| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng thương hiệu yến sào [Bài 3]: Hướng tới thị trường Hoa Kỳ, châu Âu...

Chủ Nhật 19/11/2023 , 07:47 (GMT+7)

Nhiều giải pháp đang được UBND TP. HCM và các đơn vị… thực hiện đồng bộ để đưa yến sào Cần Giờ trở thành đặc sản chủ lực của địa phương và vươn xa.

Cần Giờ nên khuyến khích các doanh nghiệp tập trung chế biến sâu các sản phẩm từ tổ yến để nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế. Ảnh: Lê Bình.

Cần Giờ nên khuyến khích các doanh nghiệp tập trung chế biến sâu các sản phẩm từ tổ yến để nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế. Ảnh: Lê Bình.

Hướng đi nào cho yến sào Cần Giờ

Không chỉ có Cần Giờ, các địa phương khác trên cả nước cũng đang ưu tiên đẩy mạnh xây dựng thương hiệu yến và có những bước tiến hướng đến xuất khẩu. Mới đây, Việt Nam có doanh nghiệp đầu tiên được Trung Quốc chấp thuận nhập khẩu chính ngạch tổ yến.

Theo TS Nguyễn Ngọc Hòa, Giám đốc Trung tâm phân tích quốc tế, ĐH Công thương TP. HCM, để làm được điều này, doanh nghiệp bắt buộc phải đáp ứng được những yêu cầu như xây dựng nhà nuôi yến đạt chuẩn, tích hợp công nghệ để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, an toàn dịch bệnh… Đây là tiêu chí bắt buộc của thị trường chứ không riêng về yêu cầu xuất khẩu.

“Do đó, yến Cần Giờ muốn xây dựng thương hiệu, đăng kí sản phẩm OCOP hay hướng đến xuất khẩu đều cần phải thực hiện tốt các tiêu chí trên. Yến sào Cần Giờ là sản phẩm đặc thù, có chất lượng rất cao thì càng phải làm tốt nhiệm vụ này”, TS Nguyễn Ngọc Hòa phân tích.

Hiện, 70% sản lượng yến sào của thế giới là do Indonesia cung cấp, 20% của Malaysia, 7% đến từ Thái Lan và chỉ còn 3% cho Việt Nam cùng các nước khác. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sản phẩm yến sào nhiều nhất thế giới, chiếm 70%.

Theo quan điểm của riêng mình, TS Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP. HCM cho rằng, yến Cần Giờ không nhất thiết phải tập trung xuất khẩu yến sào bằng mọi giá. Thay vào đó, Cần Giờ nên tập trung phát triển thương hiệu rất tốt, tập trung chế biến sâu để tiêu thụ nội địa và hoặc nhắm vào các thị trường mới để có được giá bán cao.

Theo các chuyên gia, xây dựng thương hiệu yến sào Cần Giờ nên tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu và nên đi bền vững từ thị trường nội địa trước khi nghĩ đến xuất khẩu. Ảnh: Lê Bình. 

Theo các chuyên gia, xây dựng thương hiệu yến sào Cần Giờ nên tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu và nên đi bền vững từ thị trường nội địa trước khi nghĩ đến xuất khẩu. Ảnh: Lê Bình

“Thay vì nhắm vào thị trường xuất khẩu Trung Quốc thì Cần Giờ có thể hướng đến các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật, Úc… để tăng giá trị sản phẩm, cho lợi nhuận tốt hơn. Cần Giờ không nên đi vào những thị trường truyền thống mà cần có hướng nhìn xa hơn”, TS Đào Hà Trung thông tin.

Cũng theo vị chủ tịch Hội Công nghệ cao TP. HCM, yến sào Cần Giờ xác định xây dựng thương hiệu là phải hướng tới sự cao cấp luôn, không làm nửa chừng nữa. Trong đó, bao bì, mẫu mã luôn là yếu tố rất quan trọng dẫn đến sự thành công của yến Cần Giờ.

Điều này được hiểu theo hai khía cạnh là thiết kế để in lên sản phẩm và nội dung thông tin cung cấp trên bao bì đó. Quan trọng, thông tin đó không chỉ bằng mắt thường đọc mà còn phải là điện tử, bằng mã QR Code.

“Nhờ đó, nhà sản xuất yến có thể cung cấp đến người tiêu dùng nhiều thông tin hơn về truy xuất nguồn gốc, chứng nhận… Đây sẽ là hướng đi bền vững cho ngành sản xuất, chế biến yến Cần Giờ”, TS Đào Hà Trung chia sẻ thêm.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cũng cho rằng, nếu làm tốt việc bao bì, mẫu mã sẽ giúp cho các doanh nghiệp tại địa phương quảng bá được sản phẩm một cách ấn tượng hơn.

“Thông tin điện tử và in ấn giúp tăng được giá trị sản phẩm và quản lý, quản trị của doanh nghiệp. Các thông tin càng minh bạch bao nhiêu thì sẽ giúp người tiêu dùng có thiện cảm và tin dùng bấy nhiêu”, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ nói.

Thông tin trên bao bì cũng nên có những hướng dẫn sử dụng sản phẩm như thế nào, bảo quản ra sao và nên kết hợp với những thực phẩm nào để mang lại giá trị dinh dưỡng cao nhất.

Sở NN-PTNT TP. HCM đặt mục tiêu đến năm 2025, 10% nhà yến tham gia xuất khẩu và hình thành mô hình du lịch sinh thái kết hợp tiêu thụ sản phẩm yến. Đến năm 2030, có 50% nhà yến tham gia xuất khẩu. Đặc biệt, duy trì vùng an toàn dịch cúm gia cầm và mở rộng đối với bệnh Newcastle.

Yến Cần Giờ sẽ nức tiếng nhờ công nghệ

Một thực tế buộc phải chấp nhận là chim yến tại Cần Giờ đang dần hết thức ăn và đối mặt với nguy cơ sẽ bỏ đi. Do đó, quản lý chặt đàn chim yến, cũng như nỗ lực xây dựng thương hiệu yến sào Cần Giờ cần thực hiện nhanh, quyết liệt hơn nữa.

Hiện, vùng nuôi thủy hải sản của Cần Giờ đang mất đi sẽ kéo theo mất đàn yến. Do đó, số hóa quản lý các vùng nuôi trồng và chế biến thủy hải sản là cách làm trực tiếp giúp quản lý số lượng yến tại Cần Giờ.

Ngành nuôi chim yến cũng cần được số hóa, quản lý truy vết nguồn gốc và tuân thủ các quy định về an toàn dịch bệnh để phát triển bền vững và lấy được lòng tin của người tiêu dùng. Ảnh: Lê Bình.

Ngành nuôi chim yến cũng cần được số hóa, quản lý truy vết nguồn gốc và tuân thủ các quy định về an toàn dịch bệnh để phát triển bền vững và lấy được lòng tin của người tiêu dùng. Ảnh: Lê Bình.

Ông Nguyễn Anh Nguyên, chuyên gia về công nghệ thông tin tại TP. HCM cho rằng, cần phải số hóa con chim yến, cho nó quyền được sống, quyền được sinh con đẻ cái.

“Truy xuất nguồn gốc là từ khóa rất đẹp. Thế nhưng, để làm được việc này không phải là câu chuyện đơn giản và cũng không thể thực hiện đơn phương. Âm thanh phát ra tiếng, camera của nhà yến cũng cần được số hóa, từ đó tìm ra được những mô hình nuôi yến hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Anh Nguyên chia sẻ.

Người nuôi yến cũng cần được trở thành trung tâm nếu muốn phát triển ngành yến bền vững. Số hóa yến Cần Giờ sẽ giúp các số liệu được “công chứng” một cách minh bạch hơn, người nuôi yến cũng có thêm những lợi thế so với cách làm truyền thống.

Xuất khẩu bất cứ sản phẩm nào chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Đức, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Cần Giờ có thể “cắm cờ” sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử lớn của thế giới như Amazon, Alibaba… Việc xuất hiện sản phẩm yến Cần Giờ trên đây có nghĩa là đã tạo vị thế thương hiệu tại 18 thị trường lớn và hơn 185 quốc gia.

Hiện, trên các sàn thương mại điện tử, từ khóa yến sào Cần Giờ chỉ có 600 - 1000 lượt tìm kiếm/tháng; yến Khánh Hòa khoảng 100.000 lượt tìm kiếm/tháng, tương đương 1,2 triệu lượt tìm kiếm/năm. Còn trên toàn thế giới có khoảng 2 triệu lượt tìm kiếm/tháng.

“Do đó, đây có thể là bước đi đầu tiên mà UBND huyện Cần Giờ nên làm, song hành với việc phát triển thị trường nội địa”, ông Nguyễn Minh Đức chia sẻ.

Yến sào Cần Giờ cũng cần chủ động 'cắm cờ' trên các sàn thương mại điện tử để rộng đường tiếp cận với nhiều thị trường hơn. Ảnh: Lê Bình.

Yến sào Cần Giờ cũng cần chủ động "cắm cờ" trên các sàn thương mại điện tử để rộng đường tiếp cận với nhiều thị trường hơn. Ảnh: Lê Bình.

Công thức này cũng được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Trước đây cũng có nhiều doanh nghiệp Việt rất khó “chen chân” được vào chuỗi cung ứng của siêu thị. Họ liền làm thủ tục để bán hàng trên các sàn giao dịch điện tử trong nước và quốc tế. Kết quả, sản phẩm của họ được các quốc gia đặt hàng và tiêu thụ rộng rãi. Chính nhờ những tấm “thẻ xanh” này, việc tiêu thụ trong nước cũng trở nên dễ dàng hơn.

“Đây là bài học cho từng doanh nghiệp yến tại Cần Giờ nếu muốn thương hiệu của địa phương phát triển. Không nên cứ phải đi theo lối mòn, hướng đi truyền thống mà có thể phá cách.

Đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử là một ví dụ, đó là con đường ngắn nhất và dễ nhất để quảng bá sản phẩm yến Cần Giờ ra thế giới”, ông Nguyễn Minh Đức chia sẻ thêm.

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam hiện có khoảng 700 thành viên là các sàn thương mại điện tử, các đối tác trong và ngoài nước. Hiệp hội cũng sẽ luôn đồng hành cùng Cần Giờ để tư vấn lộ trình, chuẩn chỉnh lại thông điệp sản phẩm khi xuất hiện trên sàn thương mại điện tử, cũng như chiến lược phát triển thương hiệu.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.