có ích cho xã hội.

Cho đến nay, sau 3 năm, 503 học viên chưa nhận được chứng chỉ nghề, chi trả chế độ đào tạo (1,8 triệu đồng/người), làm mất đi nhiều cơ hội của họ sau đào tạo. 

Cũng theo tìm hiểu, giai đoạn này, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lai Châu có sự thay đổi về nhân sự, lãnh đạo chủ chốt. Tuy nhiên, đó không phải là lý do để không có câu trả lời thỏa đáng về quyền lợi của các học viên.

Có hay không việc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lai Châu chậm trễ, đùn đẩy trách nhiệm khiến 503 học viên nguy cơ mất trắng quyền lợi?

Để làm rõ vấn đề này, PV liên hệ ông Trần Văn Hùng, Chánh Văn phòng Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lai Châu. Bất ngờ ông này cho biết, Sở hiện chưa cung cấp thông tin được cho báo chí vì vụ việc đang được tòa án thụ lý.

Ai chịu trách nhiệm?

Sau khi được đào tạo nghề, các học viên háo hức chờ đợi chứng chỉ để có cơ sở đi xin việc. Thế nhưng, thực tế, sau 3 năm, chưa một học viên nào trong số 503 học viên qua đào tạo được nhận chứng chỉ. Trong đó, có nhiều học viên học xong lại về cấy lúa, trồng thảo quả.

Ông Nguyễn Văn Long ở bản Giang Ma, xã Giang Ma (huyện Tam Đường, Lai Châu) cho biết, trước đây tôi chỉ mày mò sửa chữa máy móc nhưng khi đi học đã nắm bắt sâu hơn nguyên lý hoạt động, hệ thống được kiến thức và được thực hành… Tuy nhiên, chứng chỉ đến nay chưa thấy đâu.

Cũng như nhiều trường hợp khác, tất cả học viên đều không biết tìm ai để đòi quyền lợi cho mình. Trong khi, các bên tiếp tục đưa sự việc từ rắc rối này đến rắc rối khác ảnh hưởng nghiêm trọng quyền lợi học viên. 

Ông Giàng Páo Giang ở bản Giang Ma, xã Giang Ma (huyện Tam Đường, Lai Châu) cho biết, sau khi học nghề gò hàn xong chứng chỉ cũng không thấy, tiền hỗ trợ ăn 1,8 triệu đồng cũng không rõ phải đòi ai? Không có chứng chỉ nghề, chúng tôi bỏ lỡ nhiều cơ hội xin việc.

Còn theo ông Lò Văn Sâu ở bản Hon, xã Bản Hon (huyện Tam Đường, Lai Châu), lớp có 30 người, thầy dạy đến đâu thì chúng tôi học đến đó, mọi người học rất hứng thú. Song không rõ vì sao tới giờ 2 - 3 năm rồi mà không thấy chứng chỉ nghề, tiền hỗ trợ. Học xong, tôi chỉ ở nhà làm ruộng, máy cày hỏng thì tự sửa do không có chứng chỉ nghề thì có ai nhận đâu?

Ông Cứ A Chư ở thôn Sàng Phàng Thấp, xã Khun Há (huyện Tam Đường, Lai Châu) cho hay, không có chứng chỉ tôi cũng không tự tin xin việc ở đâu nên lại ở nhà trồng lúa, thảo quả sống qua ngày thôi.

Dưới góc độ những người lao động nông thôn, trong đó chủ yếu là người dân tộc thiểu số họ cần có câu trả lời rõ ràng, minh bạch về quyền lợi của mình. Và ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi buông lỏng, thiếu sự giám sát trong việc sử dụng ngân sách cho việc đào tạo nghề cho các học viên, gây mất hình ảnh, uy tín của tỉnh Lai Châu?

Được biết, ngày 9/8/2021, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lai Châu đã gửi đơn khởi kiện Công ty Đầu tư Xây dựng và Xúc tiến thương mại Lai Châu yêu cầu hoàn ứng số tiền 820 triệu đồng và hỗ trợ chi tiền ăn cho 503 học viên với số tiền là 650 triệu đồng. Trong diễn biến khác, ngày 23/2/2022, công ty đã có đơn yêu cầu phản tố gửi đến TAND thành phố Lai Châu và đến ngày 25/2/2022 TAND thành phố Lai Châu đã có “Thông báo số 09/TB-TLVA về việc thụ lý yêu cầu phản tố”.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.