| Hotline: 0983.970.780

Đất của người chết bao vây đất của người sống

II. Nơi có những khu mộ to như những ngôi biệt thự

Thứ Ba 21/03/2023 , 06:30 (GMT+7)

Khi thấy chúng tôi lúi húi ngoài đồng với chiếc flycam bay ở trên đầu, ông Trung bỏ dở công việc hỏi: 'Các cháu đang đi đo đất mua nghĩa trang cho nhà ai đấy?'.

Phân biệt giàu nghèo ở nghĩa trang

Bài liên quan

Ông Nguyễn Nhân Trung - người ở tổ 1 phường Trung Sơn Trầm (thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội) đang trồng mướp nhờ ở một khu đất nghĩa trang gia đình còn chưa có một ngôi mộ nào - gần đây đã quá quen với những đám người lạ mặt đến đo đất nên mới tưởng chúng tôi như vậy. Anh cán bộ phường đi theo vội giải thích, chắc là những người của văn phòng công chứng tư nhân nào đó đến đo đất, chứ chính quyền địa phương có ai đến làm việc ấy đâu. Cánh đồng này nằm trong quy hoạch mở rộng nghĩa trang thị xã Sơn Tây lên 14,5ha nhưng chưa xây quây tường bao được nên người ta đã nhanh tay mua để thành lập các nghĩa trang gia đình, dự trữ đất cho nhiều đời.

Ông Trung giơ tay chỉ vào các khu nghĩa trang gia đình mới mọc lên từ đám đất ruộng của làng mà giờ người ta gọi là tổ dân phố: “Anh này là giám đốc ngân hàng. Anh này là bác sĩ. Anh này là lãnh đạo tỉnh Hà Tây cũ. Chị này là chủ siêu thị lớn. Toàn những người còn sống cả. Họ mua mấy trăm m2 để chuẩn bị cho sau này. Mươi năm nay, người ở thị xã Sơn Tây nhưng khác phường về đây mua đất ruộng nhiều lắm, mảnh này mới bán năm ngoái thôi.

Empty

Ông Nguyễn Nhân Trung bên một khu nghĩa trang gia đình hình thành trên đất ruộng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Có những ngôi mộ ở đây thừa tiền tỉ, ngang giá với một ngôi nhà trong làng vì đất ngoài đồng giờ phải 6 - 7 triệu/m2, trong khi đất ở trong làng chỉ 3 - 4 triệu/m2 mà lại là thổ cư. Hầu hết là người ở địa phương khác đến chứ dân trong làng lấy đâu mà có tiền? Như ông bà tôi để nghĩa trang thôn, mỗi ngôi mộ chỉ rộng 2m2, không phải đóng tiền đất, xây lên hết 5,5 triệu”.

Tôi điều khiển chiếc flycam theo hướng tay ông Trung chỉ. Trên màn hình hiện lên loang loáng những khu nghĩa trang gia đình rất lớn, kín cổng, cao tường. Bên trong chúng được thiết kế cầu kỳ kiểu vườn Nhật với lối đi bao quanh trải sỏi, tiểu cảnh, cùng các hàng cây xanh đứng sừng sững như những hàng vệ sĩ. Trên cái nền xanh ấy nổi bật lên màu xám của những lăng mộ đá trạm trổ mái cong vút như mái đình, những cây đèn đá đục đẽo tỉ mẩn, không quên đề bảng tên, số điện thoại của công ty chế tác. Nhiều khu nghĩa trang gia đình diện tích cỡ 300 - 400m2 mà không hề có mộ hoặc chỉ có một hai ngôi.

Khẽ đẩy cần điều khiển cho chiếc flycam đi ngang, chỉ cách một con đường rộng vài bước chân thôi bên kia là nghĩa trang của thị xã Sơn Tây với bạt ngàn những ngôi mộ được sắp xếp theo hàng, theo lối như những đoàn quân đang duyệt binh. Chúng cùng một kích cỡ như nhau và diện tích chừng bằng 1/100 so với những khu mộ bên này. Sống đã phân biệt giàu nghèo, khi chết cũng vậy.

Những khu nghĩa trang gia đình hình thành trên đất nông nghiệp ở phường Trung Sơn Trầm (phải) và nghĩa trang thị xã Sơn Tây (trái). Clip: Dương Đình Tường.

“Ở tổ 1 hay tổ 5 cũ, nghĩa trang được quy hoạch mỗi ngôi theo cùng kích cỡ, tiền xây chỉ có khoảng hơn 1 triệu, sau đó ốp đá hay ốp gạch gì thì tùy. Còn ở đây kích cỡ đủ kiểu, to bé hay cao thấp đủ cả. Dân làng nhiều người chẳng có tiền mà xây nhà, sửa nhà nhưng người ta xây những ngôi mộ tiền tỉ”.

Rời nghĩa trang khu nhà giàu với toàn là những giám đốc, bác sĩ, chủ siêu thị, lãnh đạo chuẩn bị đất cho mình từ khi còn sống, tôi đến nghĩa trang bình dân hơn của tổ 2. Ở đây cũng có hàng dãy những nghĩa trang gia đình được xây quây lại, có điều không phải mất tiền mua mà là do bao chiếm đất công. Bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm - tổ trưởng tổ 2 bảo đây cũng là thực trạng chung ở các tổ dân phố:

Empty

Bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm - tổ trưởng tổ 2 phường Trung Sơn Trầm. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Trước đây quá nhiều đất ngoài nghĩa trang nên không ai nghĩ đến chuyện xây quây, bao chiếm cả. Sau này khi hình thành nghĩa trang thị xã Sơn Tây trên địa bàn, vào đó phải mua đất, việc quản lý chặt dần, khoảng năm 2009 - 2010 người ta mới dần ra chiếm đất ở các nghĩa trang của tổ dân phố, thuộc vào quỹ đất công. Nhà nào có mộ rồi thì xây tường bao rộng ra một khoảnh thành nghĩa trang của gia đình mình không cho gia đình khác đặt xen mộ vào.

Cách đây 4 năm, tổ dân phố chúng tôi đã đi đo, kiểm đếm, có hộ diện tích hơn 150m2, ít cũng 70 - 80m2. Tổng cộng khoảng hơn 30 hộ bao chiếm như vậy trên tổng 323 nóc nhà. Tổ cũng họp bàn để giải phóng các tường bao này nhưng không được bởi đây là vấn đề tâm linh rất phức tạp. Nếu thành lập đoàn giải tỏa, cưỡng chế thì không ai muốn, còn vận động gia đình xây quây thì họ không chịu. Một khi đã xây tường bao như thế, gia đình khác thường có tâm lý không muốn chôn người thân vào nữa vì họ nghĩ đã có chủ rồi.

Không phải đợi đến đời con cháu không có đất chôn mà bây giờ có nhiều người nơi khác đến sinh sống trong tổ mà chưa có suất đất ở ngoài nghĩa trang, khi chết muốn chôn cũng rất khó. Ở tổ tôi có trường hợp người quê Thanh Hóa về sống, có hộ khẩu tại đây, năm 2020 chẳng may mất nhưng lại không có chỗ chôn dù ngoài nghĩa trang đất vẫn còn nhưng mà người ta đã xây quây hết rồi.

Empty

Nghĩa trang tổ 2 có khoảng 30 gia đình xây quây tường bao chiếm đất công thành nghĩa trang riêng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chúng tôi phải thành lập đoàn đi xin đất cho trường hợp ấy gồm tổ trưởng, bí thư, nhóm trưởng nhóm tự quản đến vận động nhà một người đã xây quây đất công làm nghĩa trang riêng cho gia đình: “Người ta ở đất khách quê người đến đây, không may mắc bệnh qua đời. Vì tình làng nghĩa xóm, sống thế nào thì chết cũng như vậy, bác tạo điều kiện cho người ta có một chỗ ở”. Họ họp bàn gia đình rồi mới chấp nhận, còn chuyện tiền nong tôi không rõ nhưng cũng có thể nhà kia phải hỗ trợ một khoản".

Hơn 30 nhà xây quây đất nghĩa trang, tại sao đoàn lại nhằm vào gia đình đó để xin đất? Tôi hỏi. Bà tổ trưởng cười: “Bởi họ dễ tính hơn. Nói đúng ra thì cả gia đình có người chết lẫn gia đình có đất đều dễ tính. Chứ như nhà khác xem hướng, muốn đặt ở chỗ đất của nghĩa trang gia đình này bao chiếm mà nhà có đất không cho cũng đành phải chịu. Trước mắt đã thế, về lâu dài nếu không quản lý được đất nghĩa trang thì các đời sau tôi sợ sẽ không có chỗ chôn”.

Sẽ là cuộc cách mạng nếu…

Mang thực trạng đó tôi hỏi lãnh đạo hai phường, xã có những nghĩa trang gia đình tự phát ấy. Ông Khuất Đôn Quân - Phó Chủ tịch UBND phường Trung Sơn Trầm kể, năm 2008 địa phương lên phường để cho đủ điều kiện thị xã Sơn Tây lên thành phố, sau khi Hà Tây cũ sáp nhập với Hà Nội nó lại trở về thị xã. Diện tích của phường hiện 361ha, dân số hơn 9.000 người. Trước đây khi là xã, Trung Sơn Trầm có 8 thôn, mỗi thôn có 1 nghĩa trang riêng trên diện tích đất công. Giờ thế giới người sống 8 thôn đã sáp nhập thành 5 tổ dân phố nhưng thế giới người chết vẫn giữ nguyên 8 nghĩa trang.

“Nhiều xã xây dựng nông thôn mới dồn điền đổi thửa được, quy hoạch thành một nghĩa trang chung nhưng ở đây vẫn còn chôn theo nếp cũ và tất cả các nghĩa trang đều không có tường bao quanh. Về cơ bản là quản lý tốt, tuy nhiên hiện tượng xây quây thành nghĩa trang gia đình vẫn có, điển hình nhất là ở tổ dân phố số 2. Đó là vấn đề lịch sử để lại”, ông Khuất Đôn Quân chia sẻ. 

Theo thống kê trên giấy tờ, diện tích đất 8 nghĩa trang của Trung Sơn Trầm chỉ 16.360m2 nhưng thực tế nó rộng gấp nhiều lần con số đó. Phần lớn là đất nông nghiệp sổ đỏ của dân được mua bán trao tay một cách lén lút.

Empty

Đàn bò đi qua một khu nghĩa trang gia đình hình thành trên đất nông nghiệp ở phường Trung Sơn Trầm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Còn ông Phan Văn Hòa - Chủ tịch UBND xã Đường Lâm thì cho biết địa phương không có quy hoạch nghĩa trang chung nên mới xảy ra hiện tượng ai có ruộng chỗ nào thì đặt mộ vào chỗ ấy. Mới đây, xã đã ra nghị quyết để tuyên truyền cho dân không được xây tường bao của các nghĩa trang gia đình cao quá bờ ruộng dù rằng theo Luật Đất đai việc xây dựng trên đất nông nghiệp là sai. Xã còn thành lập tổ công tác để ai vi phạm trong xây dựng thì tiến hành tháo dỡ. Còn một số người nơi khác muốn đưa hài cốt về, nếu phát hiện sớm sẽ ngăn chặn được, còn một khi họ đã chôn chui thì xã cũng phải chịu.

“Trước đây khi tôi còn hành nghề thợ xây, từng làm rất nhiều ngôi mộ rồi, kích thước dài nhất là 1,2m, rộng nhất là 80cm. Quy cách đó rất gọn, không bành trướng, nhìn không bị lố. Giờ phú quý sinh lễ nghĩa, điều kiện kinh tế có, vật liệu lại sẵn nên người ta mới xây to. Việc xây dựng như thế không chỉ ảnh hưởng đến canh tác nông nghiệp, mỹ quan mà còn cả du lịch nữa. Nếu được chúng tôi sẽ cho trồng những hàng cây để che khuất đi các ngôi mộ cho du khách đi trên đường đỡ bị đập vào mắt.

Vừa rồi Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây có về làm việc với Đường Lâm. Sau khi đi thị sát tình hình đất đai để bàn cách phát triển du lịch cho xã, ông nói: “Tôi hỏi đồng chí Hòa nếu mà xã quy hoạch một khu nghĩa trang chung để chuyển những ngôi mộ đi có được không?”. Tôi trả lời: “Nếu vừa động viên vừa dùng chế tài, lại có thêm kinh phí hỗ trợ thì chắc chắn được”. Mong muốn của lãnh đạo thị xã là phát triển du lịch nhưng bất cập là muốn quy hoạch một số vùng đất ở Đường Lâm để tạo cơ sở lưu trú cho du khách nhưng chỗ nào cũng bị vướng vào mồ mả cả.

Nếu quy hoạch được một khu nghĩa trang chung rồi di chuyển hết mồ mả về thì đó là một cuộc cách mạng, đời con cháu sẽ thụ hưởng chứ tôi nói thật cũng sắp hưu rồi. Chúng tôi đã tìm ra một quả đồi, chỉ cần đầu tư con đường, hạ tầng cho đẹp sẽ thu hút được người ta vào nhưng cái khó là quy định nghĩa trang phải cách khu dân cư 2km, cả xã không tìm được chỗ nào như vậy”, ông Phan Văn Hòa nói.

Empty

Sự phân biệt giàu nghèo thể hiện rõ khi những khu mộ gia đình xây trên đất nông nghiệp (bên phải) ở phường Trung Sơn Trầm rộng gấp hàng trăm lần mộ xây đúng quy cách (bên trái) ở nghĩa trang thị xã Sơn Tây. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tôi hỏi ông Hòa, vậy những người đã đầu tư vài trăm triệu cho một khu nghĩa trang gia đình, liệu có thuyết phục được việc di dời mộ không? Ông trả lời dứt khoát: “Chúng tôi chỉ làm việc với dân ở đây, còn những người ở nơi khác đến mua đất thì không có một quyền gì trên đó cả. Người ta toàn mua phủi, mua tay bo, mua thổ phỉ thôi bởi nguyên tắc đất nông nghiệp luật đã quy định khi chuyển nhượng phải là người địa phương, đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp, chứ không phải dùng vào mục đích khác. Khi mà dân địa phương thông suốt, thực hiện trước thì người ở nơi khác cũng không thể chống lại được”. 

Theo thống kê của xã Đường Lâm, diện tích đất ở đang có 79,9ha, còn đất nghĩa trang 4,6ha. Tuy nhiên thực tế diện tích đất dành để chôn người rộng hơn thế nhiều lần bởi riêng quả đồi Áng Độ đã cả chục ha bị xây quây, nhưng trong hệ thống quản lý nó không phải là đất nghĩa trang nên không được tính…

Khi tôi nắc nỏm kể về những khu mộ rộng như những ngôi biệt thự ở phường Trung Sơn Trầm, một người dân đã bảo chúng chẳng là gì so với những ngôi mộ rộng như sân bay trực thăng ở Hải Phòng.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng 23/1, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tới đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trồng cây nêu ngày Tết, 5 người bị bỏng nặng do điện giật

HUẾ 5 người đang tiến hành trồng cây nêu ngày Tết không may sơ ý vướng phải nguồn điện dẫn đến bị bỏng nặng.

Bình luận mới nhất