Trồng táo cho năng suất đến 70 tấn/ha
Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, cây táo ở xã Cam Thành Nam bắt đầu bén duyên từ năm 2004. Ban đầu, cây này đã giúp bà con nơi đây xóa đói giảm nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giả. Thấy vậy, nhiều người dân nơi khác cũng về đây thuê đất trồng táo nên diện tích không ngừng tăng lên, có thời điểm lên đến hàng trăm ha.
Điều này đã phát sinh, phát triển của sâu bệnh hại, nhất là nạn ruồi vàng “tấn công” vườn táo, khiến năng suất suy giảm mạnh. Do đó, từ giai đoạn năm 2012 – 2016, nhiều hộ trồng táo liên tục thua lỗ nặng, thậm chí nợ nần ngân hàng, đành chặt phá vườn cây. Đến năm 2017, diện tích táo nơi đây giảm mạnh chỉ còn hơn 10 ha.
Bản thân ông Hồ Tấn Cường, ở thôn Quảng Hòa, xã Cam Thành Nam là một trong những người rất tâm huyết với cây táo nên vẫn kiên trì đầu tư, chăm sóc. Ông đã nghiên cứu, áp dụng thành công trồng táo trong màng lưới giúp khắc phục nạn ruồi vàng đụt quả. Sau đó, một số hộ ở địa phương cũng học tập làm theo mang lại hiệu quả rõ rệt.
Thấy vậy, UBND xã, Hội Nông dân đã vận động ông Cường cùng các thành viên tổ liên kết sản xuất táo Cam Thành Nam thành lập hợp tác xã để vực dậy cây táo.
Đến năm 2019, Hợp tác xã trồng Táo Cam Thành Nam ra đời đã dẫn dắt 12 thành viên với tổng diện tích 7 ha thay đổi nhận thức, tập quán canh tác cũ và nắm bắt được quy trình sản xuất táo theo hướng VietGAP. Đồng thời yêu cầu các thành viên phải sử dụng màng lưới ngăn chống ruồi vàng cho vườn táo.
“Nếu thành viên nào khó khăn, hợp tác xã đều đứng ra hỗ trợ cho bà con. Đến cuối vụ khi thu hoạch sản phẩm sẽ trả lại tiền cho hợp tác xã. Nhờ đó, hiện nay 100% diện tích của các thành viên đều sử dụng màng lưới ngăn chống ruồi vàng, giúp hạn chế sử dụng thuốc BVTV, an toàn người sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm từ 15-20% so với sản xuất truyền thống. Hơn nữa, người tiêu dùng rất tin tưởng sử dụng sản phẩm táo OCOP của hợp tác xã.”, ông Hồ Tấn Cường, Giám đốc Hợp tác xã trồng Táo Cam Thành Nam chia sẻ.
Chị Hồ Thị Thu Anh, một thành viên của hợp tác xã phấn khởi cho biết, nhờ hợp tác xã hướng dẫn trùm lưới màng cho vườn táo đã giúp gia đình thu hoạch đạt năng suất đến 70 tấn/ha, tăng khoảng 20 tấn/ha so với sản xuất thông thường. Hơn nữa, nhờ trồng táo sạch, chất lượng nên hợp tác xã quảng bá, tiêu thụ rất tốt cho bà con. Với giá bán bình quân từ 10 -15 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình lãi từ 450-500 triệu đồng/ha, rất phấn khởi.
Còn ông Hồ Tấn Định cho biết, từ khi thành lập hợp tác xã đã giúp bà thu nhập ổn định nhờ cây táo, nhiều hộ vươn lên khá giả. Ông cũng rất yên tâm đầu tư chăm sóc cây táo, khi hợp tác xã bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho gia đình với giá cao hơn thị trường khoảng 1.000 đồng/kg.
Để làm được điều đó, theo Giám đốc Hợp tác xã trồng Táo Cam Thành Nam, bên cạnh chất lượng sản phẩm, thời gian qua, hợp tác xã cũng đã chú trọng quảng bá rộng rãi sản phẩm táo Cam Thành Nam đến nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, hợp tác xã đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với nhiều đơn vị, doanh nghiệp để cung sản phẩm vào siêu thị Co.opmart Nha Trang, nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh.
Thu hút nhiều thành viên tham gia
Với lợi ích mang lại, đến nay, hợp tác xã đã có 32 thành viên chính thức và 10 thành viên liên kết với tổng diện tích sản xuất 50 ha táo.
Các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của hợp tác xã tăng liên tục qua các năm, tạo công ăn việc làm cho hơn 40 lao động từ việc chăm sóc, thu hoạch cũng như thi công nhà lưới trồng táo cho bà con, với mức thu nhập bình quân từ 6-8 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Khánh Hòa cho biết, Hợp tác xã trồng Táo Cam Thành Nam là một trong những Hợp tác xã hoạt động theo mô hình kiểu mới ở tỉnh Khánh Hòa. Hợp tác xã ra đời không chỉ dẫn dắt bà con áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất táo VietGAP, nâng cao năng suất, đạt chất lượng sản phẩm OCOP mà còn liên kết, hỗ trợ bà con tìm đầu ra sản phẩm. Nhờ đó, cuộc sống của các xã viên ngày càng ổn định, góp phần vào sự phát kinh tế - xã hội của địa phương.
Hiện nay, thực hiện đợt thi đua do Liên minh Hợp tác xã tỉnh phát động chào mừng Đại hội đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XIX và Đại hội Liên minh Hợp tác xã tỉnh Khánh Hòa lần thứ VII nhiệm kỳ 2025-2030, Hợp tác xã trồng Táo Cam Thành Nam cũng đã đăng ký mô hình trồng táo nhà vườn VietGAP gắn với du lịch cộng đồng.
Theo Hồ Tấn Cường, từ tháng 6 đến tháng 12 hàng năm là mùa thu hoạch táo ở Cam Thành Nam. Để giúp giảm áp lực tiêu thụ táo chính vụ cũng như đáp ứng nhu cầu khách hàng, hiện Hợp tác xã đã bắt đầu triển khai trồng táo trái vụ để thu hoạch sau Tết Nguyên đán. Năm vừa qua, Hợp tác xã đã áp dụng với diện tích 5.000m2 táo trái vụ rất thành công, bán với giá cao khoảng 30 ngàn đồng/kg.