| Hotline: 0983.970.780

Huyện biên giới Trùng Khánh đời sống khấm khá nhờ trồng rừng

Thứ Ba 02/02/2021 , 17:59 (GMT+7)

Là huyện biên giới khó khăn nhưng điều kiện tự nhiên lại thuận lợi để phát triển lâm nghiệp, huyện Trung Khánh, tỉnh Cao Bằng kinh tế đang ngày một khá lên nhờ trồng rừng.

trùng khánh

Các xã biên giới huyện Trùng Khánh địa hình chủ yếu là núi cao, có độ dốc lớn nên phù hợp với trồng các loại cây thông, sa mộc. Ảnh: Công Hải.

Các xã biên giới huyện Trùng Khánh địa hình chủ yếu là núi cao, có độ dốc lớn nên phù hợp với trồng các loại cây thông, sa mộc. Ảnh: Công Hải.

Là một trong những hộ điển hình trong trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng của xã Khâm Thành, bà Hoàng Thị Nga, xóm Bản Mới hiện đang có nguồn thu khá ổn định từ việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng.

Bà Nga chia sẻ: "Gia đình tôi hiện có gần 3ha rừng trồng. Ngày trước đất rừng rộng cũng chẳng mấy ai nhận trồng, chăm sóc. Năm 1998 được giao đất, giao rừng tôi trồng gần 2ha rừng. Chủ yếu là trồng thông vì phù hợp với điều kiện đất dốc, thời tiết lạnh. Vừa qua có người vào mua với giá hơn 80 triệu đồng cho gần 2ha thông nhà tôi. Trồng rừng thu nhập không quá cao nhưng ổn định, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc nên nhiều gia đình ở xóm, xã đều rất hưởng ứng."

Ông Nông Văn Quỳnh, xóm Đoỏng Dọa, xã biên giới Ngọc Khê cũng là một trong những hộ dân tích cực trồng rừng. Gia đình ông bắt đầu trồng hơn 5.000m2 thông từ hơn 20 năm trước và vừa cho thu hoạch gần đây.

Ông Quỳnh tâm sự, trồng rừng ở vùng biên giới ngoài mục tiêu phát triển kinh tế còn để giữ đất, giữ rừng xanh. Ông Quỳnh đang đào hố để trồng mới hơn 1ha keo. Cây keo có thời gian sinh trưởng nhanh hơn thông nên sẽ cho thu hoạch sớm hơn, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Rừng thông xanh mướt tại xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh. Ảnh: Công Hải.

Rừng thông xanh mướt tại xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh. Ảnh: Công Hải.

Bà Hoàng Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Khê cho biết, do xã có địa hình chủ yếu là núi đá nên diện tích rừng chỉ có hơn 1.000ha, trong đó gần 700ha là rừng tự nhiên. Những năm qua, cùng với các ban ngành của huyện, xã cũng tích cực vận động người dân trồng rừng. Nhiều xóm có phong trào trồng rừng tốt như: Ta Nay, Pác Peo, Pác Thay, Đoỏng Dọa, An Hỷ… với tổng diện tích gần 400ha.

Huyện Trùng Khánh có hơn 35.000ha đất có rừng, trong đó hơn 33.000ha đất rừng tự nhiên, tỷ lệ che phủ rừng đạt 50,9%. Địa hình của huyện chủ yếu là núi cao, độ dốc lớn, chia cắt mạnh bởi nhiều khe sâu, nên công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng ở huyện gặp không ít khó khăn.

Xác định rõ vai trò và trách nhiệm, những năm qua, Hạt Kiểm lâm huyện Trùng Khánh và Ban Quản lý Rừng phòng hộ sông Quây Sơn đã tham mưu cho UBND huyện triển khai kế hoạch trồng rừng. Phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động bà con đăng ký trồng rừng mới nhằm đẩy nhanh tiến độ phủ xanh đất trống đồi núi trọc, đặc biệt những xóm, xã sát biên giới.

Rừng thông hơn 10 năm tuổi tại khu vực biên giới huyện Trùng Khánh. Ảnh: Công Hải.

Rừng thông hơn 10 năm tuổi tại khu vực biên giới huyện Trùng Khánh. Ảnh: Công Hải.

Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã trồng được hơn 400ha rừng, trong đó trồng được 230ha rừng sản xuất, 115ha rừng phòng hộ, 60ha rừng thay thế, hơn 50.000 cây phân tán, chăm sóc hơn 550ha rừng phòng hộ.

Nhân dân đã khai thác 5.568 m3 gỗ rừng sản xuất, góp phần vào việc nâng cao giá trị rừng, đem lại thu nhập cho người dân. Ngoài các xã, thị trấn vùng đồng thấp, nhiều xã vùng cao, vùng biên giới cũng có phong trào trồng rừng phát triển tốt như: Ngọc Khê, Chí Viễn, Đình Phong, Xuân Nội…

Người dân xã biên giới Khâm Thành, huyện Trùng Khánh thu hoạc rừng thông. Ảnh: Công Hải.

Người dân xã biên giới Khâm Thành, huyện Trùng Khánh thu hoạc rừng thông. Ảnh: Công Hải.

Ông La Đức Toàn, Trưởng Ban Quản lý Rừng phòng hộ sông Quây Sơn cho biết: Bên cạnh triển khai công tác trồng rừng mới, trong những năm qua, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn huyện cũng được các cấp, các ngành, lực lượng chức năng quan tâm chỉ đạo và được thực hiện bằng nhiều biện pháp tích cực, đồng bộ nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy rừng.

Để làm tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng những năm qua, công tác vận động người dân tham gia, cán bộ tích cực bám nắm cơ sở là rất quan trọng. Các cán bộ được phân công phụ trách các địa bàn tổ chức họp dân hướng dẫn các xóm phát đường băng cản lửa, cách đốt nương đúng quy định. Tổ chức cho các gia đình, khu, xóm ký cam kết không vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Thời gian tới, huyện Trùng Khánh sẽ tiếp tục chú trọng phong trào phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tạo hướng phát triển kinh tế từ rừng cho người dân vùng cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Từ phong trào phát triển trồng rừng, sẽ góp phần quan trọng vào việc giữ gìn màu xanh nơi biên cương của tổ quốc.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Những công nghệ 'chia lửa' cho lực lượng giữ rừng

Rừng đầu nguồn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai. Việc ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng đầu nguồn giúp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.