Diễn đàn nhằm cung cấp nền tảng đối thoại thường xuyên giữa các quan chức chính phủ, các tổ chức nông dân, khu vực tư nhân và các bên liên quan khác về thúc đẩy phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo.
Diễn đàn với chủ đề “Thúc đẩy phát triển nông thôn hướng tới thịnh vượng chung và toàn diện tại ASEAN” có sự tham dự của đại diện Bộ NN-PTNT, Ban Thư ký ASEAN và các quốc gia trong khối ASEAN.
Ông Nguyễn Hà Huế, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT), lãnh đạo của Việt Nam tại Hội nghị các Quan chức Cao cấp ASEAN về Phát triển Nông thôn và Xóa đói Giảm nghèo (SOMRDPE) cho biết, công cuộc phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo hiện nay vẫn còn nhiều thách thức. Bên cạnh đó, các vấn đề biến đổi khí hậu, dịch bệnh đang trở thành mối đe dọa đối với đời sống kinh tế xã hội, đặc biệt đối với khu vực nông thôn.
Đại diện Bộ NN-PTNT chia sẻ, đại dịch Covid-19 đang có ảnh hưởng sâu rộng đến an ninh xã hội, đời sống nhân dân, sự ổn định của quốc gia và toàn khu vực cũng như cản trở việc thực hiện theo các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc.
Trong khuôn khổ khu vực ASEAN, để vượt qua những thách thức này, đoàn kết, hợp tác, chung sức, đồng lòng giữa các nước thành viên và các tổ chức quốc tế (chính phủ và phi chính phủ) là một trong những nhân tố quyết định giải quyết các vấn đề trên.
“Hơn 10 năm kể từ khi Diễn đàn hợp tác công tư ASEAN lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 6/2012, nhiều hoạt động trong lĩnh vực phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo được triển khai hiệu quả trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, với sự hỗ trợ từ các tổ chức chính phủ và phi chính phủ. Các hoạt động hợp tác này đã giúp khu vực nông thôn ASEAN dần được khởi sắc và nguồn nhân lực khu vực nông thôn được nâng cao”, ông Huế nhận định.
Việc chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và hợp tác giữa các Chính phủ trong khu vực và các tổ chức quốc tế là một trong những kênh quan trọng để cùng nhau hiện thực hóa những mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch Hành động Khung về Phát triển Nông thôn và Xóa đói, giảm nghèo của ASEAN cho giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn tiếp theo.
Đồng chủ trì diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam chia sẻ, trong suốt 36 năm hoạt động, Hội đã tích cực đóng góp trong nỗ lực phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo.
Theo ông Hồng, Việt Nam là nơi khởi xướng sáng kiến đưa đại diện của tổ chức xã hội dân sự (CSO) trở thành đồng chủ trì tại diễn đàn kể từ Diễn đàn Chính phủ và phi chính phủ về phát triển nông thôn được tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 6/2012. Diễn đàn do SOMRDPE, Hội nghị quan chức cao cấp nông lâm nghiệp ASEAN (SOM-AMAF), Ban Thư ký ASEAN với sự hỗ trợ của Trung tâm phát triển nguồn nhân lực nông thôn Châu Á (ASIADHRRA) đồng tổ chức.
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, vai trò lãnh đạo bền bỉ của SOMRDPE đã tạo ra một không gian gắn kết các lĩnh vực khác nhau cùng chia sẻ hoạt động, mục tiêu phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo, từ đó hình thành khái niệm đối tác công tư năm 2015, đánh dấu sự tham gia của khối tư nhân trong công tác phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo.
Với chủ đề “Thúc đẩy phát triển nông thôn hướng tới thịnh vượng chung và toàn diện tại ASEAN”, các diễn giả sẽ trình bày Kế hoạch hành động khung về Phát triển nông thôn và Xóa nghèo giai đoạn 2021-2025, ra mắt báo cáo tóm tắt “Giảm bất bình đẳng trong thập kỷ hành động để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và tăng tốc phục hồi sau đại dịch COVID-19” và trình bày dự thảo Kế hoạch Tổng thể về Phát triển Nông thôn và thúc đẩy quan hệ đối tác của ASEAN.
Dự thảo Kế hoạch tổng thể về phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo của ASEAN đặt mục tiêu xây dựng một khu vực Đông Nam Á sôi động hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, nơi phát huy tiềm năng của nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho từng cá nhân và tất cả mọi người tham gia và hưởng lợi từ công cuộc phát triển nông thôn, được hưởng lợi từ hội nhập kinh tế, một cộng đồng ASEAN với cơ chế quản trị tốt giúp đảm bảo điều kiện sống an toàn và lành mạnh cho người dân, bảo đảm an ninh lương thực, không đói nghèo, xây dựng một nền kinh tế-xã hội có tính bao trùm và thích nghi vói biến đổi khí hậu.