| Hotline: 0983.970.780

Indonesia: Giảm phần cơm suất ăn vì không thể nâng giá khi giá gạo tăng

Thứ Ba 24/10/2023 , 16:13 (GMT+7)

Giá gạo ở Indonesia đạt mức cao kỷ lục trong tháng 10/2023, buộc các nhà hàng và hộ gia đình phải giảm khẩu phần cơm và mua ngũ cốc chất lượng thấp hơn.

Công nhân bốc dỡ gạo nhập khẩu từ Việt Nam tại tỉnh Aceh, Indonesia, ngày 11/10. Ảnh: AFP.

Công nhân bốc dỡ gạo nhập khẩu từ Việt Nam tại tỉnh Aceh, Indonesia, ngày 11/10. Ảnh: AFP.

Hồi tuần trước, giá gạo loại trung bình ở Indonesia đã tăng lên mức cao kỷ lục 13.910 rupiah/kg, tăng 20% so với tháng 1/2023.

Điều này đã buộc Dalmus, chủ một hàng ăn ở Jakarta, phải giảm khoảng 1/3 phần cơm trong mỗi phần ăn của khách hàng trong hai tháng qua.

"Tôi không thể tăng giá suất ăn. Khách hàng của tôi chắc chắn sẽ bỏ đi. Giảm 1/3 khẩu phần cơm không phải là quá nhiều hay quá ít. Bữa ăn vẫn khiến họ no bụng", Dalmus trả lời tờ The Straits Times.

Hơn 100 công nhân xây dựng, người giao hàng, tài xế xe ôm và những người lao động thu nhập thấp khác đổ xô đến hàng ăn của ông Dalmus mỗi ngày, chi từ 10.000 đến 12.000 rupiah cho một bữa ăn gồm cơm, trứng và rau.

Ông Dalmus cũng đã phải thay thế gạo loại trung bình, vốn đã tăng giá đã tăng từ 570.000 rupiah/bao 50kg lên 700.000 rupiah/bao, tăng 23% so với tháng 8/2023, bằng gạo chất lượng thấp hơn có giá 650.000 rupiah/bao.

Một chủ hàng ăn khác ở Jakarta, Tarsih Irdayanti, cho biết cô cũng đã cắt giảm phần cơm trong các suất cơm bình dân bán ra, thay vì tăng giá.

"Tôi chỉ giảm một ít cơm từ các suất ăn. Tôi không thể giảm nhiều vì đa số khách hàng của tôi là sinh viên. Bên cạnh đó, chúng tôi có rất nhiều đối thủ cạnh tranh ở đây. Rất khó để tăng giá các suất cơm", bà Tarsih Irdayanti, 48 tuổi, cho biết.

Để duy trì tỷ suất lợi nhuận của mình, bà Tarsih hiện mua gạo trực tiếp từ chợ bán buôn gạo thay vì mua ở chợ truyền thống. Bà cũng đã chuyển sang một nhà cung cấp trứng mới với giá thấp hơn. Việc thay đổi nguồn cung giúp bà tiết kiệm tới 375.000 rupiah mỗi tháng cho việc mua gạo và 360.000 rupiah đối với trứng.

Cả ông Dalmus và bà Tarsih đều cho rằng diễn biến giá gạo tăng cao gần đây là "mạnh nhất và dài nhất trong hai thập kỷ qua".

"Trong 20 năm làm ăn, đây là lần đầu tiên tôi phải đối mặt với tình huống này. Giá gạo chưa bao giờ tăng cao và kéo dài lâu như vậy", ông Dalmus nói.

Giá gạo tăng cũng đang ảnh hưởng đến những người lao động có thu nhập thấp. Kể từ tháng 9/2023, Anggie Ero Ratalia Putri, công nhân nhà máy giày ở Tangerang, đã phải chuyển sang sử dụng gạo chất lượng thấp hơn để tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Kể từ khi giá gạo tăng lên, cô đã chuyển sang mua gạo có chất lượng thấp hơn với chi phí như trước.

Người dân mua gạo giá rẻ và các hàng tạp hóa khác tại một nhà kho ở Surabaya, Đông Java, Indonesia. Ảnh: AFP.

Người dân mua gạo giá rẻ và các hàng tạp hóa khác tại một nhà kho ở Surabaya, Đông Java, Indonesia. Ảnh: AFP.

Ông Angga Hermanda tại Hội Nông dân Indonesia cho rằng một số khu vực có hệ thống tưới tiêu kém, chẳng hạn như các địa phương ở tỉnh Banten, đã bị ảnh hưởng bởi hạn hán, dẫn đến sản lượng lúa giảm. Theo ông Hermanda, nhiều nông dân ở Banten và miền Trung Java đã chuyển sang trồng ngô để ứng phó với vấn đề thiếu nước.

Giá gạo tăng vọt là do hiện tượng thời tiết El Nino đã khiến nhiều cánh đồng lúa ở Indonesia khô cằn trong trong ba tháng qua.

Bên cạnh đó, Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đã hạn chế xuất khẩu kể từ tháng 7/2023 nhằm ổn định giá lương thực, lạm phát tăng cao và lo ngại thiếu gạo trong nước do El Nino.

Chính phủ Indonesia đã cố gắng hạn chế giá gạo tăng cao bằng cách xả kho dự trữ gạo với giá thấp hơn ở các thị trường truyền thống. Theo Bộ Nông nghiệp Indonesia, tổng sản lượng gạo năm 2023 được dự đoán sẽ giảm khoảng 1,2 triệu tấn do hiện tượng thời tiết El Nino.

Khác các quốc gia trồng lúa lớn khác như Ấn Độ và Việt Nam, Indonesia tiêu thụ phần lớn sản lượng của chính mình. Indonesia sản xuất được 31,5 triệu tấn gạo trong năm 2022, theo Cơ quan Thống kê Indonesia. Quốc gia đông dân thứ tư thế giới với 275 triệu người tiêu thụ khoảng 30 triệu tấn gạo mỗi năm.

Để bù đắp sự thiếu hụt này, Indonesia đang nhập khẩu 2 triệu tấn gạo từ các nước như Việt Nam và Thái Lan, dự kiến sẽ nhận được hàng trong tháng 11/2023. Đơn vị hậu cần Bulog thuộc nhà nước, được giao nhiệm vụ nhập khẩu, quản lý dự trữ gạo và phân phối gạo cho các hộ gia đình có thu nhập thấp.

Dự đoán một vụ thu hoạch kém và giá gạo vẫn ở mức cao, Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm 13/10 tuyên bố chính phủ sẽ nhập khẩu thêm 1,5 triệu tấn gạo, bên cạnh 2 triệu tấn đã được nhập khẩu. “Chúng ta cần đưa gạo ra thị trường để giá giảm dần”, ông nói.

Giá thực phẩm tăng cao sẽ là vấn đề then chốt mà các ứng cử viên tổng thống Indonesia sẽ giải quyết trong chiến dịch tranh cử trước thềm cuộc bầu cử ngày 14/2/2024.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Sau ATACMS, Ukraine phóng loạt tên lửa Storm Shadow vào Nga

Ukraine đã phóng một loạt tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh vào lãnh thổ Nga hôm 20/11, chỉ một ngày sau khi sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.