| Hotline: 0983.970.780

Huy động tối đa lực lượng cứu lúa bị đổ ngã

Thứ Tư 04/05/2022 , 17:02 (GMT+7)

THỪA THIÊN - HUẾ Người dân và chính quyền Thừa Thiên - Huế đang tập trung mọi nguồn lực khẩn trương cứu lúa bị đổ ngã do đợt mưa, gió lớn bất thường vừa qua.

Huy động tối đa công suất các trạm bơm và sử dụng máy bơm lưu động tập trung tiêu úng, thoát nước nhanh tại những vùng sản xuất lúa đông xuân bị ngập úng, đổ ngã. Ảnh: CĐ.

Huy động tối đa công suất các trạm bơm và sử dụng máy bơm lưu động tập trung tiêu úng, thoát nước nhanh tại những vùng sản xuất lúa đông xuân bị ngập úng, đổ ngã. Ảnh: CĐ.

Ngày 4/5, thông tin từ Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, các ngành chức năng và chính quyền địa phương đang tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do đợt mưa bất thường xảy ra trên địa bàn tỉnh từ ngày 30/4 - 3/5.

Theo đó, Sở đã huy động tối đa mọi nguồn lực, nhân lực đấu úng một cách kịp thời đối với các diện tích lúa bị ngập để hạn chế lúa nảy mầm trên ruộng, giảm thiệt hại về năng suất, chất lượng của gạo. Với những diện tích lúa tỷ lệ chín đạt trên 85%, ngành chức năng Thừa Thiên - Huế khuyến cáo người dân tranh thủ gặt sớm với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

Theo ghi nhận, thời tiết tại tỉnh Thừa Thiên – Huế trong ngày 4/5 bắt đầu nắng nhẹ. Trên một số cánh đồng các huyện, thị xã như Quảng Điền, Phong Điền, Hương Thuỷ… người dân đang tập trung tối đa nhân lực, huy động máy gặt, phương tiện tập trung đấu úng, tiêu thoát nước, tranh thủ nắng lên tiến hành thu hoạch những diện tích lúa đã chín tới.

Nông dân tranh thủ thời tiết bắt đầu khô ráo để vớt vát những diện tích lúa bị ngập úng sau đợt mưa bất thường. Ảnh: CĐ.

Nông dân tranh thủ thời tiết bắt đầu khô ráo để vớt vát những diện tích lúa bị ngập úng sau đợt mưa bất thường. Ảnh: CĐ.

Một số nông dân cho biết, nếu thời tiết đẹp như hôm nay, dự kiến khoảng 3 - 5 hôm nữa có thể sử dụng máy gặt để thu hoạch đại trà. Còn hiện tại, do một một số nơi đất còn ẩm ướt nên nông dân chỉ gặt thủ công với diện tích không đáng kể.

Trước đó, do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ đêm 30/4 đến ngày 2/5, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế xuất hiện mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, khiến nhiều diện tích lúa vụ đông xuân sắp thu hoạch bị ảnh hưởng và đổ ngã.

Thống kê từ các địa phương cho thấy, có khoảng 7.813 ha lúa bị đổ ngã trong đợt mưa này. Trong đó, một số huyện, thị xã có diện tích đổ ngã lớn như Phú Vang 1.800 ha; Phong Điền 1.500ha; Hương Thủy 1.350 ha; Quảng Điền 830 ha; Hương Trà 783 ha; Huế 1.200 ha; Phú Lộc 350 ha.

Đến ngày 4/5, một số cánh đồng ở Thừa Thiên - Huế nước vẫn chưa rút hết. Ảnh: CĐ.

Đến ngày 4/5, một số cánh đồng ở Thừa Thiên - Huế nước vẫn chưa rút hết. Ảnh: CĐ.

Trước tình hình đó, Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo các địa phương huy động tối đa công suất các trạm bơm và sử dụng máy bơm lưu động tập trung tiêu úng, thoát nước nhanh tại những vùng sản xuất lúa đông xuân bị ngập úng, đổ ngã. Đối với diện tích lúa đã chín ở nơi cao, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch khi thời tiết tạnh ráo.

Để kịp thời hỗ trợ bà con nông dân khắc phục khó khăn, đảm bảo kế hoạch sản xuất vụ hè thu sắp tới, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang đề xuất Bộ NN-PTNT đề xuất Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ tỉnh 1.500 tấn giống lúa ngắn ngày, 10 tấn hạt giống rau và 5 tấn giống ngô, 2.000 tấn gạo và kinh phí tiêu úng khoảng 7 tỷ đồng; hỗ trợ 100 tỷ đồng để tu bổ, sửa chữa các công trình dân sinh, thủy lợi, đê điều phục sản xuất.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.