| Hotline: 0983.970.780

Hy Lạp: Cháy rừng 'thiêu rụi' cuộc sống của những người thu gom nhựa thông

Thứ Ba 24/08/2021 , 08:00 (GMT+7)

'Thế là xong. Mọi thứ đã biến thành tro bụi', Christos Livas, một người thu gom nhựa thông 48 tuổi và là cha của 4 đứa con, buồn bã cho biết.

Christos Livas, 48 tuổi, người thu gom nhựa thông, đi trong một khu rừng thông bị cháy gần làng Agdines trên đảo Evia, cách Athens, Hy Lạp, khoảng 185 km về phía bắc, ngày 11/8/2021. Hầu như không có khu rừng nào còn sót lại sau một trong những trận cháy rừng tàn phá nhất của Hy Lạp trong nhiều thập kỷ đã hoành hành khắp miền bắc Evia trong nhiều ngày. Ảnh: AP.

Christos Livas, 48 tuổi, người thu gom nhựa thông, đi trong một khu rừng thông bị cháy gần làng Agdines trên đảo Evia, cách Athens, Hy Lạp, khoảng 185 km về phía bắc, ngày 11/8/2021. Hầu như không có khu rừng nào còn sót lại sau một trong những trận cháy rừng tàn phá nhất của Hy Lạp trong nhiều thập kỷ đã hoành hành khắp miền bắc Evia trong nhiều ngày. Ảnh: AP.

Trong nhiều thế hệ, cư dân ở phía bắc đảo Evia của Hy Lạp đã kiếm sống từ những khu rừng thông rậm rạp xung quanh làng của họ. Việc khai thác nhựa từ những cây thông Aleppo đã mang lại nguồn thu nhập chính cho hàng trăm gia đình.

Nhưng hiện nay, hầu như không còn khu rừng nào. Một trận cháy rừng kinh hoàng, một trong những trận cháy rừng tàn phá nhất của Hy Lạp trong nhiều thập kỷ, đã hoành hành khắp miền bắc Evia trong những ngày đầu tháng 8 này, nuốt chửng rừng cây, nhà cửa và các cơ sở kinh doanh; khiến hàng nghìn người phải chạy trốn.

Những người thu gom nhựa thông và nuôi ong nói rằng thiệt hại sẽ không chỉ ảnh hưởng đến vụ mùa năm nay mà còn cả các thế hệ sau.

Nhựa thông được con người sử dụng từ thời cổ đại và ngày nay được tìm thấy trong một loạt các sản phẩm, từ sơn và dung môi đến dược phẩm, nhựa và mỹ phẩm. Người dân địa phương cho biết phía bắc của Evia, hòn đảo lớn thứ hai của Hy Lạp, chiếm khoảng 80% sản lượng nhựa thông được sản xuất ở Hy Lạp và khoảng 70% mật ong thông.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy trận cháy rừng đã phá hủy hầu hết phía bắc của hòn đảo. Sự tàn phá thật khủng khiếp. Hàng chục nghìn hécta rừng và đất canh tác đã biến thành một khung cảnh hoang tàn với những cây cối cháy đen in bóng trên bầu trời đầy khói.

Để có thể chiết xuất nhựa thông sẽ phải mất hơn hai thập kỷ, có thể lâu gấp đôi đối với việc sản xuất mật ong.

“Trong 10 năm nữa, khu rừng sẽ xanh tươi trở lại”, Livas nói. “Nhưng để khai thác, sẽ mất 20-25 năm. Đối với tôi, tất cả đã kết thúc”. Kể cả nếu hiện ở tuổi 30 thì sau 20 năm, Livas cũng không còn sức khỏe để quay lại khai thác nhựa thông.

Livas đi qua những đám cháy vẫn còn âm ỉ của khu rừng ở ngoại ô ngôi làng miền núi Agdines của ông, những đám tro trắng và xám bốc lên từ dưới ủng khi ông xem xét thiệt hại.

“Cây này, tôi vẫn nhớ từ khi còn là một cậu bé, từ năm 15 tuổi”, ông nói, chỉ tay về phía một cây thông đã bị cháy đen, vẫn còn nhìn thấy dải vỏ cây đã được chiết xuất nhựa. "Cây này hẳn được khai thác trong 32-33 năm".

Hầu hết sinh kế của Livas đã tan thành mây khói, chìm trong ngọn lửa điên cuồng khi đám cháy rừng khổng lồ lan về phía ngôi làng.

“Có thể nghe thấy tiếng ầm ầm... Nó giống như một trận động đất”, Livas kể lại.

Ngọn lửa di chuyển nhanh khiến người dân không kịp thu gom hàng nghìn túi ni lông được ghim trên cây để lấy nhựa quý. Thay vào đó, cư dân địa phương hướng sự chú ý đến ngôi làng, phớt lờ lệnh sơ tán và ở lại để cứu nhà của họ.

Họ đã cứu được ngôi làng. Nhưng họ không thể cứu được khu rừng. Và dân làng đã tức giận vì chính phủ không cử thêm nhân viên cứu hỏa sớm hơn, và vì đã ra lệnh sơ tán khi người dân nói rằng họ có thể giúp đỡ chống lại ngọn lửa.

Livas đã chiết xuất nhựa từ khoảng 3.000 cây, thu được khoảng 9-10 tấn nhựa mỗi năm với giá 0,27 euro/kg. Nhưng hiện giờ, chỉ có một cây sống sót.

Ông kiếm thêm thu nhập bằng cách trồng cây ô liu, chăn nuôi và thỉnh thoảng khai thác gỗ. Nhưng bây giờ không có cây nào để khai thác, và hầu hết các cây ô liu cũng đã biến mất.

“Tôi không còn nơi nào nữa. Mọi nơi tôi đến, mọi thứ đều bị thiêu rụi”, ông nói.

Với 4 đứa con nhỏ phải nuôi nấng, đứa lớn nhất mới 13 tuổi, Livas cho biết ông sẽ phải tìm kiếm những loại công việc mới. Nhưng với trình độ học vấn tiểu học và không thể đọc hay viết, ông dường như bị choáng ngợp bởi ý nghĩ này. Rừng, trồng trọt và thu thập nhựa thông, những công việc ông làm từ năm 15 tuổi, là tất cả những gì ông từng biết.

"Tôi sẽ làm gì bây giờ?", Livas tự hỏi, lắp bắp không nên lời. “Tôi sẽ tìm một công việc. Tôi sẽ làm gì? Tôi không biết phải làm gì bây giờ?”.

Những người khác thậm chí còn tồi tệ hơn, theo Livas. Một số gia đình có các thành viên đều đi thu gom nhựa thông, thu được khoảng 30-40 tấn một năm. Có toàn bộ ngôi làng ở phía bắc Evia hầu như chỉ làm việc trong lĩnh vực thu gom nhựa thông.

Antonis Natsios, người cùng làng với Livas cũng tuyệt vọng như vậy. Ông bắt đầu thu thập nhựa thông từ năm 12 tuổi, học hỏi kỹ thuật từ cha mình, người đã học từ ông nội của Natsios.

Bây giờ 51 tuổi và có ba đứa con, hai trong số chúng đang học đại học, Natsios không chắc mình sẽ kiếm sống bằng cách nào. Ông nói, một số cây sung (vả tây – fig) của ông đã bị bệnh nhưng có thể sẽ sống sót và tạo ra một vụ mùa mới, và khoảng 20% ​​số cây ô liu của ông vẫn còn. Nhưng những cây thông, nguồn thu nhập chính của ông thì “không còn. Ngay cả một nhánh cây cũng không còn”.

Ông thấy khó có lựa chọn vì chỉ có chờ sự giúp đỡ của nhà nước, hoặc của Chúa, nếu không thì phải di cư.  

Chính phủ đã tuyên bố sẽ bồi thường cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi đám cháy. Nhưng không gì có thể bù đắp nổi cho người dân ở bắc Evia. Họ đã mất đi nguồn sinh kế trong nhiều thập kỷ tới.

Makis Balalas, 44 tuổi, cũng sống dựa vào các khu rừng ở Evia để lấy mật ong mỗi năm cho biết: “Chúng tôi đã mất tất cả mọi thứ trong 30-40 năm tới”. Ông nói, sự tàn phá rừng còn tồi tệ hơn nhiều so với việc mất bất kỳ tổ ong nào.

“Tôi có thể tạo ra những bầy ong mới”, ông nói. "Nhưng khi cánh rừng cháy mất, không thể tạo lại ngay".

Đối với Natsios, việc mất khu rừng nơi ông lớn lên là điều khiến ông đau đớn nhất.

“Đó không phải là tương lai, đó là những gì chúng tôi đang thấy. Khi đã sống chung với một thứ gì đó trong 50 năm và bây giờ nhìn thấy những thứ này, ví dụ như cục than này...”, ông tiếp tục. "Bây giờ tôi, người sinh ra trong khu rừng này, phải hít thở thứ khói đen này."

(Theo AP)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Mỹ không còn hệ thống phòng không Patriot để gửi cho Ukraine

Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết Washington không còn hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine, nhưng sẽ gây áp lực buộc EU và NATO chia sẻ cho Kiev.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm