| Hotline: 0983.970.780

IPHM - nền tảng xây dựng nền nông nghiệp sinh thái

Thứ Sáu 09/09/2022 , 18:07 (GMT+7)

Việc ứng dụng IPHM trên cây trồng chủ lực không chỉ giúp đảm bảo năng suất, chất lượng nông sản mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Hội thảo góp ý dự thảo 'Kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng IPHM trên cây trồng chủ lực ở Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030' do Tổ chức FAO và Cục BVTV tổ chức ngày 9/9. Ảnh: Quang Linh.

Hội thảo góp ý dự thảo “Kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng IPHM trên cây trồng chủ lực ở Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030” do Tổ chức FAO và Cục BVTV tổ chức ngày 9/9. Ảnh: Quang Linh.

Hướng đến giảm 30% lượng thuốc BVTV và phân bón hóa học nhờ ứng dụng IPHM

Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định nhiệm vụ: Xây dựng các chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) và sử dụng sinh vật có ích trên cây trồng chủ lực nhằm bảo vệ sản xuất, kiểm soát mức độ suy thoái đất, bảo vệ "sức khỏe" đất, sức khỏe con người, động vật và môi trường sinh thái".

Bộ NN-PTNT cũng xác định thúc đẩy ứng dụng IPHM trên cây trồng chủ lực ở Việt Nam là một trong những nhiệm vụ cần ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2030.

Tại hội thảo góp ý dự thảo “Kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng IPHM trên cây trồng chủ lực ở Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030” sáng 9/9, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), cho biết, IPHM là một khái niệm khá mới tại Việt Nam nhưng đã được ứng dụng trong nhiều năm qua tại một số quốc gia phát triển trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu…

Theo dự thảo Kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng IPHM trên cây trồng chủ lực ở Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030, mục tiêu chính hướng đến đẩy mạnh ứng dụng IPHM nhằm chủ động phòng chống sinh vật gây hại cây trồng, giảm chi phí đầu vào, giảm hóa chất độc hại, giảm phát thải khí nhà kính, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Quang Linh.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Quang Linh.

Cụ thể, Kế hoạch sẽ phấn đấu trên 80% số xã có đội ngũ nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM, có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng IPHM, đánh giá hiệu quả và phổ biến kết quả cho cộng đồng.

Trong việc đào tạo giảng viên, hướng dẫn viên, Kế hoạch hướng đến mỗi tỉnh có ít nhất 5 giảng viên IPHM cấp quốc gia và 20 giảng viên IPHM cấp tỉnh. Mỗi xã có ít nhất 2 hướng dẫn viên IPHM cộng đồng.

Kế hoạch cũng phấn đấu có 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, hoa, cây cảnh ứng dụng IPHM; 70% diện tích cây ngô ứng dụng IPHM; cây công nghiệp đạt 70% diện tích ứng dụng IPHM ở mỗi tỉnh, qua đó giảm 30% lượng thuốc BVTV và phân bón hóa học. Trên 90% số xã thực hiện thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng theo quy định.

Ông Nguyễn Quý Dương cho biết, IPHM được xây dựng trên cơ sở kế thừa Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Nếu như trước đây IPM chủ yếu tập trung đến vấn đề quản lý dịch hại thì hiện nay, IPHM tập trung đến mục đích chính nâng cao sức khỏe cây trồng, tự tạo sức đề kháng chống lại sâu bệnh. Việc áp dụng IPHM không những giúp cây trồng chủ lực đảm bảo năng suất, chất lượng, phòng chống dịch hại mà còn góp phần bảo vệ môi trường.

Nền tảng của một nền nông nghiệp sinh thái

Theo Phó Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Quý Dương, trong công cuộc phát triển bền vững nền nông nghiệp Việt Nam, vừa qua đã có 2 văn bản quan trọng. Thứ nhất là Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Thứ hai là Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ông Nguyễn Quý Dương (phải) cho biết, áp dụng IPHM không những giúp cây trồng chủ lực đảm bảo năng suất, chất lượng, phòng chống dịch hại mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: Bá Thắng.

Ông Nguyễn Quý Dương (phải) cho biết, áp dụng IPHM không những giúp cây trồng chủ lực đảm bảo năng suất, chất lượng, phòng chống dịch hại mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: Bá Thắng.

Theo đó, IPHM là một chương trình quan trọng trong lĩnh vực trồng trọt để phát triển nền nông nghiệp bền vững, không những giúp đảm bảo năng suất, chất lượng nông sản mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Cụ thể, IPHM sẽ giúp cải thiện sức khỏe đất ngày một tốt hơn, giảm sử dụng vật tư nguyên liệu đầu vào, giảm thuốc BVTV hóa học, phân bón vô cơ, cân đối sử dụng thuốc BVTV sinh học, phân bón hữu cơ, áp dụng các biện pháp đấu tranh sinh học, thân thiện môi trường, giảm thiểu hóa chất, giảm phát thải khí nhà kính…

“Việc người dân sử dụng mất cân đối phân bón vô cơ và phân bón hữu cơ, sử dụng quá mức thuốc BVTV trong nhiều năm qua đã làm cây trồng yếu đi và làm đất cũng như hệ sinh vật trong đất bị suy thoái. Chính vì vậy, ứng dụng IPHM sẽ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Đây là hướng đi cần phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới tại Việt Nam”, ông Nguyễn Quý Dương phân tích.

Do đó, việc ban hành Kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng IPHM trên cây trồng chủ lực ở Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030 đóng vai trò rất quan trọng, là nền tảng phục vụ cho việc tổ chức sản xuất, hướng đến một nền nông nghiệp sinh thái.

Ứng dụng IPHM là nền tảng phục vụ cho việc tổ chức sản xuất, hướng đến một nền nông nghiệp sinh thái. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ứng dụng IPHM là nền tảng phục vụ cho việc tổ chức sản xuất, hướng đến một nền nông nghiệp sinh thái. Ảnh: Phạm Hiếu.

Để thúc đẩy ứng dụng IPHM một cách hiệu quả, dự thảo Kế hoạch đã đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể là truyền thông nâng cao nhận thức về IPHM; Xây dựng tài liệu hướng dẫn về IPHM; Xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực IPHM; Đào tạo, tập huấn, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực IPHM; Xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng IPHM trong sản xuất; Nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ; Rà soát và hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng IPHM; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực IPHM.

Xem thêm
Hỗ trợ 14 tỷ đồng các cơ sở chăn nuôi hàng hóa

YÊN BÁI Năm 2024, các ngành chức năng của Yên Bái đã thực hiện 2 đợt hỗ trợ với tổng kinh phí gần 14 tỷ đồng cho các cơ sở chăn nuôi hàng hóa.

Thanh Hóa phấn đấu thanh toán bệnh dại

Tỉnh Thanh hóa phấn đấu năm 2025 tiếp tục khống chế tốt bệnh dại và năm 2030 bước đầu thanh toán bệnh dại.

Nuôi vịt, chăm lợn bằng điện thoại thông minh

Với sự chủ động đổi mới tư duy, nông dân Quảng Ninh ngày càng tự tin làm chủ công nghệ để ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.