| Hotline: 0983.970.780

Hưng Nguyên chua chát chanh trái vụ

Thứ Năm 28/04/2011 , 10:41 (GMT+7)

Người dân Hưng Nguyên đang điêu đứng vì một vụ chanh trái vụ thất bát và ế ẩm...

Huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) có tổng cộng trên 210 ha chanh, tập trung nhiều nhất ở 3 xã Hưng Yên Bắc, Hưng Yên Nam và Hưng Trung. Năm nay, do thời tiết không thuận nên chanh trái vụ chín sớm và không tiêu thụ được. Người dân Hưng Nguyên đang điêu đứng vì một vụ chanh trái vụ thất bát và ế ẩm...

Chúng tôi đến trụ sở xã Hưng Yên Nam, vừa hỏi xem tình hình giá cả, thị trường tiêu thụ chanh trái vụ của xã thì ông Hoàng Xuân Tấn, Phó Chủ tịch UBND xã lắc đầu ngao ngán: "Buồn quá anh ạ! Mọi năm chanh trái vụ vào thời điểm này đã bán hết và giá ít ra cũng từ 18.000 đến 20.000 đồng/kg, những năm khan hàng giá chanh trái vụ có khi lên tới 30.000 đồng/kg. Vụ chanh này, trước Tết Nguyên đán, giá đã giảm mất 1/2 chỉ còn lại khoảng 10.000 đồng/kg, và đến những ngày cận Tết tụt xuống chỉ còn 6.000 đồng/kg. Giờ thì chanh của cả xã này đã chín vàng trên cây, chẳng có ai mua. Họa hoằn lắm mới có người tới mua nhưng giá chanh xanh cũng chỉ bán được 2.000 đồng/kg, còn loại chanh đã chín vàng chỉ được 1.000 đồng/kg. Toàn xã có tổng cộng 120 ha chanh, trong đó có 100 ha đang trong chu kỳ kinh doanh, bây giờ hễ bàn đến giá chanh là bà con ai cũng thấy chua chát cả".

Ông Hoàng Xuân Tấn dẫn chúng tôi về xem vườn chanh nhà ông. Đi dọc con đường liên thôn, thấy nhà nào cũng trồng chanh. Nhìn những quả chanh căng tròn và mọng nước đang ngả dần sang màu vàng cam dưới cái nắng đầu hè oi ả mà cảm thấy xót xa. Ông Tấn lục tìm túi nilon, vừa hái cho chúng tôi mỗi người vài kg chanh làm quà vừa cho biết: Vườn nhà ông rộng khoảng 4 sào đều trồng chanh hết. Lâu nay, năng suất bình quân đều đạt 30kg quả/gốc. Chi tiêu, mua sắm gì cũng chỉ trông chờ vào vụ chanh trái vụ này. Thế mà năm nay chanh ế ẩm quá nên chả biết làm sao đành để liều trên cành vậy với hy vọng đến khi thời tiết nắng, nóng dần giá chanh sẽ nhích lên chút đỉnh và số chanh ế ẩm này sẽ bán được.

 Tự động viên thế thôi chứ cứ hàng ngày nhìn những quả chanh treo trên cành đang ngả sang màu vàng ai cũng thấy nóng ruột thêm. Cứ đà này, nếu không bán được chanh ông Tấn đành để rụng xuống vườn chứ còn biết làm sao. Khốn khổ nhất là những hộ vay vốn ngân hàng để đầu tư cho vườn chanh. Họ đang phát hoảng khi hàng ngày nghe thấy tên nhà mình đang được nhắc nhở về khoản tiền vay đã đến kỳ trả nợ trên loa phóng thanh…

"Tại các xã khu vực 9 Nam và vùng đồi dọc quốc lộ 46 của huyện Nam Đàn, chanh trái vụ cũng đã chín vàng và ế ẩm như vậy. Chúng tôi cũng đang đau đầu vì chưa biết làm cách nào để tìm đầu ra cho chanh trái vụ của bà con"- ông Đinh Xuân Quế, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết.

Chị Hoàng Thị Lĩnh, trú tại xóm 9, dẫn chúng tôi ra xem cả vườn chanh đã chín rục, thở dài ngao ngán: "Hàng chục năm nay, chưa có năm nào chanh trái vụ lại ế ẩm và bèo bọt như thế này. Để có được quả chanh trái vụ chúng tôi đã phải chịu biết bao cực nhọc, nào phân bón, bơm thuốc kích thích ra hoa sớm, tưới tắm… Thấy năm nay chanh trái sai, quả đẹp bà con ai cũng khấp khởi mừng thầm, ai ngờ đến cơ đoạn này! Nhà tôi, có gần 2 tấn chanh đã để chín trên cây như cam mấy tháng nay. Trước Tết may mà tôi còn tranh thủ bán kịp 100kg thu được 700.000 đồng. Từ sau Tết đến nay đã gần 3 tháng mà không thấy một ai đến hỏi mua chanh".

Trước tình hình chanh trái vụ ế ẩm, để tìm cách tiêu thụ cho dân, chị em phụ nữ tại một số xóm đã rủ nhau mang chanh nhà đi bán lẻ tại các chợ ở thành phố Vinh và các huyện lân cận. Chị Hoàng Thị Tân vừa đi bán chanh ở chợ Quang Trung (TP Vinh) về cho biết: "Gần tháng nay ngày nào tôi cũng thức dậy từ 4 giờ sáng dùng xe máy chở mấy bao tải chanh nặng 80 kg xuống bán lẻ dưới thành phố. Đành lấy công làm lãi vậy. Ở vườn nhà bán sỉ 1.000 đến 1.500 đồng/kg thì xuống đến Vinh tôi bán được gấp đôi gấp ba. Được cái giá chanh rẻ hều nên nghe tôi nói giá 4.000 đồng/kg chanh đã chín mà nhiều người họ chả thèm trả lên, trả xuống gì nữa".

Ông Phan Văn Trường, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Hưng Nguyên nói: "Điều làm chúng tôi lo ngại là việc bà con để chanh trái vụ trên cành với hy vọng chanh sẽ nhích giá lên khi mùa nắng nóng đang đến gần là rất mong manh. Thứ hai, nếu để chanh trên cành cho đến sau 1/5 thì quả chanh cũng sẽ bị xốp và việc ra hoa, kết trái cho năm sau sẽ bị giảm sút nghiêm trọng".

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội tăng hơn 13 lần trong 19 năm

Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội đã tăng một mạch từ 610ha năm 2005 lên khoảng 8.000ha trong thời điểm hiện tại.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.