Mỗi con có giá 10 triệu đồng, sau trừ vốn mua con giống và thức ăn chăn nuôi, còn được lãi gần 3 triệu đồng/con.
Ông Điển cho biết: Nói có lãi cho nó oai, chứ đúng ra đây chỉ là thu nhập từ công lao động chăn nuôi đà điểu. Nhưng dù sao cũng còn hơn gấp mấy lần công sản xuất lúa.
Anh Phạm Xuân Tặng (cùng xã Trung Nghĩa) cũng hỉ hả khoe: Nuôi đà điểu dễ lắm, chỉ bỡ ngỡ mất một vài ngày, sau thấy đơn giản như chăm sóc trâu, bò. Thức ăn cho đà điểu cần phối trộn theo trọng lượng, 40-50% cám công nghiệp Carlgill với 50-60% rau, cỏ mềm (xà lách, bắp cải, rau muống, rau lấp, mùng tơi, lá cỏ non…). Chú ý, các loại rau cỏ đều phải sạch và cắt thành đoạn nhỏ 3-4cm. Định lượng cho ăn tùy từng giai đoạn tăng trưởng của đà điểu mà gia, giảm cho cân đối dinh dưỡng tinh, thô, đảm bảo quân bình 1 con/ngày khoảng 1,5kg cám gà và 1,5kg thức ăn thô xanh.
Chuồng trại nuôi đà điểu nuôi lại càng đơn giản, chỉ cần có mái che 4-5m2 để đặt máng ăn, nước uống tránh mưa, nắng gây ẩm mốc thức ăn, còn lại toàn bộ thời gian trong ngày là đà điểu sống ở bên ngoài, vì chúng có khả năng chống chịu cao với thời tiết và dịch bệnh, nhưng yêu cầu phải có sân cát, thảm cỏ (rộng 15 m2/con), rào ngăn cho đà điểu chạy nhảy, tắm cát và tránh thất thoát.
“Biết nuôi đà điểu cho thu nhập cao thế này, thì bấy lâu em đã đỡ lận đận mưu sinh. Vì Trung Nghĩa là vùng rau truyền thồng của tỉnh, chất hữu cơ xanh thải loại mỗi ngày ở đây nhiều vô kể, có nuôi hàng trăm con đà điểu ăn cũng không hết. Chắc chắn năm sau em sẽ nâng qui mô đàn vật nuôi này lên tối thiểu 10 con”, anh Tặng chia sẻ thêm.
Ông Ngô Văn Chiến (chủ hộ nuôi đà điểu) ở thôn Ngọc Bộ, xã Long Hưng, Văn Giang cho rằng: Phản ánh của các hộ nói trên đều đúng nhưng chưa đủ. Đà điểu còn cần môi trường sống yên tĩnh, không tiếng ồn, nên trang trại chăn nuôi phải xa đường quốc lộ, xa khu công nghiệp, trường học và khu dân cư... Sân chăn thả cần bổ sung thêm các hạt sỏi nhỏ, cho đà điểu nuốt để tiêu hóa thức ăn (vì chúng không có răng), nhưng phải thu dọn sạch các loại túi nhựa, mảnh sành sứ, thủy tinh, kim loại và gạch, đá sắc nhọn, để chúng không ăn phải những thứ này, gây tổn thương đường tiêu hóa.
Đà điểu cũng có thể mắc một số bệnh như, Newcasle, viêm đường hô hấp, viêm hoặc hoại tử đường tiêu hóa, bệnh nấm phổi, hội chứng rối loạn trao đổi khoáng, viêm khớp và xoắm ruột… Nhưng với con giống thương phẩm, trước đó nhà cung ứng đã vacxin phòng ngừa đủ các bệnh cơ bản, người chăn nuôi chỉ cần đáp ứng đầy đủ thức ăn cân đối, tinh, thô xanh, khoáng và vi lượng theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, kết hợp với vệ sinh máng ăn, uống ngày 2 lần (sáng, tối), đảm bảo các thức ăn và đồ uống luôn tươi non và thơm là đà điểu tăng trọng nhanh, cho chất lượng thịt sạch.
Ông Chiến còn tiết lộ: Thường ngày ở Văn Giang rất khó tìm mua được thịt đà điểu. Chỉ vào một số nhà hàng đặc sản mới có cơ hội thưởng thức món ngon này, nhưng giá thì quá mắc. Nhà tôi cũng nuôi 10 con đà điểu, hiện bà con trong làng xóm đã đặt mua làm thịt cho tết. Tất nhiên tới lúc đó giá sẽ cao hơn rất nhiều so với bây giờ. Dự kiến sang năm 2021 tôi sẽ thử nuôi cho đà điểu đẻ trứng, ấp tạo con giống. So với chăn nuôi bò, lợn thì hiệu suất sản xuất thịt hơi của đà điểu mẹ cao nhất, có thể coi là siêu lợi nhuận.