"Chúng tôi đã thảo luận về vấn đề an ninh lương thực. Ví dụ, nếu có sự thiếu hụt lương thực ở khu vực, chúng tôi hy vọng rằng các quốc gia ASEAN khác có thể nhanh chóng can thiệp để hỗ trợ", Bộ trưởng Nông nghiệp và An ninh Lương thực Malaysia Mohamad Sabu cho biết trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn quốc gia Malaysia Bernama bên lề Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN lần thứ 45 (AMAF45) được tổ chức tại Kuala Lumpur hồi tuần trước.
Ông Mohamad cho biết các Bộ trưởng Nông nghiệp Thái Lan và Việt Nam khẳng định rằng sẽ ưu tiên xuất khẩu gạo cho các thành viên ASEAN. Đây là tín hiệu tích cực không chỉ đối với Malaysia mà còn cả Indonesia và Philippines trong bối cảnh các quốc gia này đang đối mặt với lạm phát.
Lạm phát của Malaysia tăng 4,5% trong khi chỉ số giá tiêu dùng của Indonesia tăng 2,28% trong tháng 9/2023.
Bên cạnh đó, các bộ trưởng ASEAN cũng tổ chức một cuộc họp với các bộ trưởng nông nghiệp của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong khuôn khổ AMAF45. Trong thông cáo báo chí sau cuộc họp, các bộ trưởng ASEAN ca ngợi Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vì đã đóng góp tổng cộng hơn 10.000 tấn gạo bổ sung vào Quỹ Dự trữ Gạo Khẩn cấp ASEAN+3.
AMAF45 được tổ chức trong bối cảnh giá gạo toàn cầu tăng cao kỷ lục do các lệnh hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ và biến đổi khí hậu khiến hầu hết các khu vực trồng lúa gặp hạn hán. Chỉ số giá gạo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tăng 27,8% so với năm 2022.
Tại Philippines, nước nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới, lạm phát đã tăng 6,1% trong tháng trước. Mặc dù chính phủ Philippines đã áp giá trần với mặt hàng gạo từ ngày 1/9, giá bán lẻ gạo xay xát đã tăng lên 43 peso/kg trong tháng 8/2023, cao hơn gần 10% so với cùng kỳ năm 2023. Ngân hàng trung ương Philippines cho biết họ sẵn sàng nối lại các biện pháp thắt chặt chính sách để chống lạm phát.
"Gạo nhập khẩu chiếm khoảng 20% lượng tiêu thụ nội địa. Bên cạnh đó, lượng gạo nhập khẩu đã bị cắt giảm nghiêm trọng vì giá mặt hàng này đang rất cao. Tôi thấy không lạc quan về khả năng giá gạo sẽ giảm khi vụ thu hoạch trong nước bắt đầu", Roehlano Briones, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu Phát triển Philippines, chia sể với tờ China Daily.
Indonesia, nền kinh tế lớn nhất và đông dân nhất ASEAN, dự kiến nhập khẩu 2,3 triệu tấn gạo. Arief Prasetyo Adi, quyền Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Reuters rằng nước này đang tìm cách nhập khẩu 1 triệu tấn gạo từ Trung Quốc.
"Tăng trưởng sản xuất gạo ở Indonesia sẽ tiếp tục giảm, trong khi lượng gạo tiêu thụ sẽ cao hơn nhiều so với sản lượng của quốc gia này. Diện tích đất đai màu mỡ để trồng lúa ở đảo Java đã giảm quá nhanh, và điều này khiến sản lượng gạo toàn quốc sụt giảm”, Tauhid Ahmad, Giám đốc Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính có trụ sở tại Jakarta, cho biết.