| Hotline: 0983.970.780

Hưng Yên không còn nơm nớp lo thiếu nước vụ đông xuân

Chủ Nhật 17/12/2023 , 08:24 (GMT+7)

Xây dựng trạm bơm cột nước thấp là giải pháp hữu hiệu để Hưng Yên chủ động cấp nước vụ đông xuân, đồng thời nâng cao năng lực tiêu cho công nghiệp, đô thị.

Trong tọa đàm "Trạm bơm không ống, giải pháp hữu hiệu ứng phó El Nino" do Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Văn Kình - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hưng Yên cho biết, trong nhiều năm quản lý, điều hành lấy nước hệ thống thủy lợi của tỉnh Hưng Yên cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, chúng tôi nhận thấy từ những năm 2007 - 2008, trên hệ thống bắt đầu xuất hiện tình trạng hạ thấp mực nước sông Hồng tại cống đầu mối Xuân Quan của hệ thống Bắc Hưng Hải, dẫn đến nguồn nước không đảm bảo để vận hành các trạm bơm đã được xây dựng theo công nghệ truyền thống.

Ông Nguyễn Văn Kình - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hưng Yên. Ảnh: Duy Học.

Ông Nguyễn Văn Kình - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hưng Yên. Ảnh: Duy Học.

Ví dụ như ở cống đầu mối Xuân Quan, mực nước theo thiết kế bơm truyền thống là 1,85m. Tuy nhiên qua theo dõi thời gian gần đây thì mực nước của sông Hồng đã giảm rất thấp. Có những thời kỳ mực nước chỉ đạt 0 - 0,5m.

Do đó, năm 2010, tỉnh Hưng Yên đã cùng với nhà sản xuất máy bơm nghiên cứu thí điểm xây dựng trạm bơm cột nước thấp để đảm bảo lấy nước phục vụ trong sản xuất. Từ những thí điểm ban đầu là 1 đến 2 trạm nhỏ, sau đó tỉnh Hưng Yên đã nhân rộng ứng dụng ra một số các vị trí có mực nước bị hạ thấp để đảm bảo việc lấy nước.

Trước đây các trạm bơm thường thiết kế từ 1,2 đến 1,5m thì hiện nay trạm bơm không ống ở Hưng Yên đã đảm bảo lấy nước ở khoảng 0,5m, tức là thấp hơn rất nhiều so với quy hoạch thiết kế của hệ thống Bắc Hưng Hải.

Ông Nguyễn Văn Kình đánh giá, sau khi tỉnh Hưng Yên đầu tư 1 số trạm bơm mực nước thấp, công tác lấy nước vụ đông xuân hàng năm của tỉnh thuận lợi hơn, qua đó chủ động lấy nước sớm hơn. “Dù mực nước thấp đến 0,5 trong hầm bể hút thì công tác cấp nước cho bà con vẫn được triển khai nhờ các trạm bơm cột nước thấp. Đặc biệt, hàng năm không còn xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước vụ đông xuân trên địa bàn tỉnh”, ông Kình nhấn mạnh.

Trạm bơm không ống Chợ Thi được đặt ngay trên lòng sông, không cần bể hút và bể xả, qua đó tiết kiệm được chi phí giải phóng mặt bằng và các hạng mục liên quan. Ảnh: Minh Phúc.

Trạm bơm không ống Chợ Thi được đặt ngay trên lòng sông, không cần bể hút và bể xả, qua đó tiết kiệm được chi phí giải phóng mặt bằng và các hạng mục liên quan. Ảnh: Minh Phúc.

Do lịch xả nước tăng cường của các hồ chứa thủy điện thượng nguồn rất ngắn, trong khi với thiết kế của các trạm bơm truyền thống trước đây, phải mất hàng tháng mới lấy đủ nước phục vụ bà con đổ ải, gieo cấy.

Nhờ có trạm bơm mực nước thấp này, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hưng Yên duy trì thời gian bơm nhiều hơn, đồng thời tận dụng tối đa nguồn nước của hệ thống và đảm bảo hiệu quả. Bên cạnh đó công tác vận hành và quản lý trạm bơm này rất dễ. Tính ưu việt nữa là trạm bơm không ống không cần bể hút và bể xả, chi phí máy móc thiết bị cũng thấp hơn nhiều so với trạm bơm truyền thống.

Ông Nguyễn Văn Kình cho biết, Hưng Yên là một trong những tỉnh trung tâm của đồng bằng Bắc bộ, địa hình tương đối bằng phẳng và nằm trong phạm vi phục vụ của hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải. Trong thời gian tới tỉnh Hưng Yên tiếp tục nghiên cứu, đầu tư xây dựng một số trạm bơm mực nước thấp, không những chỉ đáp ứng được các yêu cầu lấy nước trong điều kiện nguồn nước khó khăn mà còn đáp ứng được nhiệm vụ tiêu nước, nhất là trong mùa mưa bão.

Đặc biệt, trong những năm qua, hàng năm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã chuyển đổi hơn 1.000 ha đất nông nghiệp sang đất công nghiệp đô thị, nên áp lực tiêu nước cho công nghiệp đô thị là lớn. Trong khi đó tiêu nước đô thị công nghiệp cần thời gian tiêu rất nhanh. Ví dụ, tiêu cho nông nghiệp có thể mưa 1 tiêu 5 - 7 nhưng bây giờ công nghiệp đô thị yêu cầu là mưa 1 tiêu 1. Vì vậy trong thời gian tới là tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục nghiên cứu, đầu tư hoàn chỉnh và xây dựng hệ thống trạm bơm cột nước thấp để đáp ứng cả nhu cầu lấy nước vụ đông xuân và đảm bảo nhu cầu tiêu nước cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

2 người ở Hà Giang bị thương do thiên tai

Mưa lớn kèm gió lốc đêm 4, ngày 5/5 trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã khiến 2 người bị thương và 378 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng.

Tân nghiên cứu sinh Harvard: Năng lượng tái tạo là nền tảng phát triển xã hội

Đối với Lê Mạnh Linh (sinh năm 2000), khả năng tiếp cận năng lượng chính là chỉ dấu quan trọng của sự phát triển xã hội, mang lại cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn.