| Hotline: 0983.970.780

Phóng sự

III. Luang Prabang - thành phố không có tiếng còi xe

III. Luang Prabang - thành phố không có tiếng còi xe

Cố đô Luang Prabang ở miền Bắc nước Lào là một bán đảo nơi sông Nậm U hợp lưu với Mekong, thành phố không đèn đỏ, không tiếng còi xe.

 
 
Bài liên quan

Dòng sông Mekong từ Trung Quốc chảy vào lãnh thổ nước Lào tại bản Pak Namla, tỉnh Luang Namtha rồi sau đó làm một cuộc hành trình dọc biên giới của xứ sở này với các nước Myanmar, Thái Lan trước khi chia tay tại bản Ôn Xam tỉnh Champasak. Suốt cuộc hành trình đó, không biết dòng sông đã chảy qua bao nhiêu vùng đất, nhưng có một nơi thật đặc biệt - cố đô Luang Prabang.

Southivone Vannasy, tên thân mật là Ô Lê, phiên dịch người Lào vốn là du học sinh ở Trường Đại học Vinh hiện làm cho một công ty du lịch xuyên quốc gia dẫn chúng tôi ngược sông Mekong đến với thành phố cổ xưa nhất của đất nước Lào. Đó là một thanh niên huyên náo và nhiều kiến thức. Suốt quãng đường mấy trăm cây số anh say sưa nói về Luang Prabang, vùng đất của Phật, say sưa với Vương quốc Lan Xang và những câu chuyện huyền bí, thú vị của cả ngày xưa lẫn hôm nay.

Ô Lê kể, Luang Prabang từng là kinh đô của quốc gia thống nhất đầu tiên của người Lào, được vua Phà Ngừm thành lập năm 1354. Sau khi người Pháp đô hộ các nước Đông Dương, Luang Prabang bị sáp nhập thành Vương quốc Lào và trở thành nơi trú ngụ của Hoàng gia Lào. Năm 1995 nơi này được UNESCO công nhận là di sản thế giới được đầu tiên của đất nước Triệu Voi. Với gần 60 ngôi làng cổ kết hợp với nhau thành phố, kiến trúc, tôn giáo, văn hóa dân tộc độc đáo, hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ, chùa Xiêng Thong, thác Kwang Si, núi Phousi… Luang Prabang là thành phố du lịch nổi tiếng nhất của đất nước Triệu Voi. Người Lào có câu nói “chưa đến Luang Prabang xem như chưa đến đất nước chúng tôi”.

 
 

Trong tiếng Lào, Luang Prabang có nghĩa là Đức Phật nhỏ, cũng có nghĩa là đất của Phật còn những người Việt sang đây thường gọi ngắn gọn là “Luông”. Buổi sáng “Luông” thật đẹp và yên bình. Không khí trong lành mát mẻ. Những khu phố cổ, những ngôi chùa cổ với lối kiến trúc có mái cong cong. Những nhà sư khất thực trên đường phố. Sông Mekong chảy qua Luang Prabang cũng thật là chậm. Lững lờ trôi quanh thành phố. Nhẩn nhan qua những chùa tháp, danh thắng, những bản làng yên bình của người Lào Lùm ở hai bên bờ. Đứng trên ngọn núi Phou Si cao 150m, trước mặt Cung điện Hoàng gia có thể ngắm toàn cảnh dòng sông chảy qua thành phố.  

Ô Lê nói, có lẽ vì thành phố của Phật nên mọi thứ ở đây đều chậm rãi như thế. “Luông” không có đèn giao thông, không có xe taxi. Người Lào gọi cố đô là ‘thành phố nhường”, người dân tham gia giao thông không hề có tình trạng chen lấn, bóp còi, chèn ép nhau. Gặp cảnh đường sá đông đúc quá hay qua ngã ba, ngã tư nếu đang có việc gấp thì nháy đèn xin đường. Nháy lần thứ nhất nghĩa là tôi đang đang vội, lần thứ hai nghĩa là rất vội, còn nháy liên tục hoặc bóp còi nghĩa là người nước khác đến Luông chứ không phải người Lào. Ô Lê vừa nháy mắt với tôi vừa nói đùa: Anh để ý nhé, đến cả con chó qua đường ở đây nó cũng chậm rãi hơn những nơi khác đấy.

 

Sở Nông Lâm nghiệp tỉnh Luang Prabang nằm trong một khu phố cổ. Thì ra cái tên “Luông” vừa là tên thành phố vừa tên của tỉnh lị, lại còn có cả huyện Luang Prabang. Ông Bounmy Savath, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Luang Prabang thông tin: Tỉnh rộng 1.900km2, trong đó 68,17% diện tích là rừng núi, bao gồm 1 thành phố và 11 huyện, nằm ở hai bờ các dòng sông Mekong và Nậm U. Phía Đông Luang Prabang giáp với tỉnh Điện Biên của Việt Nam nên từ năm 1999 đến nay hai tỉnh kết nghĩa với nhau. “Mỗi năm các đồng chí bên đó hỗ trợ chúng tôi 400 triệu đồng và 20 suất học bổng, thường xuyên tổ chức các đoàn công tác giao lưu, thăm hỏi, động viên nhau”, ông Bounmy Savath bày tỏ tình cảm.

Luang Prabang là trung tâm của 8 tỉnh phía Bắc Lào. Vùng đất của Đức Phật nổi tiếng với ba thứ là du lịch, nông nghiệp và thủy điện, 65% dân số sống dựa vào nông nghiệp. Năm 2021 diện tích trồng lúa của tỉnh có 43.000ha lúa nương và 27.000ha lúa nước. Chính phủ Lào khuyến khích 8 tỉnh miền Bắc tổ chức chăn nuôi đại gia súc để xuất khẩu sang Trung Quốc, mặc dù có đến 200.000ha diện tích đất trồng cỏ tuy nhiên đến nay Luang Prabang mới chỉ có 200.000 bò, 50.000 trâu, 83 trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu là nông hộ nhỏ lẻ. Đời sống của người dân vì thế vẫn còn đang gặp những khó khăn. Ông Bounmy Savath chia sẻ, nhiều vùng trong tỉnh còn thiếu thịt để ăn. Những năm gần đây Chính phủ Lào lại tập trung phát triển thủy điện, vấn đề tái định cư, sinh kế của người dân xem ra còn lắm nỗi niềm.  

 
 
 

Mường Khai là một bản làng chài cổ của người Lào Lùm có tuổi đời đã hơn 700 năm, nằm bên bờ sông Mekong ở huyện Luang Prabang, cách cố đô Luang Prabang khoảng gần 20 cây số.

Người Lào Lùm là dân tộc chiếm hơn 68% dân số của Lào, “những người Lào ở vùng đất thấp” giống như người Kinh ở Việt Nam, sống rải rác trên những bản làng theo dọc các bờ sông. Chúng tôi đến Mường Khai từ chiều hôm trước để cùng làm một cuộc hành trình đánh cá trên sông cùng với người dân. Bản có 130 hộ, bao đời nay sống dựa vào sông. Đàn ông làm nghề chài lưới, phụ nữ thêu thùa, quán xuyến việc nhà, chiều chiều lại gặp gỡ nhau ở ngôi chùa cạnh bến sông, trong một không gian thật yên tĩnh an lành. Người Lào Lùm hay bất cứ dân tộc nào trên đất nước Triệu Voi đều xem chùa chính là bộ mặt của bản.

 

Trưởng bản Sunthon Phonsavat tỏ rõ vẻ quý mến đoàn khách đến từ Việt Nam, đến mức lôi luôn chai rượu bà vợ ngâm cho để uống vào những dịp trọng đại ra đãi khách. Vừa uống rượu vừa nói cười rổn rảng. Ông Sunthon Phonsavat kể rằng, xưa kia các dân tộc Lào có phong tục thờ ma, mỗi dân tộc đều thờ một “ông ma” nào đó. Sau này Nhà nước khuyến khích dân bản xây chùa thờ Phật vừa để đuổi ma vừa lấy đó làm nơi lưu giữ tro cốt người đã khuất. Tất cả các ngôi chùa trong bản làng đều do cộng đồng góp sức dựng lên và mời sư đến ở, thành thử đi đến bản nào chỉ cần nhìn vào ngôi chùa đã có thể biết đời sống nhân dân khá giá hay còn khốn khó.

Chùa của bản Mường Khai khá rộng lớn và trang nghiêm. Sáng sáng, khi các nhà sư trong chùa đi khất thực bao giờ những người già của bản cũng dậy thật sớm để nấu xôi hay thức ăn gì đó cho những người trông coi chùa. Lào là quốc gia Phật giáo nên các nhà sư là những người được coi trọng nhất. Hầu như công lớn việc bé gì của dân bản cũng đều phải mời sư đến tham dự, buộc chỉ ban phước lành. Câu chuyện dần chuyển sang chủ đề sông nước, trưởng bản Sunthon Phonsavat chia sẻ, dòng sông bao dung và hào phóng lắm. Đối với người Mường Khai, sông không chỉ là nguồn sống, là sinh kế mà còn là bản sắc văn hóa bản làng. Và dường như cả dân tộc này cũng có suy nghĩ như vậy. Dòng sông là nguồn tài nguyên thiên nhiên được người Lào ví như dòng máu nuôi sống nhân dân từ Bắc chí Nam.

 

Sau buổi tối cơm rượu, chuyện trò vui vẻ, sáng hôm sau chúng tôi theo cánh đàn ông Mường Khai lên thuyền đánh cá. Khúc sông này nằm phía trên các công trình thủy điện Xayaburi và Luang Prabang, quả là một “hồ nước mênh mông” thật.

Ông lão Somchit Inthavong là một trong những người còn bám trụ lại với nghề chài lưới truyền thống ở Mường Khai, vừa quăng lưới vừa nhớ về ngày trước. Một ngày chưa xa, cá tôm trên sông Mekong nhiều vô kể, chỉ cần quăng lưới xuống mấy phút sau đã trĩu lưới rồi. Nhờ ơn mẹ thiên nhiên dân chài lưới trên sông đánh được những con cá lăng, cá da trơn hơn 30kg là chuyện bình thường. Nghề sông nước dù không đến mức giàu có nhưng cũng có thể coi là sinh kế đủ nuôi sống người Mường Khai.

 

Vậy nhưng mấy năm nay chưa phải đến mức quá cạn kiệt cá tôm nhưng thành quả lao động của một ngày của dân chài lưới như ông Somchit đã ít ỏi hơn nhiều so với trước. Những mẻ lưới không ngày một nhiều hơn. Nguyên một buổi sáng của chúng tôi cùng với 6 - 7 "hừa" (thuyền) của người Mường Khai chỉ được ít tôm cá. Dù hôm ấy ông Somchit Inthavong quăng hé (chài) bắt được con cá chuối nước ngọt nặng hơn 6kg nhưng nhiều người khác lại về tay trắng. Chuyến đi sớm kết thúc bằng những cái lắc đầu và nụ cười buồn bã.

 

Khi nghề chài lưới sông Mekong xem chừng ngày một khó, mấy năm gần đây người bản Mường Khai chuyển hướng sang làm du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái. Thế mà lại hay. Đồng lúa, khu bảo tồn voi, đàn trâu bò cùng với cảnh sắc thiên nhiên Mường Khai hóa ra rất nhiều giá trị mà lâu nay họ chưa biết cách khai phá.

Đó là Khu du lịch sinh thái rộng gần 50ha vốn là ruộng của dân bản, trước đây chỉ gieo cấy được một vụ, người dân cùng nhau xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi dẫn nước về, nhờ đó có thể trồng lúa từ tháng 7 đến tháng 4 năm sau. Lúa trồng lên không chỉ chờ ngày gặt mà còn trở thành điểm du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái hấp dẫn.

 

Đó là mô hình du lịch trải nghiệm vắt sữa trâu độc đáo ngay dưới chân thác nước Kwang Si. Đàn trâu khoảng 50 con của dân bản Mường Khai góp vào “tổ hợp tác” của một doanh nhân người Pháp. Du khách đến bản vừa được trải nghiệm trực tiếp vắt sữa vừa được thưởng thức sữa chua, phô mai, bánh kẹo làm từ sữa trâu xem ra rất thích thú.

Hay như khu bảo tồn voi Luang Prabang Elephant Camp nằm ngay khu vực trung tâm của bản. Trước kia cứ tưởng chỉ là chốn bảo tồn loài vật biểu tượng của đất nước nhưng ngày nay người Mường Khai đã biết cách thu tiền. Du khách vào xem thoải mái không cần vé, người dân bán mấy thứ như chuối, mía để cho voi ăn. Họ dạy cho voi biết “khăm chay” cảm ơn mỗi khi khách bỏ tiền mua thức ăn cho chúng. Trưởng bản Sunthon Phonsavat tiết lộ, năm 2015 người Lào thống kê xứ sở Triệu Voi hiện còn khoảng 1.500 con voi, trong đó có 700 con được bảo tồn ở các bản như Mường Khai. Xa xưa đây là vùng đất mỗi một gia đình có ít nhất một đến năm con voi nhưng bây giờ cả bản chỉ còn 12 con trong khu bảo tồn này. Thỉnh thoảng dân bản vẫn xuống Xayaburi, nơi có đàn voi lớn nhất khoảng 400 con để tham gia lễ hội voi truyền thống. Người ta dạy voi đá bóng, đánh bóng chuyền, lắc vòng, múa lăm vông rất đặc sắc.  

Dọc bờ sông Mekong chảy qua cố đô Luang Prabang bây giờ đã có nhiều bản làng như Mường Khai. Du khách đến cố đô cổ xưa nhất đất nước Lào không chỉ được chìm đắm trong không gian của giá trị văn hóa xa xưa mà còn có thể trải nghiệm du lịch đồng quê khoáng đãng, yên bình. Chính bản thân chúng tôi dù đã đi nhiều mô hình du lịch sinh thái ở Việt Nam vậy mà khi trực tiếp trải nghiệm ở Mường Khai cũng cảm thấy thú vị bởi nhiều điều mới lạ, đậm bản sắc văn hóa của người bản địa.

 
 
 

Trong cuốn sách “Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ”, tác giả Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson tại Washington viết: “Sự hào phóng của dòng sông là điều làm nó vĩ đại, và địa lý cùng sản vật tự nhiên của nó mang lại những trải nghiệm sống không nơi nào trên thế giới có được”. Một ngày trải nghiệm với Luang Prabang, với Mường Khai chúng tôi nghĩ, tất cả các dòng sông vẫn đang chảy qua đời sống của những cộng đồng dân cư ở trên hành tinh này và dòng sông Mekong cũng vậy.

 

Dòng sông vẫn miệt mài bơm sức sống đến từng vùng đất nó chảy qua. Tuy nhiên, nếu mỗi quốc gia đều vì lợi ích kinh tế của mình, khai thác tàn bạo từng khúc sông trên từng lãnh thổ của họ, dòng sông sẽ không chỉ tiếp tục mất đi sự hào phóng như bao đời nay mà thậm chí còn có thể dẫn đến nhiều hệ lụy khác. Thực tiễn đòi hỏi mỗi quốc gia cần có sự liên kết, hợp tác để không chỉ cùng nhau giải quyết các vấn đề. Liên kết, hợp tác và đoàn kết để Mekong mãi là dòng chảy của hoà bình, là kết nối sinh tồn, bền vững, thịnh vượng, đến muôn đời các quốc gia, người dân trong khu vực.

Hoàng Anh
Trương Khánh Thiện
Duy Học
.
Xem thêm