| Hotline: 0983.970.780

Hợp tác nuôi tôm thắng lớn, lãi 400 - 500 triệu đồng/ao

Thứ Hai 02/10/2017 , 13:15 (GMT+7)

Nhờ năng suất đạt cao, khoảng 15 tấn/ha nên cả 2 tổ hợp tác của ấp đều thắng lớn, tổ nào cũng lời mấy tỷ đồng....

15-31-36_mot_goc_nuoi_tom_cnc_cn_duoc
Nuôi tôm công nghệ cao ở Cần Đước

Cần Đước là huyện có diện tích nuôi tôm nước lợ lớn ở Long An. Bà Nguyễn Thị Cẩm Vân, Phó phòng Nông nghiệp huyện Cần Đước cho biết, tính đến tháng 9/2017, toàn huyện thả nuôi tôm 1.686ha, trong đó tôm thẻ 1.474ha; tôm sú 212ha; diện tích tôm nhiễm bệnh phải thu hoạch sớm 463ha, trong đó tôm thẻ 420ha, tôm sú 43ha; thu hoạch tôm thương phẩm 905ha; sản lượng 2.390 tấn, đạt 79,67% so với kế hoạch. Điều đáng mừng là các tổ hợp tác nuôi tôm đều thắng lớn.

Ông Nguyễn Văn Khải, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi tôm công nghệ cao Tân Chánh (ấp Hòa Quới, xã Tân Chánh) cho biết, mặc dù giá tôm mùa này khá rẻ, loại tôm 50 con/kg chỉ bán được 120.000 đồng. Tuy nhiên, nhờ năng suất đạt cao, khoảng 15 tấn/ha nên cả 2 tổ hợp tác của ấp đều thắng lớn, tổ nào cũng lời mấy tỷ đồng. Mỗi ao lời từ 400 - 500 triệu đồng, ao nhỏ cũng được 200 triệu.

Theo ông Khải, trong nuôi tôm, quan trọng là môi trường, nước và con giống. Xử lý môi trường theo nguyên tắc diệt khuẩn bằng hóa chất. Phải đảm bảo xử lý hết những nguồn gây hại nguy hiểm cho tôm, nhất là ốc đỏ, ốc đinh và tôm tích càng đỏ.

Ông Khải chia sẻ, khởi nghiệp nghề nuôi tôm năm 1995 của ông chỉ có 3 công, năng suất ban đầu chỉ đạt bình quân 2 - 2,5 tấn/ha. Trải qua nhiều giai đoạn khó khăn như đợt dịch bệnh năm 2002 - 2003 nhiều bà con mất trắng. Riêng ông bám trụ với nghề nuôi thủy sản nước lợ được là luôn tuân thủ vệ sinh môi trường, chọn con giống tốt cũng như áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Đến nay, cả tổ hợp tác có 9ha thì riêng ông làm 4,5ha.

Ông Khải cho biết thêm, ai cũng biết nuôi tôm cần vốn đầu tư rất nặng. Cái khó chung của người nuôi là thiếu vốn. Hơn 2.000 hộ nuôi tôm ở Cần Đước, chỉ có hơn chục hộ có khả năng đầu tư nuôi công nghiệp hướng đến công nghệ cao. Nuôi tôm công nghệ cao ở Cần Đước hiện nay mới đạt mức có đủ các ao cấp, thoát, lắng; có máy thổi, máy cho ăn, máy trộn, quạt và chủ động điện nhưng chưa có nhà màng. Tiền đầu tư tăng gấp đôi nhưng năng suất cũng vượt trội.

"Vừa qua, mỗi hộ tham gia hợp tác sản xuất được Nhà nước hỗ trợ 70 triệu làm ao lắng là sự khích lệ không nhỏ. Tuy nhiên, ngân hàng xem lại chính sách cho vay. Đầu tư nuôi 1ha tôm công nghệ cao tốn 500 triệu đồng nhưng ngân hàng chỉ cho vay 20 triệu thì chỉ riêng lót bạt đáy ao cũng không đủ. Ngân hàng vay càng ít thì khả năng mất càng cao", ông Khải chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Vân cho biết, huyện đang triển khai hỗ trợ nông dân 2 mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật được thực hiện với nhiều hình thức và phương pháp khác nhau như: Tổ chức cho người nuôi tham quan; trình diễn mô hình, thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tập huấn kỹ thuật; hội thảo...

Ông Nguyễn Việt Cường, Bí thư Huyện ủy Cần Đước cho hay: "Từ năm 2015, tỉnh chủ trương đưa công nghệ cao vào SX nông nghiệp. Nhưng chúng tôi xác định thực tế còn nhiều khó khăn, trước mắt tập trung sản xuất "2 cây 2 con", là lúa, rau màu, gà và tôm. Huyện quyết tâm đưa công nghệ cao đột phá SX nhưng phải đi từng bước bằng chính sức dân".

 

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất