Hàm lượng dinh dưỡng lớn
Trong nghiên cứu mới nhất được công bố của ĐH Công thương TP. HCM chỉ ra rằng, yến sào Cần Giờ có hàm lượng dinh dưỡng lớn. Nếu so sánh với các sản phẩm yến trong nước và trên thế giới, yến Cần Giờ tự tin không thua kém gì, thậm chí còn mang dấu ấn riêng.
“Hàm lượng protein trong yến Cần Giờ là 50% và có chứa 20 loại axit amin. Trong đó, có chứa 9 loại axit amin thiết yếu cần cho sự phát triển của cơ thể con người, với hàm lượng từ 18 - 20%. Với các sản phẩm giàu dinh dưỡng khác như trứng, sữa… thì hàm lượng axit amin trong yến cao gấp 17 lần”, TS Nguyễn Ngọc Hòa, Giám đốc Trung tâm phân tích quốc tế, ĐH Công thương TP. HCM thông tin.
Sở NN-PTNT TP. HCM thống kê, doanh thu từ yến Cần Giờ chỉ trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 400 tỷ đồng. Trong khi đó GRDP của toàn ngành nông nghiệp thành phố chưa tới 7.000 tỷ đồng. Chỉ số này cho thấy tiềm năng rất lớn từ việc nuôi yến ở Cần Giờ. Tuy nhiên, cái khó là sản phẩm vẫn chưa có thương hiệu riêng, khó lòng đi xa.
Theo ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP. HCM, việc cần làm là xây dựng thương hiệu và liên kết chuỗi cho yến sào Cần Giờ. Dù đang đi muộn nhưng TP. HCM vẫn cần sớm xây dựng Đề án nuôi chim yến và quy hoạch vùng nuôi yến trên địa bàn giai đoạn 2024 - 2030. Đây cũng là chỉ đạo của UBND TP. HCM nhằm phát triển ngành nuôi chim yến tại Thành phố và sẽ trình HĐND TP. HCM vào cuối tháng 12 tới đây.
"Phải có quy hoạch vùng nuôi chim yến Cần Giờ để các nhà đầu tư, bà con chăn nuôi yên tâm phát triển ngành yến. Đây cũng là cơ sở pháp lý cao nhất để các nhà quản lý nhà nước thực hiện chức năng của mình. Hướng đến mục tiêu là nâng cao giá trị cho ngành yến Cần Giờ nói riêng và ngành nông nghiệp thành phố nói chung", ông Phú nói.
Một thực tế đáng buồn, yến sào Cần Giờ không chỉ bị “lép vế” trên đường đua thị trường mà sản phẩm tổ yến thô Cần Giờ đang bị mạo danh nhiều. Điều này đang xảy ra khá nhiều nhưng cũng không thể giải quyết.
Chính bản thân ông Trần Triều Hùng, hộ nuôi yến suốt 18 năm tại xã Lý Nhơn cũng đã nhiều lần phản đối, giải thích cho người mua về việc giả mạo này nhưng cũng đành “lực bất tòng tâm” khi mà nói không ai nghe.
Do đó, để chấm dứt câu chuyện giả mạo, lợi dụng yến Cần Giờ phải giải quyết tận gốc, tức là quản lý bằng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc. Đây cũng là nhiệm vụ mà Phòng Kinh tế huyện Cần Giờ được ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện giao ưu tiên thực hiện trong thời gian tới.
Theo kế hoạch của UBND TP. HCM, trong năm 2024, yến sào Cần Giờ sẽ được kết nối truy xuất nguồn gốc cùng với việc số hóa của Thành phố. Điều này là một lợi thế để yến sào Cần Giờ được lòng hơn với chính người dân tại TP. HCM.
Dồn sức xây dựng thương hiệu cho yến sào Cần Giờ
“Yến Cần Giờ được đánh giá là hàng đầu Việt Nam nhưng để chứng minh được không phải dễ dàng. Do đó, xây dựng thương hiệu yến Cần Giờ là việc bắt buộc, cần phải làm nhanh, chắc chắn từng bước một”, Phó Giám đốc Sở Công thương TP. HCM nhận định.
Ông Nguyễn Nguyên Phương cũng lấy ví dụ từ thương hiệu thịt bò Kobe của Nhật Bản để minh chứng cho tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu.
Thực tế, không chỉ riêng có tỉnh Kobe mới nuôi bò và thậm chí chất lượng bò ở các tỉnh khác còn chất lượng hơn. Tuy nhiên, sớm nhận ra tiềm năng của thịt bò và đã tiên phong xây dựng thương hiệu từ sớm. Thành công ấy giúp họ gặt hái lâu dài.
Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, số nhà yến trên địa bàn huyện là 519, ngoài ra có 44 cơ sở sơ chế biến. Tuy nhiên, hầu hết cơ sở này mới chỉ chế biến và xuất bán yến thô.
Lấy ví dụ thực tế tại cơ sở kinh doanh các sản phẩm yến trên địa bàn huyện Cần Giờ, ông Hồng cho biết, mỗi năm đơn vị này bán tổ yến thô thu về khoảng 1 tỷ đồng, trong khi đó, việc nước yến lại thu về 15 tỷ đồng. Do đó, cần có cái nhìn dài hạn và cân đo giữa hiệu quả kinh tế.
Theo TS Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP. HCM, với dân số của Thành phố khoảng 13 triệu dân, yến Cần Giờ có lợi thế là thị trường tiêu thụ tại chỗ và rất tiềm năng. Như vậy có thể chúng ta không cần lo đầu ra nữa, nếu làm thật tốt đầu vào.
“Xây dựng thương hiệu là vấn đề cốt lõi nếu không muốn bị thua cuộc ngay chính trên sân nhà. Do đó, Cần Giờ cần đảm bảo chuỗi cung ứng, liên kết chặt chẽ và chỉ dẫn địa lý thì ngành yến mới thật sự phát triển bền vững. Giải quyết câu chuyện giả mạo hay muốn tiêu thụ tốt thì Cần Giờ phải tự làm tốt công việc của chính mình, con yến cần bước ra khỏi tổ để còn tự quảng bá cho chính mình”, TS Đào Hà Trung chia sẻ.
Yến Đảo Cần Giờ là một trong số ít doanh nghiệp có dây chuyền sản xuất, chế biến sâu tại TP. HCM. Hiện, yến thô được doanh nghiệp này chế biến thành hơn 10 sản phẩm khác nhau, từ yến chưng đường phèn, nước yến, cà phê yến, cháo yến… phù hợp với nhiều phân khúc người sử dụng.
Đầu tháng 11/2023, bà Trần Thị Lan Anh, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư TMDV Yến Đảo Cần Giờ cho biết, sản phẩm yến chưng của công ty đã được chấp thuận vào hệ thống siêu thị Co.opXtra và Co.opMart. Điều này mở ra nhiều triển vọng cho thương hiệu yến Cần Giờ nói chung.
“Với việc xuất hiện tại hệ thống siêu thị, chúng tôi tin rằng sẽ là dịp để người dùng trải nghiệm và tự đánh giá các sản phẩm yến sào Cần Giờ. Đây cũng là minh chứng và sự quyết tâm của người nuôi yến Cần Giờ nói chung đã sẵn sàng cho cuộc chơi mới gắn liền với sản vật địa phương.
Hy vọng thời gian tới, không chỉ có Yến Đảo Cần Giờ mà các sản phẩm yến của nhiều đơn vị khác cũng được nhiều người biết đến, tin dùng”, bà Lan Anh chia sẻ.
Để phát triển bền vững ngành nuôi chim yến, Cần Giờ cũng đã xây dựng mô hình hợp tác xã nuôi yến tại địa phương. Trong đó, phải kể đến các HTX như Thuận Yến hay Cần Giờ Tương Lai… đang hoạt động khá hiệu quả.
Ngoài ra, nhờ mô hình HTX mà việc sản xuất được liên kết chặt chẽ hơn và tiêu thụ sản phẩm ổn định hơn. Nuôi chim yến cũng được tập huấn thường kỳ để ứng dụng công nghệ cao giúp nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của nông sản, đảm bảo an toàn dịch bệnh…