| Hotline: 0983.970.780

Hơn 80 tỷ đồng cải thiện kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số

Thứ Sáu 29/04/2022 , 08:05 (GMT+7)

Dự án Nâng quyền kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số tại Việt Nam (AWEEV) dự kiến hỗ trợ 2.635 phụ nữ và nam giới thuộc hai tỉnh Lai Châu, Hà Giang.

Bà con dân bản tại tỉnh Lai Châu thu hái chè.

Bà con dân bản tại tỉnh Lai Châu thu hái chè.

Sáng 28/4, Viện Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) giới thiệu mạng lưới báo chí trong khuôn khổ dự án "Nâng quyền kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số tại Việt Nam". (AWEEV). Dự án được Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada (GAC) tài trợ. 

Đây là dự án được triển khai trong 4 năm từ tháng 4/2021 đến tháng 3/2025, với ngân sách hoạt động hơn 4,5 triệu CAD (tương đương hơn 81 tỷ đồng). Dự án dự kiến hỗ trợ 2.635 phụ nữ và nam giới dân tộc thiểu số trong 1.550 hộ gia đình sống ở vùng sâu vùng xa, tại 9 xã thuộc 2 huyện Tam Đường (Lai Châu) và Quang Bình (Hà Giang).

Ông Lê Xuân Hiếu, Quản lý các dự án thuộc CARE Quốc tế tại Việt Nam cho biết, AWEEV tăng phúc lợi kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại Việt Nam thông qua việc thúc đẩy họ tham gia các hoạt động kinh tế được trả công.

Ngoài ra, dự án chú trọng giải quyết những rào cản khiến phụ nữ không thể thực hiện những quyền kinh tế, như gánh nặng nội trợ, hoạt động chăm sóc không được trả công, khuôn mẫu giới gắn với phân công lao động...

Dự án đặt mục tiêu góp phần tăng cường tiếng nói và năng lực lãnh đạo của phụ nữ dân tộc thiểu số trong các hoạt động kinh tế hộ gia đình, các hoạt động sinh kế và sản xuất kinh doanh. 

Dự án gồm 2 hợp phần. Một, thúc đẩy các quyền về kinh tế, đặc biệt cho phụ nữ nông thôn nghèo và dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Hai, tăng cường sự tham gia của phụ nữ nông thôn nghèo và dân tộc thiểu số vào các hoạt động kinh tế có thu nhập.

Lễ khởi động dự án tại Hà Giang ngày 2/3/2022. 

Lễ khởi động dự án tại Hà Giang ngày 2/3/2022. 

Vào ngày 2/3/2022, AWEEV được khởi động tại Hà Giang. Phát biểu tại buổi lễ, bà Lê Kim Dung, Giám đốc CARE Quốc tế tại Việt Nam chia sẻ: “Với cách tiếp cận tổng thể và đa chiều, chúng tôi kỳ vọng dự án sẽ đóng góp cho Chương mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đồng thời giúp phụ nữ có quyền tiếp cận và kiểm soát bình đẳng với các cơ hội, tài sản và nguồn lực kinh tế".

Một số giải pháp cụ thể của AWEEV thời gian tới, là nâng cao nhận thức cho bà con dân tộc thiểu số, tạo sinh kế bền vững, cũng như nguồn công ăn việc làm ổn định.

Qua khảo sát thực tế, AWEEV chọn lĩnh vực sản xuất, chế biến và kinh doanh chè tại huyện Tam Đường (Lai Châu) và Quang Bình (Hà Giang) để triển khai dự án. Đây là hai vùng có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để đưa chè trở thành sản phẩm hàng hóa.

Bên cạnh đó, hai huyện còn sẵn dây chuyền chế biến, nguồn nhân lực và kinh nghiệm sản xuất từ Công ty CP Đầu tư và Phát triển Chè Tam Đường; và Công ty TNHH MTV Chè Quang Bình. Đây cũng là giải pháp giúp kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số ổn định trong tương lai.

Xem thêm
Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Vĩnh Phúc đưa ra khỏi danh sách 13 sản phẩm OCOP

Tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định đưa ra khỏi danh sách 13 sản phẩm OCOP của 7 chủ thể thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm.