Theo hãng tin Reuters, Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á có thể sẽ sớm phê chuẩn tư cách thành viên Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) ngay trong quý một của năm 2022.
Bộ trưởng Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết, xứ vạn đảo đã tìm kiếm sự chấp thuận của Quốc hội để tiến đến phê chuẩn bản hiệp định định này trong nhiều tháng qua.
Ông Airlangga Hartarto tiết lộ, hiện ủy ban quốc hội giám sát các quy tắc thương mại đã thông qua hiệp định RCEP và dự kiến việc bỏ phiếu tán thành sẽ được hoàn tất ngay trong quý đầu tiên của năm nay. Tiếp đó, Tổng thống Joko Widodo sẽ ký phê chuẩn bản hiệp định quy mô lớn nhất thế giới này, sau khi quốc hội thông qua.
“Dự kiến Indonesia có thể sẽ thâm hụt thương mại với các thành viên của RCEP trong thời gian đầu thực hiện hiệp định, nhưng đến năm 2040, hiệp định này có thể thúc đẩy thặng dư thương mại của Jakarta lên khoảng 979,3 triệu USD”, ông Airlangga cho biết.
Theo phân tích của chính phủ, RCEP cũng sẽ giúp tăng trưởng GDP của đất nước thêm 0,07 điểm phần trăm và tăng khối lượng xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt là 5 tỷ USD và 4 tỷ USD.
Bộ trưởng Kinh tế Indonesia cho biết, xuất khẩu cao su, thép, hóa chất, thực phẩm, gỗ và sản phẩm khoáng sản của Indonesia dự kiến sẽ tăng trưởng theo thỏa thuận RCEP.
Hiệp định RCEP do Trung Quốc hậu thuẫn có khối thương mại lớn nhất thế giới, có hiệu lực chính thức từ ngày 1/1/2022, sau khi bảy quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, cũng như Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc phê chuẩn hồi đầu năm 2021.