Điểm bắt đầu là ngã ba Dâu thuộc xã Xuân Canh (Đông Anh, Hà Nội), điểm cuối thuộc ngã ba Mỹ Lộc thuộc xã Trung Kênh (Lương Tài, Bắc Ninh), chỉ với chiều dài 68 km, con sông Đuống chứa đựng trong mình một hệ thống trầm tích lịch sử dày đặc, độc đáo mà ít con sông nào sánh kịp.
Huyền bí khu lăng mộ Thủy tổ nước Việt
Đi thuyền trên sông Đuống hoặc đi bộ dọc theo triền đê, khi đến địa phận xã Đại Đồng Thành (Thuận Thành, Bắc Ninh) sẽ nhìn thấy một khu rừng cổ thụ tươi tốt, um tùm soi mình cạnh dòng Thiên Đức. Đó chính là khu lăng mộ thờ vị vua đầu tiên của nước Việt - Nam Bang Thủy tổ Kinh Dương Vương.
Nhắc đến cội nguồn dân tộc Việt hẳn ai cũng nghĩ tới khu di tích lịch sử Đền Hùng và ngọn núi Nghĩa Lĩnh thuộc Việt Trì, Phú Thọ ngày nay. Tuy nhiên, qua nhiều chứng tích lịch sử và tài liệu còn ghi lại cho thấy, kinh đô đầu tiên của nước Việt chính là vùng đất cổ Liên Lâu (Luy Lâu) nằm giữa con sông Đuống và sông Dâu, nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Theo nhà nghiên cứu dân gian Trần Quốc Thịnh, nước Việt ban đầu có quốc hiệu là Việt Thường, đọc thần phả làng Dư Xá (nay thuộc Ninh Xá, huyện Thuận Thành) và thần phả làng Đồng Kỵ (nay thuộc làng Đồng Quang, huyện Từ Sơn) sẽ biết rõ tên gọi này. Bởi tên Việt Thường sau này được dùng cho 1/15 bộ thời Vua Hùng. Theo đó, Đồng Kỵ và Luy Lâu chỉ cách nhau con sông Dâu (sau đào thành sông Đuống).
Người dân tới tham quan, thắp hương tại khu Lăng đền thờ Kinh Dương Vương
Bà Nguyễn Thị Mừng, Ban Quan lý Khu di tích chùa Dâu, cho hay, thành Luy Lâu cổ với con sông Dâu chạy qua, xưa là vùng đất vô cùng trù phú được ví như “Kinh Kỳ, Phố Hiến” thời cổ đại. Được bồi đắp phù sa bởi con sông Dâu cổ nên vùng đất này rất phát triển về nông nghiệp, trồng trọt.
Với hệ thống trên bến, dưới thuyền nhộn nhịp, các lái buôn đều chọn vùng đất Luy Lâu làm nơi giao thương, buôn bán trao đổi hàng hóa bởi đây chính là nơi phật giáo lần đầu tiên đặt chân đến nước Việt truyền đạo, chứng tích còn lưu lại hiện nay là ngôi chùa Dâu cổ kính, độc đáo bậc nhất Việt Nam vừa thờ Phật vừa thờ Tứ Pháp.
Theo chia sẻ của các cụ cao niên ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, chính vì tầm quan trọng của vùng đất Luy Lâu khi xưa, nên Kinh Dương Vương đã được vua cha là Đế Minh cho xưng làm vua phương Nam. Kinh Dương Vương thành lập bộ tộc Dâu, đóng lỵ sở ở Luy Lâu, đặt quốc hiệu là Việt Thường. Sau đó, Kinh Dương Vương truyền ngôi cho con trai là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân cưới Âu Cơ rồi đặt tên nước là Xích Quỷ, sau truyền ngôi cho con trai cả, lấy hiệu là Hùng Vương (Vua Mạnh).
Đến đời Hùng Vương, thấy đất Luy Lâu trống trải, thắng thì có chỗ xông lên nhưng thua không có đất lùi lại, mời dời lên Nghĩa Lĩnh là đất cụ ngoại, có thế ỷ dốc dựng đô, đổi quốc hiệu là Văn Lang, chia nước làm 15 bộ, bộ quê nhà gọi là Vũ Ninh, truyền được 18 đời. Vì vậy, trong tâm trí của người dân Thuận Thành, Bắc Ninh thì Kinh Dương Vương chính là Thủy tổ của nước Việt và thành Luy Lâu là kinh đô đầu tiên, sau mới đến Phong Châu (Phú Thọ).
Ông Nguyễn Bá Khải, Phó Chủ tịch xã Đại Đồng Thành kiêm Trưởng Ban Quản lý Khu di tích lăng đền thờ Kinh Dương Vương, chia sẻ, hiện nay tại khu di tích còn lưu giữ lại rất nhiều bản sắc phong, thần phả, bia đá vô cùng quý giá cho thấy tầm quan trọng và vị thế của khu Lăng đền thờ Kinh Dương Vương khi xưa.
Theo đó, thuở xưa đền thờ và lăng Kinh Dương Vương nằm ở phía tây làng Á Lữ, xã Đại Đồng Thành với một khu rừng cổ thụ dài 3 km, rộng 1,8 km. Từ năm 1947 - 1952, thực dân Pháp chiếm đóng khu di tích 2 lần và cho người khai thác hết cây cối phục vụ nhu cầu làm công trình giao thông, đồn bốt của chúng. Các cụ trong làng chạy ra chỉ cứu được thần phả và 15 đạo sắc phong thời Nguyễn, các thư tịch cổ, sắc phong còn lại bị Thực dân Pháp đốt sạch.
Nhưng theo lí luận của ông Khải, trong tất cả các đạo sắc phong thời Nguyễn từ Gia Long đến Khải Định đều có câu đầu tiên là “Thần truyền - Thánh kế”, chứng tỏ các triều đại trước đó đều coi khu di tích Kinh Dương Vương là nơi linh thiêng của dân tộc trực thuộc triều đình “Nhất thôn nhất xã” bởi tên gọi trước kia của thôn Á Lữ chính là Trang Phúc Khang.
Cũng theo ông Khải, phải mãi đến năm 1997 dân làng thôn Á Lữ mới đóng góp tiền của khôi phục lại lăng về đến thờ ngài Kinh Dương Vương đúng tại vị trí cũ và đến năm 2001 tỉnh Bắc Ninh mới có dự án trùng tu, tôn tạo khu di tích. Vừa qua, Bộ VH-TT-DL đã chính thức phê duyệt dự án tôn tạo, tu bổ khu di tích Kinh Dương Vương với quy mô trên 36 ha, trị giá 500 tỉ đồng. Đây là việc làm đáng ghi nhận của hậu thế với người có công khai sinh ra nước Việt Nam.
Chúng tôi tham quan một vòng khu di tích Kinh Dương Vương và không khỏi ngỡ ngàng với những chứng tích quý báu còn sót lại. Ngay tại cổng vào của khu lăng thờ ngài có tấm bia đá mà theo người dân là không biết có từ khi nào với dòng chữ “hạ mã” đường nét vô cùng tinh xảo.
Tấm bia cổ “hạ mã” còn sót lại
Ông Nguyễn Sỹ Nhật, thành viên Ban Quản lý khu di tích, cho biết, hạ mã có nghĩa là xuống ngựa, chứng tỏ ngày xưa vua quan triều đình mỗi khi về thăm Thủy tổ của nước mình đều phải kính cẩn xuống kiệu, xuống ngựa mới được đi vào chứng tỏ khu lăng và đền thờ có vị trí vô cùng thiêng liêng và cao quý.
Lễ hội Kinh Dương Vương, trước được dân làng Á Lữ và các thôn bên cạnh tổ chức từ ngày 12 - 20 tháng 2 âm lịch hằng năm, nay được tổ chức từ ngày 14 - 19 tháng 2 âm lịch với các nghi lễ vô cùng hoành tráng và độc đáo. Để tổ chức thành công lễ hội quy mô này, dân làng quanh đây phải huy động tới 500 người để thực hiện các màn rước long đình và các nghi lê khác. |
Đi tiếp vào khi lăng mộ chính, phía trên đỉnh lăng chúng tôi đọc được dòng chữ “bất vong” tức là không quên không mất. Trong cùng của lăng có chữ “Kinh Dương Vương Lăng” được khắc vào thời vua Minh Mạng. Ngoài ra, còn có những dòng chữ “Nam Tổ Miếu”, được dịch ra là miếu thờ ông tổ nước Nam. Cổng ra vào lăng có chữ “Môn đài thủy tổ” tức là cổng vào Thủy tổ, trong lăng nhìn ra cổng có dòng chữ “Ẩm tương uyên” được dịch là uống nước nhớ nguồn.
Chúng tôi tình cờ phát hiện tại khu di tích Kinh Dương Vương có thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và một bức vẽ truyền thần của ông ngay bên cạnh khu thờ chính.
Tấm bia với dòng chữ “Kinh Dương Vương Lăng” được khắc vào thời vua Minh Mạng
Thắc mắc về vấn đề này thì được các cụ cao niên làng Á Lữ giải thích ngọn ngành như sau: Tương truyền rằng, trước khi đem quân đi đánh giặc Nguyên Mông, Trần Quốc Tuấn có ghé qua đền thờ Kinh Dương Vương thắp hương mong ngài phù hộ. Sau khi dẹp giặc trở về tạ ơn, gặp đúng lúc trong làng có bọn xấu làm phản, Trần Quốc Tuấn đã ra tay trừ khử. Từ đó, dân làng nhớ ơn và lập đền thờ ông. Nhưng sau khi đền thờ Trần Hưng Đạo bị thực dân Pháp phá hỏng, do chưa có tiền tu bổ nên tạm thời thờ ngại cạnh khu lăng thờ Thủy tổ Kinh Dương Vương.