| Hotline: 0983.970.780

Hoàn thành đào tạo 30 giảng viên quốc gia về sức khỏe cây trồng

Thứ Hai 05/09/2022 , 15:23 (GMT+7)

Khóa đào tạo giảng viên quốc gia về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp gồm 30 học viên, là cán bộ kỹ thuật thuộc chi cục trồng trọt và BVTV các tỉnh ĐBSCL...

Tại Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) vừa tổ chức tổng kết khóa đào tạo giảng viên quốc gia về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (TOT – IPHM 2022).

Khóa đào tạo giảng viên quốc gia về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp do Cục BVTV triển khai gồm 30 học viên, là cán bộ kỹ thuật thuộc chi cục trồng trọt và BVTV các tỉnh ĐBSCL, Trung tâm BVTV phía Nam, Trung tâm BVTV miền Trung. Chương trình được tài trợ bởi Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO).

Trao chứng chỉ cho các học viên khoá đào tạo giảng viên TOT - IPHM 2022. Ảnh: Minh Đảm.

Trao chứng chỉ cho các học viên khoá đào tạo giảng viên TOT - IPHM 2022. Ảnh: Minh Đảm.

Trong khoá đào tạo, các học viên được tham gia chuyên đề ngoại khóa nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn, phù hợp với việc ứng dụng biện pháp quản lý sức khỏe cây trồng trong tình hình mới.

Tại buổi tổng kết, học viên và đại biểu đều đánh giá cao ý nghĩa và kiến nghị duy trì, nhân rộng khoá đào tạo. Báo cáo kết quả phân tích hệ sinh thái ruộng lúa áp dụng IPHM và đối chứng ở vụ hè thu năm 2022, học viên Đỗ Ái My cho biết:

Ruộng áp dụng IPHM gieo sạ với mật độ 100kg/ha và bón phân theo công thức 90N – 40P – 30K kết hợp bón lót phân hữu cơ giúp cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, cho tỷ lệ chồi hữu hiệu, chiều dài rễ cao, số hạt chắc/bông và năng suất lúa cao hơn so với ruộng đối chứng của nông dân. Canh tác áp dụng IPHM giúp giảm lượng giống 40kg/ha, giảm lượng phân đạm 16,7%, giảm 2 lần phun thuốc BVTV.

Sâu bệnh phát sinh gây hại với mức độ nhẹ, trong đó rầy phấn trắng xuất hiện với mật số thấp, không gây hại đến năng suất lúa và sự phát triển của quần thể thiên địch, giúp kiểm soát tốt sâu hại, hạn chế việc phun thuốc trừ sâu, qua đó góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Về hiệu quả kinh tế, chi phí sản xuất giảm 742.000 đồng/ha, năng suất tăng 0,12 tấn/ha, lợi nhuận tăng hơn 1,5 triệu đồng/ha, giá thành sản xuất giảm 236 đồng/kg.

Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết: Cục đang chuẩn bị lấy ý kiến ngành NN-PTNT các địa phương để tham mưu Bộ NN-PTNT triển khai chương trình IPHM giai đoạn 2021-2030. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết: Cục đang lấy ý kiến ngành NN-PTNT các địa phương để tham mưu Bộ NN-PTNT triển khai chương trình IPHM giai đoạn 2021 - 2030. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết: “Trước đây, IPM là quy trình quản lý dịch hại tổng hợp, thuần tuý là kỹ thuật, chú trọng tới vấn đề hạn chế tối đa sử dụng thuốc BVTV. Tuy nhiên, trong tình hình mới, ngoài quản lý dịch hại, còn đặt ra vấn đề phải đảm bảo sức khoẻ của đất, hệ sinh thái, môi trường, con người. Mục tiêu của chương trình IPHM đặt ra là áp dụng nâng cao các tiêu chuẩn IPM. Sản phẩm được sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ số, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu”.

Cũng theo ông Lê Văn Thiệt, Quyết định 150 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là IPM, "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm"…, đặc biệt là kế hoạch triển khai IPHM để giảm chi phí đầu vào, tăng giá trị sản phẩm. Do đó, Cục BVTV đã có công văn gửi 63 tỉnh thành để tham khảo ý kiến lãnh đạo sở NN-PTNT các địa phương về thực hiện kế hoạch phát triển chương trình IPHM giai đoạn 2021 - 2030.

Theo tiến sỹ Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam, hàng năm, trên toàn cầu có đến 40% sản lượng cây trồng bị mất do dịch hại. Ước tính, có đến 72% nông dân sản xuất nhỏ khả năng tiếp cận với những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế...

Do đó, FAO đặt mục tiêu phát triển bền vững an ninh lương thực, nông nghiệp bền vững, giảm thiểu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và khôi phục lại sinh thái. Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ về chương trình thích ứng biến đổi khí hậu toàn cầu với chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững nhằm thúc đẩy một nền nông nghiệp xanh, ít phát thải carbon, thân thiện với môi trường.

TS. Rémi Nono Womdim cũng cam kết FAO sẽ đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam, nhất là Bộ NN-PTNT trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất nông nghiệp bền vững, linh hoạt, hiệu quả hơn.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.