| Hotline: 0983.970.780

Hợp tác xã nông nghiệp trong cơn khát vốn: [Bài 1] Khó tiếp cận vốn vay 'thủ tiêu' ý chí của các hợp tác xã

Thứ Ba 23/08/2022 , 06:05 (GMT+7)

Kinh tế tập thể của Bình Định đã có nhiều biến chuyển tích cực. Thế nhưng do khó tiếp cận vốn vay của ngân hàng, nên chí cầu tiến của các HTX bị 'chết yểu'.

Kiện toàn hệ thống HTX nông nghiệp

Sau 10 năm thực hiện Luật Hợp tác xã (HTX), Bình Định xác định đưa kinh tế tập thể đi theo hướng phát triển với nhiều hình thức hợp tác đa dạng; trong đó, HTX là nòng cốt, kinh tế Nhà nước cùng kinh tế tập thể sẽ đóng vai trò là nền tảng vững chắc của nền kinh tế theo Nghị quyết Đại hội IX của Đảng.

Empty

HTX Nông nghiệp Phước Thuận (huyện Tuy Phước, Bình Định) cần vay vốn ngân hàng để mua máy móc phục vụ sản xuất nhưng không vay được. Ảnh: V.Đ.T.

Theo đó, Tỉnh ủy Bình Định đã có chương trình, kế hoạch cụ thể để củng cố những tổ hợp tác và HTX hiện có, tiếp tục phát triển rộng rãi kinh tế HTX với hiều hình thức, quy mô, trình độ khác nhau trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn có điều kiện. Kinh tế tập thể với hình thức phổ biến là các tổ hợp tác và HTX. Trong lĩnh vực nông nghiệp, tập trung làm các dịch vụ đầu vào, đầu ra phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ thành viên, từng bước mở rộng ngành nghề, sản xuất kinh doanh tổng hợp.

Đến nay, Bình Định hiện có 250 HTX, tăng 25 HTX so với thời điểm trước khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực, trong đó có 188 HTX nông nghiệp, 19 HTX Tiểu thủ công nghiệp, 16 HTX Vận tải và 27 Quỹ tín dụng nhân dân, tất cả các HTX đã chuyển đổi và hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Số thành viên HTX có khoảng 278.583 thành viên, gồm: 69.520 cá nhân, 209.033 hộ thành viên và 30 pháp nhân. Số lao động thường xuyên làm việc trong khu vực HTX ước khoảng 2.623 người.

Hầu hết các HTX tiếp tục duy trì các dịch vụ phục vụ sản xuất như: Dịch vụ thủy lợi, cung ứng giống, vật tư nông nghiệp... Nội dung hoạt động của các HTX được định hướng lại cho phù hợp với nhu cầu của thành viên, loại bỏ dần những dịch vụ không hiệu quả, chú trọng đầu tư chiều sâu những dịch vụ mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên cũng như kinh tế HTX.

Một số HTX đã mạnh dạn nghiên cứu thị trường, tiếp nhận sự hỗ trợ của các chương trình, dự án phát triển các dịch vụ, ngành nghề mới để phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống của thành viên. Những ngành nghề mới đang “ăn nên làm ra” ở Bình Định hiện có như: Sản xuất dầu dừa tinh khiết, sản xuất dầu phộng, sấy lúa, cuốn rơm bằng máy, xay xát gạo, quản lý nghĩa trang, quản lý chợ, thu gom rác, liên kết và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, nhiều HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như: Sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ, hướng VietGAP; trồng hoa trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới tự động; tưới tiết kiệm nước...

Tuy vậy, quy mô hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn Bình Định vẫn còn nhỏ; cơ sở vật chất, công nghệ lạc hậu; nội dung hoạt động còn nghèo nàn; sản phẩm hàng hóa chưa nhiều, chất lượng dịch vụ chưa cao; thiếu vốn để mở rộng hoạt động dịch vụ… Trong 188 HTX nông nghiệp ở Bình Định, đơn vị xếp loại tốt, khá chiếm 30%, xếp loại yếu chiếm 26%.

Empty

Sổ đỏ Nhà nước cấp cho HTX Nông nghiệp Phước Thuận (huyện Tuy Phước, Bình Định) nhưng ngân hàng không chấp nhận đây là tài sản thế chấp. Ảnh: V.Đ.T.

Nhằm đổi mới nội dung hoạt động, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo cơ chế thị trường, Bình Định ưu tiên các nguồn lực để hỗ trợ, phát triển HTX nông nghiệp thông qua việc lồng ghép vốn từ các chương trình, dự án; xã hội hóa các nguồn vốn hợp pháp khác, kêu gọi sự tài trợ và hợp tác của các tổ chức trong và ngoài nước; triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để khuyến khích, phát triển HTX nông nghiệp. Thế nhưng có 1 thực tế đáng buồn là các HTX nông nghiệp muốn mở rộng sản xuất theo định hướng của Nhà nước, nhưng trong bối cảnh “đói” vốn các HTX rất cần phải đến nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, thế nhưng không tiếp cận được, bởi những tổ chức tín dụng nêu ra những điều kiện mà các HTX không thể đáp ứng.

Chí cầu tiến “chết yểu”

Theo ông Phạm Văn Tân, Giám đốc HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn), đây là 1 trong những HTX nông nghiệp “nổi đình nổi đám” ở tỉnh Bình Định, dù HTX này rất muốn mở rộng hoạt động nhưng không thể, vì không thể tiếp cận được với nguồn vốn của các tổ chức tín dụng. “Chưa nói đến các ngân hàng, đến cả Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX mà UBND tỉnh Bình Định đã chuyển qua Liên minh HTX Bình Định quản lý chúng tôi cũng không thể tiếp cận được, bởi không có tài sản thế chấp”.

Empty

Cánh đồng liên kết sản xuất lúa giống của HTX Nông nghiệp Phước Hưng (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Ông Tân bộc bạch thêm: Tài sản HTX xây dựng trên đất mang ra thế chấp các tổ chức tín dụng cũng không chấp nhận. Trước đây, HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ cần vốn để thực hiện các dự án trồng rau an toàn thực phẩm, HTX đã đề xuất Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX của Liên minh HTX Bình Định, nhưng người có trách nhiệm của Liên minh HTX Bình Định bảo là không thể.

“Mới đây, Sở NN-PTNT Bình Định thống nhất cho HTX thực hiện Dự án liên kết xây dựng cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa giống, trong đó có hỗ trợ đầu tư cho HTX mua máy sấy. Mà mua máy sấy phải cần đến 2 tỷ đồng, trong khi mức hỗ trợ chỉ 30%, 70% còn lại là vốn của HTX, chúng tôi đi vay thì không tổ chức tín dụng nào đồng ý”, ông Tân cho hay.

Cũng theo ông Tân, trước đây HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ muốn làm thêm dịch vụ sản xuất gạch không nung, HTX đã liên hệ với Ngân hàng chính sách tại địa phương nhưng bị từ chối. Điều kiện ngân hàng đưa ra là HTX phải có tài sản thế chấp mới vay được. Huy động anh em trong HTX lấy sổ đỏ của gia đình vay tiền để HTX thực hiện làm gạch không nung, cán bộ HTX ai cũng đồng thuận nhưng người trong gia đình không đồng ý nên ý tưởng này không thể thực hiện.

Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Sự cầu tiến của HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Ân Phong (huyện Hoài Ân) cũng bị trì trệ do không tiếp cận được nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng. Theo anh Trần Bảo Diệp, Giám đốc HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Ân Phong, hiện HTX đang sản xuất 1,4ha rau màu ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng. HTX muốn mở rộng thêm 8.000m2 rau trồng trong nhà màng, 6.000m2 rau trong nhà lưới nên cần nguồn vốn khoảng 4 tỷ đồng. Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Ân Phong Trần Bảo Diệp đã liên hệ với 1 số ngân hàng thương mại trên địa bàn huyện Hoài Ân, những các ngân hàng đòi hỏi phải có tài sản thế chấp mới vay được.

“Không tiếp cận được với nguồn vốn của các tổ chức tín dụng, tôi phải lấy sổ đỏ nhà của gia đình thế chấp, vay tiền ngân hàng để có vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Vừa rồi nhờ sổ đỏ nhà của gia đình nên tôi mới vay được 900 triệu đồng để mở rộng thêm 3.000m2 nhà màng trồng rau áp dụng công nghệ cao. Nếu tiếp cận được với nguồn vốn của các tổ chức tín dụng thì nay HTX đã xây dựng được diện tích nhà màng sản xuất rau đủ để cung ứng cho bạn hàng”, ông Trần Bảo Diệp chia sẻ.

Không chỉ có các HTX Nông nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng, anh Trịnh Hưng Công, chủ trang trại sản xuất rau hữu cơ Yuuki Farm ở xã Nhơn Hậu (thị xã An Nhơn) cũng lâm cảnh tương tự. Hiện Yuuki Farm của anh Công đang sản xuất 1ha rau hữu cơ, 1ha ngũ cốc, nuôi bò trên diện tích 5.000m2 và nuôi 7.000 - 8.000 con gà. Hiện anh Công đang muốn mở rộng sản xuất thêm từ 3 - 5ha trồng các loại rau gia vị và dưa hấu theo đơn đặt hàng của thương lái, thế nhưng anh Công đã tiếp cận với 2 ngân hàng thương mại lớn trên địa bàn nhưng vẫn không thể tiếp cận được với nguồn vốn vay. Chí cầu tiến của anh Công buộc phải dừng lại chứ không thể phát triển quy mô sản xuất như ý muốn”.

Xem thêm
Ngành tôm toàn cầu sẽ tăng trưởng khiêm tốn trong năm 2024

Các thị trường quan trọng như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ có sự cải thiện nhẹ về nhu cầu tiêu thụ tôm, nhưng khó khăn vẫn còn nhiều.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Hải Phòng khởi công dự án sản xuất vật liệu phân hủy hơn 2 nghìn tỷ

Đây là một trong những sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng 69 năm ngày giải phóng Hải Phòng và Lễ hội Hoa Phượng đỏ 2024.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm