| Hotline: 0983.970.780

'Hũ gạo' của người miền núi An Lão

Thứ Năm 15/04/2021 , 16:08 (GMT+7)

Nhiều sản phẩm lâm sản ngoài gỗ là sinh kế tốt, thậm chí làm giàu cho người miền núi nếu có chính sách bảo vệ, phát triển đúng mức.

Thực tiễn trong công tác bảo tồn, tái sinh, bảo vệ và phát triển cây mây tại huyện miền núi An Lão (Bình Định) là một ví dụ điển hình.

"Hũ gạo" của đồng bào dân tộc thiểu số

Mây là lâm sản phụ dưới tán rừng mà người dân được phép khai thác nhằm tăng thêm thu nhập cho người dân nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng.

Mùa khai thác mây thường bắt đầu từ tháng 11 âm lịch năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau. Hàng năm, cứ đến mùa khai thác là người dân huyện miền núi An Lão (Bình Định) rủ nhau lên rừng khai thác mây dưới tán những cánh rừng họ nhận khoán bảo vệ. 

Theo ông Đinh Văn Cung, Bí thư Đảng ủy xã An Vinh (huyện An Lão), bình quân 1 lao động mỗi ngày khai thác được từ 70 - 100kg mây. Hiện nay, thương lái thu mua mây tại cửa rừng với giá 5.000 đồng/kg, vị chi sau 1 ngày “săn” mây, mỗi lao động kiếm được khoản thu nhập từ 350.000 - 500.000 đồng/ngày.

Với bà con miền núi An Lão, mây rừng được đồng bào dân tộc thiểu số ở An Lão xem như là “hũ gạo” của mỗi gia đình cũng không ngoa.

“Từ ra Giêng, bà con đi bứt mây cho đến khi vào vụ thu hoạch nông sản canh tác trên rẫy, khoản thu nhập từ khai thác mây trong năm là tiền chợ của bà con”, ông Cung bộc bạch.

Từ tháng 11 âm lịch năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau là thời điểm thu hoạch chính mây rừng ở An Lão. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Từ tháng 11 âm lịch năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau là thời điểm thu hoạch chính mây rừng ở An Lão. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Với đồng bào miền núi ở An Lão, mây rừng không chỉ mang đến cho họ rủng rỉnh tiền, mà còn mang nhiều ý nghĩa trong đời sống hằng ngày. Nguyên liệu mà người làng làm gùi để vận chuyển nông sản từ rẫy về nhà là sợi mây rừng. Nhà sàn muốn vững chãi cũng cần có sợi mây làm dây buộc kèo, cột.

Mây không chỉ gắn bó với đời sống người đồng bào dân tộc thiểu số, mà còn là nguyên liệu được “săn đón” tại các làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, bởi giá trị thẩm mỹ và độ bền của nó.

Do vậy, người dân từ trai đến gái ở các xã vùng cao huyện An Lão như An Dũng, An Vinh, An Quang, An Nghĩa, An Toàn cứ vừa lớn lên là đôi chân đã biết băng rừng “săn” mây để kiếm thu nhập.

Theo người dân địa phương, để bứt được sợi mây chẳng dễ dàng gì. Bởi mây thường mọc ở các khe suối, trên vách đá cheo leo, nên việc khai thác rất nguy hiểm. Thông thường, để bứt được 1 - 2 sợi mây, mỗi sợi dài từ 10 - 15m, người “săn” mây phải dùng rựa phát quang bụi rậm mọc quanh bụi mây.

Thân mây có gai nhọn, rất sắc, nên việc bóc vỏ cũng rất gian nan. Đồng bào Bana, H’rê ở An Lão thường bứt mây bằng tay trần, nên cứ đến mùa “săn” mây là bàn tay của người dân địa phương đều bị gai mây băm nát.

Dẫu bàn tay bị đau nhức, nhưng khi bán mây cho thương lái, cầm tiền trong tay, là các “thợ săn” mây như được tiếp thêm động lực để ngày mai tiếp tục băng rừng tìm kiếm những vùng mây mới.

Theo trí nhớ của người dân địa phương, “cơn sốt” mây rừng tại An Lão lên đến đỉnh điểm vào những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ 20. Trong thời gian này, lượng mây khai thác hàng ngày phải tính bằng tấn. Mỗi ngày có đến hàng chục xe tải từ xuôi ngược nguồn, đi về các xã vùng cao An Nghĩa, An Toàn để vận chuyển mây về đồng bằng tiêu thụ.

Người dân sống cạnh rừng từ trai đến gái cứ đến tuổi trưởng thành là đôi chân biết băng rừng 'săn' mây. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Người dân sống cạnh rừng từ trai đến gái cứ đến tuổi trưởng thành là đôi chân biết băng rừng “săn” mây. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Khai thác kiểu ấy thời gian dài đã khiến mây rừng cạn kiệt. Từ năm 2000 trở về sau, rừng An Lão bắt đầu vắng mây, đồng nghĩa nguồn thu nhập của người dân sống ven rừng bị cắt đứt. Khi ấy, muốn kiếm được vùng rừng có mây chưa có bước chân người phải len lỏi vào tận rừng sâu, nhưng hiếm hoi lắm mới gặp, kể từ ngày ấy mây không còn được xem là “hũ gạo” của người dân miền núi.

Nuôi dưỡng cây mây để tạo sinh kế

Nhận ra mối nguy mây rừng sẽ bị tận diệt, từ năm 2005, chính quyền huyện An Lão đã có chủ trương khoanh nuôi, tái sinh, đồng thời trồng bổ sung mây. Năm 2006, An Lão tiến hành trồng thí điểm 7ha mây nếp dưới tán rừng tại xã An Dũng.

Có 12 hộ nhận trồng và chăm sóc mây trồng xen dưới tán rừng phòng hộ, mỗi hộ được huyện hỗ trợ 1 triệu đồng để thực hiện. Thực tế cho thấy, cây mây nếp thích nghi rất tốt với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở đây.

Đến năm 2009, diện tích trồng mới mây nếp ở An Lão đã tăng lên 400 ha. Tại thời điểm này, cả ngành khuyến nông, ngành lâm nghiệp tỉnh, ban quản lý rừng phòng hộ của địa phương đồng loạt vào vai các “bà đỡ” cho công cuộc trồng mới mây rừng ở An Lão.

Bên cạnh đó, An Lão còn đề ra chủ trương khoanh nuôi, tái sinh mây tự nhiên dưới tán rừng. Thực hiện khoanh nuôi, tái sinh mây, huyện An Lão đã cử các đơn vị chuyên môn phối hợp chính quyền địa phương khảo sát, khoanh vùng những khu rừng có mây tự nhiên, lên phương án giao khoán những diện tích rừng ấy rừng cho các hộ dân sống cạnh rừng để họ bảo vệ.

Người dân nhận khoán chăm sóc, bảo vệ những diện tích rừng có mây tự nhiên được huyện hỗ trợ 2 triệu đồng/ha/hộ. Khi mây đến tuổi khai thác, người dân nhận khoán được hưởng lợi 100% từ nguồn “lộc rừng” này.

Hiện nay, thương lái thu mua mây tại cửa rừng với giá 5.000đ/kg. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Hiện nay, thương lái thu mua mây tại cửa rừng với giá 5.000đ/kg. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nỗ lực “phục sinh” mây rừng để tạo sinh kế cho người dân miền núi luôn là mối quan tâm đặc biệt của chính quyền huyện An Lão từ đó đến nay.

Theo ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, trong chương trình hành động của Ban chấp hành Huyện ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025, An Lão sẽ tiếp bước công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, ngoài lĩnh vực nông nghiệp, An Lão sẽ đưa ngành lâm nghiệp đi theo hướng phát triển  bền vững. Trong đó, An Lão sẽ tập trung vào 3 mục tiêu: Tăng cường công tác quản lý rừng trên cơ sở xác định rừng và đất lâm nghiệp phải có chủ rõ ràng nhằm khuyến khích họ mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế.

Hai là tăng cường công tác quản lý bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng. Ba là phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với tạo sinh kế cho người dân sống cạnh rừng.

Theo mục tiêu thứ 3 của chương trình hành động, An Lão đang tập trung khoanh nuôi, tái sinh trên 300 ha mây rừng tự nhiên, trong đó tại xã An Toàn hơn 200ha, xã An Vinh hơn 100ha.

Hàng năm, An Lão giao khoán cho các tập thể, hộ cá nhân sống cạnh rừng nhận quản lý, bảo vệ rừng, trong đó có mây tự nhiên. Đến chu kỳ khai thác mây, địa phương sẽ tạo điều kiện cho chủ rừng khai thác, tiêu thụ.

"Ngoài được nhận khoản hỗ trợ quản lý bảo vệ rừng 400.000 đồng/ha/năm, người dân nhận khoán còn có thêm khoản thu nhập từ bán mây rừng khai thác trong diện tích rừng nhận khoán. Đây chính là sinh kế của người dân sống cạnh rừng, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Đỗ Tùng Lâm cho biết.

Khai thác mây rừng là sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số sống cạnh rừng ở huyện miền núi An Lão. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Khai thác mây rừng là sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số sống cạnh rừng ở huyện miền núi An Lão. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ngoài khoanh nuôi tái sinh hơn 300ha mây rừng, An Lão còn đang phát triển một số mô hình cây dược liệu dưới tán rừng. Tại xã An Vinh, đang phát triển cây sâm đá và cây sa nhân. Tại xã An Toàn đang xây dựng chuỗi liên kết sản xuất chè dây với Công ty Dược và trang thiết bị y tế Bình Định.

Chuỗi liên kết này nằm trong khuôn khổ dự án của Quỹ Môi trường toàn cầu. Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ của dự án và của tỉnh, huyện An Lão cũng trích ngân sách 200 triệu đồng để xây dựng chuỗi liên kết nói trên.

"An Lão có nhiều tiềm năng phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Chính quyền nhận ra điều này và từ lâu đã có tham vọng nhân rộng mô hình này.

Nhưng đến khi Công ty Dược và Trang thiết bị y tế Bình Định xây dựng mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng, đồng thời đầu tư dây chuyền thiết bị sản xuất dược liệu tại xã vùng cao An Toàn, lúc ấy An Lão mới nắm bắt được cơ hội thực hiện ước nguyện”, ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão bộc bạch.

Xem thêm
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng

Với mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt 49,2%, tỉnh Gia Lai đang chủ trương trải 'thảm đỏ' đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.