Theo Liên minh hợp tác xã (HTX) tỉnh Kiên Giang, hầu hết các HTX đã đăng ký và chuyển đổi hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, phù hợp với Luật HTX năm 2012. Các HTX thành lập từ năm 2013 đến nay, hoạt động năng động, hiệu quả, mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng cho thành viên, tỷ lệ HTX hoạt động có hiệu quả cũng tăng lên.
Ông Trần Thanh Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang đánh giá, các HTX đã chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, lấy lợi ích của thành viên là mục tiêu chính. Tại Kiên Giang, trong 5 năm qua, kinh tế tập thể không ngừng phát triển, số lượng HTX đăng ký thành lập mới từ 262 HTX (cuối năm 2015) đã tăng lên 462 HTX (năm 2020).
Trong đó, có 410 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm gần 89% trên tổng số HTX của tỉnh. Các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đã phát triển rộng khắp trên toàn tỉnh. Việc xây dựng HTX kiểu mới, gắn với chuỗi giá trị phát triển sản phẩm bền vững, đã hỗ trợ HTX hoạt động đúng bản chất, giúp tăng cường năng lực hoạt động hỗ trợ có hiệu quả các dịch vụ đầu vào, đầu ra, làm cho thành viên có nhiều lợi hơn.
HTX hiện đang tham gia cung ứng nhiều dịch vụ đầu vào, đầu ra cho thành viên. HTX nông nghiệp cung ứng ít nhất là 3 dịch vụ cho xã viên, gồm: vật tư, tưới tiêu, khuyến nông. Còn HTX nhiều nhất cung ứng tới 16 loại dịch vụ khác nhau, gồm: giống, vật tư, tưới tiêu, khai thác cơ sở hạ tầng, làm đất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, thu mua tiêu thụ nông sản…
Nếu như cuối năm 2015, các HTX chỉ thực hiện được khâu bơm tưới thì nay hình thành chuỗi giá trị, có khả năng sản xuất sản lượng đủ lớn, đồng nhất, chất lượng, theo yêu cầu của doanh nghiệp. Nhiều HTX đã định hướng phát triển cho thành viên, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đảm nhiệm tốt các khâu dịch vụ cung ứng đầu vào, như cung ứng lúa giống, thủy lợi, làm đất, vật tư nông nghiệp, thu hoạch và hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, đã giúp thành viên giảm chi phí, tăng thêm thu nhập từ 1 - 2,5 triệu đồng/ha/vụ.
Qua đó, củng cố lòng tin của người dân khi tham gia HTX và bước đầu xác lập mối quan hệ chặt chẽ giữa sản xuất và chế biến, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định cho chế biến xuất khẩu. Một số HTX đã có sáng tạo trong thực hiện chuỗi giá trị, như “thuê chung - mua chung - bán chung” thông qua hình thức đấu thầu, mang lại nhiều lợi ích hơn cho xã viên. Mô hình này đang được Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang nhân rộng ra trong tỉnh. Đáng chú ý có 3 doanh nghiệp tham gia làm thành viên và là Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh của 9 HTX, mô hình này dần trở thành phương thức sản xuất tối ưu để phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp.
HTX với các loại hình dịch vụ đa dạng có tác dụng thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát huy vai trò tập hợp, vận động thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân. Giúp nhà nông mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Tạo việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, góp phần vào phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.
Về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng, các HTX đã được hỗ trợ từ các dự án, chương trình khác nhau. Cụ thể như dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT, đã hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, đường điện hạ thế phục vụ bơm tát cho các HTX.
Chương trình cánh đồng lớn đầu tư từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất theo Nghị định 35 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Hỗ trợ chế biến sản phẩm thực hiện theo Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.