| Hotline: 0983.970.780

Intracom chặn 'yết hầu' thác Rồng: Đánh đổi môi trường tự nhiên?

Thứ Hai 24/04/2023 , 14:25 (GMT+7)

Intracom chặn 'yết hầu' của thác Rồng để xây thủy điện Tà Lơi 1, gây ảnh hưởng môi sinh và tước đi cơ hội phát triển kinh tế du lịch bền vững...

Thác Rồng dồi dào nước đứng trước nguy cơ bị chặn 'yết hầu' để làm thủy điện. Ảnh: Hải Đăng.

Thác Rồng dồi dào nước đứng trước nguy cơ bị chặn "yết hầu" để làm thủy điện. Ảnh: Hải Đăng.

Môi trường tự nhiên sẽ thay đổi

Các con số trên lý thuyết về dòng chảy tối thiểu, bổ sung lưu lượng nước… luôn làm cho những bản thuyết trình, thiết kế đầy “màu hồng". Tuy nhiên, các con số không đủ làm bà con dân bản an tâm. Gần đây, điểm du lịch nổi tiếng thác Bản Giốc cũng khô cạn vì thủy điện chặn dòng, điều tiết nước thượng nguồn và thời tiết khô hạn kéo dài.

Cuộc sống của bà con ở Trung Lèng Hồ (huyện Bát Xát, Lào Cai) hàng ngày vẫn phụ thuộc sản xuất nông nghiệp, trồng cây ngô, cây lúa…

Thác Rồng được tạo bởi 3 dòng suối, trong đó suối Li Lử Hồ là dòng chính chảy từ đỉnh thác xuống. Tuy nhiên, dự án thủy điện Tà Lơi 1 của Intracom sẽ xây dựng tuyến đập phụ chặn trên nhánh suối Li Lử Hồ này. Theo người dân, việc xây đập không khác gì chặn đúng "yết hầu" của thác Rồng.

Ông Lý Pá Di ở thôn Trung Hồ thuộc xã Trung Lèng Hồ, người lái mảng đưa đón cho du khách cho hay, “Ở đây, tôi hàng ngày được tiếp xúc với nhiều người, cả ta lẫn Tây… Nước từ thác chảy thẳng xuống dưới kia cho bà con làm ruộng, nếu xây thủy điện ở đây thì lấy đâu nước sản xuất, còn đâu du lịch…”.

Khi du khách đến thăm thác Rồng, những người trong thôn không chỉ có thêm thu nhập từ việc chạy xe ôm, bán nông sản mà quan trọng hơn, họ được giao tiếp với những con người ở các nền văn hóa khác nhau. Qua đó, những người dân bản được mở mang tri thức, những trải nghiệm mà trước đây không thể có được. Các cuộc giao tiếp, giúp dân bản hiểu hơn về thế giới bên ngoài, thứ mà trước kia chỉ được biết qua mạng xã hội, tin tức…

Ông Vàng A Say ở cùng thôn Trung Hồ cho hay, "khi công ty Intracom vào làm thủy điện, chúng tôi không đồng ý. Các xã khác cũng có thác nhưng không đẹp bằng thác Rồng. Chúng tôi không cho mất thác đâu. Intracom làm xong thủy điện thì còn đâu là thác, không còn du lịch, không ai về đây chơi nữa. Cả nước ngoài, Anh, Hàn Quốc… họ còn vào đây chụp ảnh, đưa lên mạng giới thiệu bạn bè, căn dặn bà con không được chặt cây, phá rừng phải giữ gìn mới có nước, bắt cá, cá con thì thả ra…”.

Bà con bản địa bắt cá đặc sản dưới chân thác Rồng vì nơi này còn hoang sơ, môi sinh tốt. Ảnh: Hải Đăng.

Bà con bản địa bắt cá đặc sản dưới chân thác Rồng vì nơi này còn hoang sơ, môi sinh tốt. Ảnh: Hải Đăng.

Cơ hội nào cho người dân làm du lịch?

Thôn Trung Hồ còn nghèo khó, nhưng khoảng 25 hộ dân đã góp tiền để mở những con đường đất dẫn vào thác Rồng. Chính quyền địa phương động viên bà con quản lý, bảo vệ tốt cảnh quan, gìn giữ bản sắc văn hóa có giá trị.

Khó có thể đong đếm được lợi nhuận từ việc “đầu tư” này, thế nhưng chắc chắn nó sẽ mở ra những cơ hội mới cho dân bản tại đây. Sẽ rất hiếm người đặt chân đến Trung Hồ - nơi héo lánh này nếu không có thác Rồng.

“Trước có cả hàng nghìn khách vào đây chơi để tận hưởng khí hậu ở đây. Sau gián đoạn do dịch Covid-19, nay khách bắt đầu quay trở lại rồi, ngày nào cũng có khách, nhất là thứ bảy và chủ nhật càng đông hơn. Nói chung thác đi vào khai thác chưa lâu nhưng anh em khắp mọi miền Tổ quốc vào đây. Có cả khách Hàn Quốc, Trung Quốc và Malaysia… vào đây nên chúng tôi mong muốn các cấp quan tâm tạo điều kiện để đưa thác vào khai thác du lịch, để nhân dân được hưởng lợi ích”, ông Vừ A Ly nói.

Với thác Rồng, điểm du lịch mới nổi từ năm 2017, bà con ấp ủ sẽ đầu tư để có cơ hội thay đổi cuộc sống của họ nhưng do giai đoạn dịch bệnh nên hầu như chưa làm được gì nhiều.

“Giờ mình chưa có tiền để đầu tư nhưng con cháu sau này sẽ khá giả hơn, rồi sẽ đầu tư được. Khi ấy còn có được cảnh quan, môi trường chứ làm thủy điện sẽ mất vĩnh viễn”, ông Vàng A Say nói.

Cũng theo những người dân, họ bảo vệ rừng, không đốt, chặt phá cây để rừng tái sinh, giữ được nước, để thác có nước và được hưởng cả tiền dịch vụ môi trường rừng. Khi Intracom làm thủy điện, hàng chục hécta rừng sẽ mất coi như công sức của bà con bao năm sẽ mất. 

Ông Lý A Chè cho biết, thác này càng ngày có đông người ở xa đến tham quan. Làm thủy điện thì sẽ mất vẻ đẹp của thác và làm ảnh hưởng môi trường cảnh quan. Sau này, nếu được đầu tư vào thác Rồng, chúng tôi sẽ có gắng để cho thôn bản chúng tôi có cơ hội phát triển kinh tế xã hội.

Được biết, cuối năm 2019, trong chuyến khám phá cung đường đá cổ Pa Vi xuyên 2 tỉnh, từ Sàng Ma Sáo (Lào Cai) - Sin Suối Hồ (Lai Châu), thác Rồng cũng được giới thiệu tới du khách trong và ngoài tỉnh.

Thác Rồng chưa được khám phá hết. Theo ông Vừ A Ly, tại thác Rồng còn có hệ thống hang động chưa ai khám phá. Ở Sàng Ma Sao có thể nghe được tiếng nước réo của thác Rồng vọng đến.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.