| Hotline: 0983.970.780

Phóng sự

II. Lên Cánh đồng Chum tìm giống lúa nếp nổi tiếng nhất nước Lào

II. Lên Cánh đồng Chum tìm giống lúa nếp nổi tiếng nhất nước Lào

Xiêng Khoảng là quê hương của di sản văn hóa thế giới Cánh đồng Chum, đồng thời cũng là cái nôi của giống lúa nếp nổi tiếng nhất nước Lào, lúa nếp 'gà con'.

 
Bài liên quan

Xứ sở Triệu Voi có hai cao nguyên nổi tiếng. Cao nguyên Xiêng Khoảng ở vùng Bắc Lào với danh thắng Cánh đồng Chum và cao nguyên Bolaven thuộc tỉnh Champasak và tỉnh Saravanh vùng Nam Lào, thủ phủ của những đồn điền cà phê, cao su từ thời thuộc Pháp.

So với vùng Nam Lào, nông nghiệp ở Xiêng Khoảng chưa phát triển xứng với lợi thế, tiềm năng. Một phần vì hạ tầng thủy lợi chưa được đầu tư tương xứng, phần nữa là do cao nguyên Bắc Lào vốn là vùng đất của phỉ, bất ổn mấy chục năm trời mới chỉ ổn định trở lại thời gian gần đây. Mấy anh chị cán bộ ở Sở Nông Lâm nghiệp Xiêng Khoảng kể, đây cũng là quê hương của vua phỉ Vàng Pao ở huyện Nong Het. Một ngày chưa xa lắm, tàn dư của thổ phỉ vẫn còn, thỉnh thoảng chúng lại tổ chức càn quấy, phá hoại cuộc sống của người dân địa phương. Phải sau thời điểm Vàng Pao qua đời trên đất Mỹ năm 2011 tình hình mới tạm yên ổn.

Qua thời tao loạn, Chính phủ Lào cùng với tỉnh Xiêng Khoảng đã vạch ra chiến lược phát triển cao nguyên này theo hướng tập trung vào lĩnh vực chăn nuôi, du lịch và khai thác mỏ khoáng sản. Tiềm năng, lợi thế nhìn chung rất lớn với hơn 80.000ha diện tích đất đai bằng phẳng chưa khai phá hết. Khí hậu mát mẻ, trong lành, cảnh sắc thiên nhiên rất đẹp. Đặc biệt sau năm 2019, khi UNESCO công nhận Cánh đồng Chum là di sản văn hóa thế giới, khát vọng vươn lên của Xiêng Khoảng lại càng được tiếp thêm động lực.  

Người Lào gọi Cánh đồng Chum là “thồng háy hín”, một vùng đất từng hứng chịu lượng bom đạn nhiều nhất đất nước Triệu Voi những năm tháng chiến tranh. Cho đến nay vẫn chưa có cơ sở chính xác nhất để khẳng định xem hàng vạn chiếc chum đá cổ nằm rải rác trên những cánh đồng của cao nguyên Xiêng Khoảng có giá trị như thế nào với người Lào cổ. Trăm năm, nghìn năm, những chiếc chum đá hình trụ, to nhỏ, cao thấp khác nhau vẫn nằm trơ trơ trên những cánh đồng cỏ như thể muốn thách thức cả thời gian lẫn con người.

Có giả thuyết nói đó là những chiếc chum được tạo ra để đựng rượu ăn mừng chiến thắng trong triều đại vua Khun Cheung. Ý kiến khác lại cho rằng do cao nguyên Xiêng Khoảng thường thiếu nước trầm trọng vào mùa khô nên người xưa đã làm những chiếc chum khổng lồ này để tích trữ nước. Những năm đầu thế kỷ trước có nhà khảo cổ học người Pháp tên là Madeleine Colani khai quật một số khu vực trên Cánh đồng Chum và phát hiện lẫn trong đó có nhiều xương và tro cốt của con người nên đưa ra giả thuyết những chiếc chum có thể là vật đựng tro cốt người Lào cổ...

Sự thực ra sao xem chừng vẫn phải tiếp tục chờ nghiên cứu, chỉ biết đi trên Cánh đồng Chum hôm nay vẫn còn cảm thấy rợn rợn. Bởi trong số hơn 100 địa điểm ở cao nguyên Xiêng Khoảng có đồng chum thì đến nay mới chỉ có 3 nơi được mở cửa đón khách tham quan sau khi rà phá hết bom mìn. Càng hãi hơn khi nghe anh phiên dịch người Lào tiết lộ, thời chiến, khi dân số Lào mới chỉ hơn 1 triệu thì người ta đã ném xuống đất nước này hơn 3 triệu tấn bom. Nhiều nhất là ở các cánh đồng, khu dân cư. Cho đến nay tai nạn do bom mìn vẫn không hiếm, đến mức Chính phủ Lào phải đưa kỹ năng đối phó với bom mìn thành một môn học trong ngành giáo dục. Điều kiện địa chất, địa hình còn đang phức tạp như thế cộng với thời tiết khí hậu dù có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức, đang là bài toán khó đối với cao nguyên Xiêng Khoảng.

Mùa khô trên cao nguyên này thường bắt đầu từ những tháng cuối năm và kéo dài đến tháng 4 năm sau. Đó thực sự là những mùa khô khốc liệt. Cây trồng, vật nuôi thiếu nước tưới, nước uống, sinh hoạt của người dân cũng gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi đến trang trại trồng cây ăn quả của gia đình anh Kao Tho nằm trên một ngọn đồi của huyện Mường Khun, tỉnh Xiêng Khoảng.

 

Anh Kao Tho vốn là thạc sĩ ngành nông nghiệp từng học ở Đại học Vinh, Nghệ An. Trở về quê hương nhìn thấy đất đai rộng lớn, có tiềm năng phát triển cây ăn quả nên từ năm 2016 đã mạnh dạn lập dự án trên diện tích gần 500ha trong đó khu vườn đồi trồng cây ăn quả rộng khoảng 24ha. Vốn là người được học hành, đào tạo bài bản lại quyết chí vươn lên, ròng rã 7 năm trời anh đào đất lật cỏ, vun trồng, chăm bón. Biết bao nhiêu mồ hôi công sức đổ xuống, vậy mà sau nhiều năm rồi mô hình cây ăn quả lớn nhất ở huyện Mường Khun vẫn chưa có thành tựu gì đáng kể.

390 cây bưởi, 380 cây cam cũng ra hoa, đậu quả nhưng thứ thì rụng, thứ chua lét. Nhãn, na hay một số loại cây ăn quả khác cũng vậy. Anh Kao Tho nói, dù thời tiết, khí hậu, đất đai ở Xiêng Khoảng đều lý tưởng, nhưng do hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư nên vào mùa khô gặp rất nhiều khó khăn, không có nước tưới. Giống, khoa học kỹ thuật, phân bón cũng còn đang hạn chế nên mô hình chưa thể thành công.

Đó gần như cũng là nguyên nhân chính khiến tỉ trọng nông nghiệp mới chỉ chiếm 35% GDP của Xiêng Khoảng. Trong số 400 bản làng của 7 huyện chỉ có vùng trung tâm tương đối phát triển, còn lại 6 huyện vẫn còn thuộc diện nghèo.

 
 

Chúng tôi đến Xiêng Khoảng đúng vào mùa gặt. Những cánh đồng lúa nếp chín vàng, trĩu hạt trên cao nguyên thật đẹp. Gần như toàn bộ diện tích lúa nếp hơn 12,5 nghìn ha của Xiêng Khoảng người dân chỉ chuộng duy nhất loại giống Kay Nọi, đặc sản nức tiếng nhất của đất nước Lào.

Kay Nọi hình như là cách gọi theo tiếng Thái. Kay là gà, nọi là con. Không ai biết giống lúa nếp “gà con” này xuất xứ từ đâu nhưng nghe kể đã có mặt ở hai tỉnh Xiêng Khoảng và Hủa Phăn từ hàng trăm năm nay rồi. Hiện bây giờ là thương hiệu có chỉ dẫn địa lý của hai tỉnh vùng Bắc Lào này với diện tích khoảng hơn 20.000ha. Lẽ tất nhiên con số đó nếu so với Xayabury, thủ phủ lúa gạo của xứ Triệu Voi hay các tỉnh dưới vùng đồng bằng Nam Lào thì diện tích chưa phải là lớn, nhưng trong đời sống cũng như phong tục tập quán của người dân, giống lúa nếp “gà con” này luôn là số một.

Đặc biệt, sau nhiều năm nghiên cứu, khảo sát, xây dựng các mô hình, năm 2018 Bộ Khoa học công nghệ Lào cùng chính quyền các tỉnh Xiêng Khoảng và Hủa Phăn phối hợp với Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cấp bằng chứng nhận thương hiệu lúa nếp Kay Nọi, hương thơm của lúa nếp “gà con” lại càng bay xa.

 

Bản Hỏi của huyện Mường Khun, tỉnh Xiêng Khoảng chỉ vỏn vẹn 36 hộ dân, sống chan hòa quanh một ngôi chùa của bản và một ngôi tháp cổ có bức tượng phật nghìn năm. Theo cách phân chia hành chính của Lào thì bản tương đương với xã ở Việt Nam. Dù dân số ít ỏi nhưng đất đai “xã Bản Hỏi” rộng mênh mông. Dân bản kể lại rằng trong thời kỳ chiến tranh đây cũng là vùng đất bị bom đạn tàn phá rất khốc liệt. Hiện các dự án quốc tế vẫn tiếp tục hỗ trợ chính quyền và người dân rà phá bom mìn để tránh các tai nạn thương tâm, ổn định cuộc sống. Cùng với đó là các dự án hỗ trợ kỹ thuật, phát triển sản xuất nông nghiệp. Cũng giống như hầu hết cộng đồng các dân tộc Lào Sủng ở Xiêng Khoảng và Hủa Phăn, người Bản Hỏi hết lòng tự hào với sản vật quê hương Kay Nọi.

Trưởng bản Somphon Phengvilay vừa dẫn chúng tôi đi trên cánh đồng lúa nếp Kay Nọi đã trĩu vàng sắp đến ngày gặt vừa luôn miệng giới thiệu bằng tiếng địa phương khiến anh phiên dịch phải hoạt động hết cả công suất mới có thể chuyển tải hết. Rằng thì giống lúa nếp Kay Nọi này là sản vật quý nhất của đất trời cao nguyên. Rằng giống nếp này nổi tiếng như thế là nhờ khí hậu, thời tiết “ba mùa” đặc trưng của Xiêng Khoảng. Phần lớn khí hậu ở Lào chỉ có mùa mưa và mùa khô thì cao nguyên Xiêng Khoảng còn có thêm mùa lạnh. Thời điểm thu hoạch lúa nếp “gà con” đúng những ngày trời đất giao mùa. Ngày nắng đêm lạnh nên Kay Nọi mới nổi danh như thế.

Theo kinh nghiệm của người Xiêng Khoảng, nếp Kay Nọi ngon nhất khi dùng để nấu xôi. Hạt tròn, chắc, nấu xôi rất dẻo và có mùi hương rất thơm. Người dân Lào thường ngày vẫn ăn xôi nếp thay cơm. Giống như gạo tẻ ở Việt Nam, lúa gạo ở Lào có nhiều loại giống nếp khác nhau và không phải nhà nào cũng được ăn Kay Nọi. Thường thì chỉ là những người bản địa, quê hương của giống lúa nếp hoặc những người có điều kiện, biết cách tìm mua.

 

Người Lào ở Bản Hỏi rất trọng tình nghĩa. Dù ở khá xa trung tâm tỉnh lỵ Phôn Sa Vẳn, khi biết chúng tôi đến từ Việt Nam, trưởng bản Somphon Phengvilay cùng dân bản rất chào đón. Hóa ra ông và địa phương cũng đã tiếp xúc với người Việt nhiều lần. Đó là những dịp gần cuối năm âm lịch, nhiều người Việt Nam đã đến Xiêng Khoảng, Hủa Phăn để tìm mua lúa nếp Kay Nọi về bán dịp tết cổ truyền. Một cân nếp “gà con” bán tại ruộng được khoảng 12 đến 15 nghìn Kíp, tương đương với khoảng từ 40 - 60 nghìn đồng tiền Việt Nam. Mỗi năm người dân bản Hỏi trồng khoảng 48ha, lượng đặt hàng tuy rất nhiều nhưng chưa bao giờ Bản Hỏi có thể đáp ứng. Lý do như ông Phengvilay nói là do người dân vẫn mới chỉ làm được một vụ, “nước tưới nhờ trời”, mùa khô đến chẳng trồng trọt, chăn nuôi được gì.

Ngoài nghề trồng lúa nếp, người Bản Hỏi còn có 15ha rau màu, mỗi gia đình trong bản chăn nuôi khoảng 10 con bò, như lời dân bản “đó là nhờ các đồng chí Việt Nam”. Thì ra từ năm 2020 có Dự án hợp tác Việt Nam - Lào hỗ trợ mỗi hộ dân Bản Hỏi 5 triệu kíp, tương đương với khoảng 15 triệu tiền Việt Nam để thực hiện mô hình nuôi bò thịt. Đất đai rộng lớn, đồng cỏ mênh mông, hiện đàn bò được người dân chăm sóc phát triển rất tốt. Cán bộ Sở Nông lâm nghiệp Xiêng Khoảng thông tin, tới đây sẽ tổng kết, đánh giá và mở rộng quy mô dự án lớn hơn. Ngoài ra, “các đồng chí Việt Nam” cũng đang hỗ trợ Xiêng Khoảng xây dựng các công trình thủy lợi để hạn chế sự khóc liệt của những mùa khô Xiêng Khoảng.

 

Cũng theo ông Phalichanh, với 22.000ha đất trồng cỏ chăn nuôi trâu bò và ngựa, 3.200 ha chè cổ thụ, một triệu cây thông và diện tích lớn trồng ngô, tiềm năng, lợi thế và cơ hội cho nông nghiệp Xiêng Khoảng đang còn vô biên. Chắc chắn tới đây việc hợp tác với Việt Nam, thông thương qua Cửa khẩu Nậm Cắn sẽ còn lớn hơn rất nhiều so với con số 15.000 con trâu bò, 100.000 tấn ngô như hiện nay.

 

Rời cao nguyên Xiêng Khoảng chúng tôi tiếp tục hành trình đến Luang Prabang, Viêng Chăn, cố đô và thủ đô của đất nước Lào tươi đẹp. Đi và thấy, dù đã có nhiều chuyển biến nhưng nông nghiệp đất nước Lào vẫn còn nhiều nút thắt, hạn chế cần tháo mở. Đó là bài toán quy mô sản xuất còn nhỏ, thiếu ứng dụng khoa học kỹ thuật, hệ thống hạ tầng thủy lợi hạn chế đang là những rào cảnh khiến nông nghiệp đất nước Lào phát triển chưa xứng với lợi thế, tiềm năng.

Đón và đưa chúng tôi đi thực tế các mô hình nông nghiệp ở Thủ đô Viêng Chăn là chị Lương Thị Thùy Dung, một người con gái quan họ Bắc Ninh lấy chồng và sinh sống ở Lào đã gần 10 năm nay. Cả hai vợ chồng chị Dung đều sinh hoạt trong Hội người Việt tại Lào và thường xuyên tham gia việc hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp hai nước. Anh chồng Phonephet Phongsacmuong cũng từng học ở Việt Nam và nói tiếng Việt rất giỏi, trò chuyện với đồng hương của vợ, câu trước câu sau đã kêu gọi “các đồng chí Việt Nam” sang Lào đầu tư vào nông nghiệp.

 

Vợ chồng họ dẫn chúng tôi đến nhà máy sản xuất lúa gạo Southat Rice của ông chủ Southat Keoduangsy. Đây là nhà máy lúa gạo lớn nhất Viêng Chăn được xây dựng trên diện tích 2ha với vốn đầu tư khoảng 2 triệu USD, một giờ có thể xay xát 3,5 tấn gạo, một năm có thể bán từ 7.000 đến 8.000 tấn ra thị trường. Nói chuyện làm nông nghiệp, Southat Rice khoe công ty anh thường xuyên liên kết với người dân sản xuất và tiêu thụ lúa gạo của Việt Nam.

Nhằm tìm hiểu các quốc gia phía hạ nguồn sông Mekong đang đối mặt với vấn đề biến đổi khí hậu như thế nào, thích ứng để phát triển ra sao, cuối tháng 10/2022 Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức đoàn làm phim lên đường sang các nước Lào, Campuchia.

Cuối tháng Mười từ huyện miền núi biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, những con đường, làng bản vẫn đang còn ngổn ngang sau mùa mưa lũ. Đoàn làm phim bảy người của Báo Nông nghiệp Việt Nam gồm Phó Tổng Biên tập Trần Cao, Trưởng ban Thư ký tòa soạn Tô Đức Huy, các phóng viên Hoàng Anh, Lê Thiếu Nhơn cùng nhóm quay phim "cứng tay" nhất báo là Duy Học, Quang Dũng, Quốc Nhật lên đường qua cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn để đến với nước bạn Lào.

Loạt ký sự này là những ghi chép chân thực và mới mẻ trong gần một tháng trời chúng tôi xuất ngoại làm phim.

Hoàng Anh
Trương Khánh Thiện
Quang Dũng
.
Xem thêm

Bình luận mới nhất