| Hotline: 0983.970.780

HTX chăn nuôi mới

Thứ Sáu 25/11/2011 , 10:56 (GMT+7)

Mặc dù qui mô HTX nhỏ nhưng HTX chăn nuôi Quý Hiền có doanh số đạt trên 50 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân xã viên từ 10-15 triệu đồng/tháng.

Hình thành từ một cơ sở chăn nuôi, HTX chăn nuôi Quý Hiền được thành lập ngày 20/8/2010. Mặc dù qui mô HTX nhỏ nhưng doanh số đạt trên 50 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân xã viên từ 10-15 triệu đồng/tháng. Đó là kết quả của sự đầu tư đúng mục đích, HTX không chỉ là người bảo trợ mà còn là cầu nối giữa người SX với thị trường…

HTX chăn nuôi gia súc, gia cầm Quý Hiền có trụ sở tại thôn Tả Hà 2, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) được thành lập trên cơ sở chăn nuôi của gia đình ông Lê Mạnh Quý liên kết với một số hộ chăn nuôi gia súc gia cầm trong khu vực.

Lào Cai là tỉnh biên giới, tháng 10/1991 sau khi được tái lập Lào Cai phát triển mạnh mẽ các cụm công nghiệp chế biến khoáng sản, nông lâm nghiệp… một thị trường lớn tiêu thụ thực phẩm, nhất là thịt gia cầm và thịt lợn. Theo thống kê từ Chi cục Thú y Lào Cai, mỗi ngày các chợ của TP. Lào Cai và Bảo Thắng tiêu thụ 300 con lợn thịt. Tính ra số lượng thịt lợn cần cung cấp cho hai địa phương này khoảng 6.500-7.000 tấn thịt lợn hơi/năm, gà thịt 4-5 tấn/ngày, trứng gà 7-10 vạn quả/ngày.

Do mới tái lập, nên các cơ sở chăn nuôi của Lào Cai không phát triển, nhất là cơ sở chăn nuôi tập trung, chủ yếu là chăn nuôi gia đình, qui mô nhỏ lẻ không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Hai loại thực phẩm này phải vận chuyển từ các tỉnh miền xuôi lên và một lượng không nhỏ nhập lậu từ Trung Quốc, khiến một số dịch bệnh: Tai xanh, lở mồm long móng đối với gia súc, cúm gà đối với gia cầm bùng phát ở nhiều địa phương.

Sự ra đời của HTX chăn nuôi Quý Hiền nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm của Lào Cai đồng thời góp phần hạn chế việc vận chuyển gia súc gia cầm giữa các địa phương nhất là giảm bớt thịt nhập lậu, quản lý dịch bệnh, tạo công ăn việc làm cho người lao động có thu nhập cao và ổn định.

Từ cơ sở chăn nuôi gia cầm của gia đình ông Lê Mạnh Quý liên kết với 12 hộ gia đình nuôi gia công gà công nghiệp, sau đó đã phát triển lên 24 hộ. Khi "tấm áo" liên kết đã quá chật cho một hướng làm ăn lớn có hiệu quả và cần nhiều vốn đầu tư, tháng 8/2010 những hộ xã viên này đã thống nhất thành lập HTX chăn nuôi Quý Hiền kinh doanh các mặt hàng: Chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản; chế biến nông lâm sản; SX các loại thức ăn gia súc, gia cầm; SX, kinh doanh các loại con giống, thuốc thú y; dịch vụ giống, thức ăn gia, súc gia cầm…

Từ 24 xã viên, sau một năm hoạt động đến nay HTX đã có 40 xã viên và 60 trang trại chăn nuôi, trong đó có 40 trang trại chăn nuôi gà công nghiệp, 20 trang trại chăn nuôi lợn thịt và lợn giống. Trung bình mỗi tháng HTX cung cấp cho thị trường Lào Cai và các tỉnh lân cận 120 tấn gà thịt, một năm khoảng 1.400-1.500 tấn và trên 2 triệu quả trứng gà.

Từ giữa năm 2011 HTX đã tổ chức xây dựng 20 trại lợn thịt và lợn giống, qui mô từ 250-300 con/trại, hiện đã nhập 1.000 con lợn thịt và đang nhập giống lợn bố mẹ để SX con giống. Với sự ra đời của HTX chăn nuôi Quý Hiền đã giảm áp lực cho Lào Cai phải vận chuyển gà, lợn từ các địa phương khác, nhất là hạn chế đáng kể việc nhập lậu từ Trung Quốc.

Mô hình HTX chăn nuôi Quý Hiền là mô hình mới, hoạt động theo qui trình khép kín từ việc đầu tư vốn, cung cấp con giống, thức ăn, thuốc thú y đến việc tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm cho xã viên. Các trang trại của xã viên được HTX bỏ vốn cho vay, lãi suất vay bằng lãi suất của ngân hàng.

Ông Lê Mạnh Quý - Chủ nhiệm HTX Quý Hiền:

Doanh thu năm 2011 của HTX đạt trên 50 tỷ đồng. Các hộ xã viên đều có thu nhập sau khi trừ hết chi phí từ 300-350 triệu/năm. Nhiều hộ đã hoàn thành việc thanh toán tiền vay xây dựng trang trại trước thời hạn hai năm. Điều này khẳng định xã viên có thu nhập cao mới hoàn trả vốn vay cho HTX.

Năm 2012 HTX đặt mục tiêu bán ra 1.600 tấn gà thịt, 3 triệu quả trứng gà, 1.300 tấn thịt lợn hơi... HTX đang tiến hành xây dựng nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm cũng như xây dựng cơ sở nuôi lợn giống, gà giống để chủ động SX, đối phó với những biến động bất thường của thị trường…

Trung bình một trang trại được đầu tư từ 300-350 triệu đồng, xây dựng đúng tiêu chuẩn nuôi gà công nghiệp, nhiệt độ trong chuồng được điều chỉnh luôn ở mức 30-32 độ C và được kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, đây là cơ sở nuôi gà sạch đạt các tiêu chuẩn của Lào Cai. Mỗi lứa gà HTX trừ lùi tiền mua thức ăn, tiền thuốc thú y, quỹ rủi ro và tiền vay vốn ban đầu. Sau 3-4 năm khi gia đình các xã viên trả hết nợ thì cơ sở vật chất của trang trại đó là của gia xã viên.

Một năm các trang trại gà nuôi 4 lứa, toàn bộ số gà nuôi đó được HTX bao tiêu theo giá cả thị trường, nếu giá thị trường thấp hơn giá thành của người chăn nuôi thì được HTX trích quỹ rủi ro để hỗ trợ, giúp cho người chăn nuôi hoà vốn hoặc có lãi. Với cách làm này các xã viên đều yên tâm SX và gắn bó với HTX hơn.

Bà Đặng Thị Thanh nuôi 4.000 con gà thịt, 200 con lợn thương phẩm và 10 con lợn giống. Số gà thịt năm 2011 trang trại gà của bà cung cấp cho thị trường khoảng 30-32 tấn gà, 15 tấn lợn thịt và hơn 200 con lợn con. Ngoài hai lao động chính, gia đình bà phải thuê thêm một số lao động trong thôn với tiền công 2,5-3 triệu/tháng. Bà Thanh tính vội, chỉ riêng tiền bán gà trừ hết các chi phí, nghĩa vụ với HTX lương của vợ chồng bà đạt 10-15 triệu/người.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Điều ước của 'tỷ phú mía' xứ Thanh

THANH HÓA Theo ông Trần Ngọc Chế, để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, cần chính sách ưu đãi vay vốn của để mở rộng diện tích và cơ giới hóa đồng bộ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.