Đáp ứng tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới là điều khó khăn, thách thức đối với một số xã ở Hà Nội.
Nội dung của tiêu chí số 13 nêu rõ, để đạt tiêu chí này mỗi xã phải có ít nhất một hợp tác xã hoặc tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, số hộ nông dân tham gia là xã viên và có góp vốn chiếm 50% tổng số hộ nông dân trên địa bàn, để từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đó theo quy định, một HTX hiệu quả phải thực hiện được các dịch vụ cơ bản: thủy lợi, cung cấp cây trồng, con giống và tiêu thụ nông sản…Để phát triển kinh tế tập thể, đáp ứng cho yêu cầu xây dựng nông thôn mới thì không còn con đường nào khác là phải chú trọng vào những vấn đề trên.
Theo số liệu thống kê của Liên minh Hợp tác xã TP Hà Nội, hiện trên địa bàn có 1.015 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 89 hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi liên kết, 60 hợp tác xã áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất VietGAP, hữu cơ...
Những năm gần đây, tại Hà Nội việc đổi mới, thành lập các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012 đã có nhiều chuyển biến tích cực rõ nét. Đa số các hợp tác xã đã làm tốt công tác tổ chức sản xuất, gắn hoạt động sản xuất - chế biến với tiêu thụ sản phẩm…
Vấn đề "điểm nghẽn" lớn nhất trong việc phát triển các hợp tác xã nông nghiệp hiện nay là nguồn vốn, mặt bằng sản xuất, nguồn nhân lực có trình độ...
Bên cạnh đó, đầu ra cho sản phẩm, khả năng ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất cũng đang là vấn đề còn nhiều tồn tại, đặt ra không ít thách thức đối với nhiều hợp tác xã nông nghiệp hiện nay.
Bà Đặng Thị Tươi, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa cho biết: Cơ sở vật chất, hạ tầng đang là khó khăn của các hợp tác xã nông nghiệp. Cụ thể, trê địa bàn huyện hiện đã có 80 hợp tác xã nông nghiệp được thành lập mới, đổi mới hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 thì có tới 59 hợp tác xã phải đi mượn trụ sở hoặc làm việc ké trong trụ sở UBND xã, đình làng, nhà văn hóa…
Cũng liên quan đến vấn đề này, theo giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát, xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) Nguyễn Mạnh Hồng: Thời gian qua, hợp tác xã đã xây dựng được khu nhà lưới rộng gần 3.000 mét vuông để trồng rau thủy canh theo dây chuyền công nghệ hiện đại của Israel.
Do mô hình đầu tư công nghệ cao phải cần nguồn vốn lớn, tuy nhiên khi đi vay vốn, các đơn vị tín dụng yêu cầu phải có sổ đỏ để làm tài sản thế chấp… Trong khi đó do toàn bộ diện tích sản xuất của hợp tác xã hiện nay đều là đi thuê, trụ sở làm việc được đặt trong khu sản xuất nên không có tài sản nào thế chấp để vay vốn.
Riêng về vấn đề đầu ra của sản phẩm, dù nhiều hợp tác xã đã chuyển đổi sản xuất theo quy trình sạch, an toàn, hữu cơ nhưng việc tiêu thụ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn chưa được tháo gỡ, khơi thông… Giám đốc HTX Nông nghiệp Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) Lê Văn Lanh cho biết: Mặc dù sản phẩm bưởi Diễn của hợp tác xã đã có thương hiệu, sản xuất theo quy trình VietGAP nhưng nhiều năm qua, gần như toàn bộ sản phẩm do các xã viên phải tự xoay xở tiêu thụ hoặc thông qua kênh thương lái mà chưa có hợp đồng tiêu thụ với đầu mối lớn, ổn định để xã viên hợp tác xã yên tâm sản xuất…
Nhằm sớm khơi thông những "điểm nghẽn" đang tồn tại hiện nay đối với hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội - Chu Phú Mỹ cho biết, thời gian tới TP Hà Nội sẽ sớm nghiên cứu có những chính sách hỗ trợ để các hợp tác xã nông nghiệp phát triển.
Cụ thể ngành nông nghiệp thủ đô sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai thành lập các HTX nông nghiệp kiểu mới theo tiêu chí số 13 (hình thức tổ chức sản xuất) gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới.
Dự kiến trong thời gian tới, Sở NN-PTNT sẽ phối hợp với Liên minh HTX thành phố hỗ trợ thành lập 50 HTX tại các xã điểm nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; đồng thời có đội ngũ hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ, tìm nguồn vốn từ các chương trình khuyến nông, nông thôn mới để giải quyết những tồn tại hiện nay…
Về nguồn vốn cho các HTX nông nghiệp, hiện quỹ có tổng nguồn vốn 125 tỷ đồng. Trong năm 2020, quỹ sẽ giải ngân tối đa cho các hợp tác xã nguồn vốn này và vốn vay từ Chương trình quốc gia về giải quyết việc làm; đồng thời đơn giản hóa các thủ tục vay vốn nhằm tạo động lực phát triển cho các HTX đầu tư kinh doanh, sản xuất… Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, Liên minh HTX Việt Nam, doanh nghiệp… tổ chức hội chợ, tham gia chương trình xúc tiến thương mại, tham gia hội thảo giữa các doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội đầu tư cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã…
Dịch bệnh khiến các hợp tác xã ở Hà Nội gặp khó
Mặc dù đã triển khai tích cực, đồng bộ và hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Trung ương, cũng như Liên minh HTX Việt Nam và UBND TP Hà Nội nhưng trước những tác động và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến cho các HTX nông nghiệp trên địa bàn thủ đô gặp nhiều khó khăn.
Theo đánh giá chung, nguyên nhân là do các HTX, Liên hiệp HTX khó khăn trong mua nguyên liệu đầu vào, thị trường bị thu hẹp cộng với tài chính khó khăn do sản xuất không tiêu thụ được. Trong khi đó, các HTX nông nghiệp chuyên cung ứng nông sản, thực phẩm cho bếp ăn tập thể, trường học, nhà hàng, khách sạn... chuỗi tiêu thụ sản phẩm bị đình trệ. Nguồn cung ứng giống, vật tư nông nghiệp đầu vào phục vụ sản xuất giảm, gần 70% các HTX không nhập được giống cây trồng từ Trung Quốc...
Các HTX có kinh doanh chợ, số hộ kinh doanh mặt hàng không phải là nhu yếu phẩm trong chợ giảm sút, đóng cửa do không có đủ nguồn cung cấp hàng hóa để bán tại chợ. Theo đánh giá chung, tình hình dịch bệnh đã tác động sâu sắc tới hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội, khiến nhiều tổ chức phải thu hẹp sản xuất, nhất là trong giai đoạn quý I và II năm 2020. Cụ thể, đối với lĩnh vực nông nghiệp giảm 10%; đối với lĩnh vực thương mại - dịch vụ giảm từ 20 - 50%. Trong khi tại các HTX thực hiện dịch vụ nội bộ, dự kiến giảm 10%.