Vĩnh Long là tỉnh nằm ở trung tâm ĐBSCL, nghề nuôi chim yến ở đây xuất phát muộn hơn so với các tỉnh. Ghi nhận của địa phương, nghề nuôi yến manh nha khoảng từ năm 2010.
Qua hơn chục năm phát triển, đến nay tỉnh Vĩnh Long có 152 cơ sở nuôi yến với sản lượng tổ ước đạt 790kg. Năm 2022, Vĩnh Long xếp thứ 34/42 tỉnh, thành phố về số lượng nhà yến.
Các cơ sở nuôi phân bố đều tại các địa phương trong tỉnh. Thị trường tiêu thụ tổ yến chủ yếu bán trực tiếp cho người tiêu dùng (chiếm 50%), phục vụ gia đình (22%), số còn lại bán cho thương lái (15%) và xuất ra ngoài tỉnh (13%).
Hiện nay, nghề nuôi chim yến ở Vĩnh Long cũng như cả nước nói chung còn một số hạn chế như: cơ sở nuôi phát triển tự phát, người nuôi mới gặp khó vì phải chờ quy hoạch, chưa được tập huấn kỹ thuật quản lý nhà yến, cơ sở sơ chế còn nhỏ lẻ chưa đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm của thị trường nhập khẩu, tình trạng săn bắt chim yến kiểu tận diệt còn xảy ra ở nhiều nơi…
Ông Lê Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Vĩnh Long cho biết: Thông qua hội nghị này, Chi cục muốn phổ biến đến với người chăn nuôi rằng, nghề nuôi chim yến là nghề có điều kiện, quy định pháp luật của Nhà nước.
Việt Nam đã có lô hàng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, đã tạo tín hiệu tích cực cho thị trường. Qua đây, ông Lê Thanh Tùng chia sẻ, mong muốn mọi người tiếp cận vấn đề này ngay từ bây giờ để hướng tới phải xuất khẩu chứ không dừng lại tiêu thụ tại chỗ.
“Xuất khẩu phải tuân thủ các điều kiện vệ sinh thú y, an toàn sinh học và đặc biệt là chất lượng tổ yến và các yêu cầu của Nghị định thư về các yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y đối với sản phẩm nhập khẩu tổ yến đồng thời yêu cầu hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc theo Lệnh 248 - 249”, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Vĩnh Long cho biết.
Những nội dung cần được tập trung giải quyết trong thời gian tới liên quan đến về thể chế quản lý, kỹ thuật chăn nuôi, về môi trường, thị trường, bảo vệ đàn yến. Nhất là rà soát hiện trạng và đề xuất vùng quy hoạch nuôi chim yến cũng như tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc kê khai và đăng ký mã cơ sở nuôi.
Do nghề nuôi yến mới phát triển, còn mang tính chất tự phát nên Vĩnh Long vẫn chưa có Hiệp hội yến sào như các tỉnh khác. Bà con chăn nuôi mong muốn thành lập hội để chia sẻ những vấn đề phát sinh trong chăn nuôi, cũng liên kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra, nhất là xuất khẩu chính ngạch đi các nước.
Ông Trần Văn Yên, một hộ nuôi yến ở xã Long Mỹ, huyện Mang Thít chia sẻ, bà con mong muốn được đứng chung cùng nhau, cùng chia sẻ, quản lý và bảo vệ đàn chim yến tránh khỏi nạn săn bắt bằng bẫy lưới tàng hình.
Bên cạnh đó, ông cũng kiến nghị ngành chức năng tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp liên kết sản xuất tổ yến theo các tiêu chuẩn xuất khẩu, nhất là sang thị trường Trung Quốc.
Đồng tình ý kiến, ông Ngô Quốc Huy, một hộ nuôi có 5 nhà yến bày tỏ mong muốn hiệp hội sớm được thành lập để có thể hỗ trợ nhau chăn nuôi, tiến tới cộng đồng đồng thuận quản lý, phát triển nghề nuôi yến.
Xa hơn ông cho rằng cần chia sẻ những kỹ thuật nuôi yến đơn giản, đầu tư rẻ tiền nhưng mang lại hiệu quả cho cộng đồng cùng phát triển nghề nuôi chim trời này.
Đặc biệt, ông Huy còn chia sẻ, bên cạnh giá trị dinh dưỡng trong tổ yến còn chứa nhiều axit amin quý giá rất tốt cho sức khỏe.
“Trước đây, người ta thường nghĩ tổ yến được tạo ra từ nước bọt của chúng tuy nhiên yến là loài chim rất đặc biệt dưới hàm chúng có tuyến tiết ra chất dịch để làm tổ chứ không phải là nước bọt”, ông Huy nói về nguyên liệu đặc biệt của loài chim này.
Để quản lý nghề nuôi chim yến, ngày 9/9/2021, HĐND tỉnh Vĩnh Long ban hành Nghị quyết số 05 Quy định khu vực nội thành phố, thị xã, thị trấn không được phép chăn nuôi, vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.