Một hình ảnh được chụp bởi Maxar Technologies, một công ty công nghệ vũ trụ có trụ sở tại Colorado, cho thấy một chiếc tàu cao tốc hướng về phía tàu sân bay, kéo nó ra khỏi eo biển từ thành phố cảng Bandar Abbas của Iran.
Bản sao, được chụp hôm 26/7, giống với các tàu sân bay lớp Nimitz mà hải quân Hoa Kỳ thường xuyên đi vào Vịnh Ba Tư từ Eo biển Hormuz.
Bản sao mang theo 16 mô hình máy bay chiến đấu trên boong của nó, theo ảnh vệ tinh của Maxar Technologies. Nó dường như dài khoảng 200 mét (650ft) và rộng 50 mét (160ft). Một Nimitz thực sự dài hơn 300 mét (980ft) và rộng 75 mét (245ft).
Truyền thông và các quan chức nhà nước Iran vẫn chưa thừa nhận động thái này.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của nó ở đó cho thấy Iran đang chuẩn bị lặp lại một vụ tập trận "Nhà tiên tri Vĩ đại 9" năm 2015.
Hải quân Iran và IRGC khi đó sử dụng lượng lớn xuồng cao tốc để bắn phá mục tiêu bằng súng máy và rocket, trước khi tên lửa chống hạm phá hủy mô hình.
Cuộc tập trận đó diễn ra khi Iran và các cường quốc thế giới vẫn mắc kẹt trong các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Tehran.
Trung tá Rebecca Rebarich, phát ngôn viên của Hạm đội 5 hải quân Hoa Kỳ, đơn vị đặc trách các vùng biển tại Trung Đông, cho biết hạm đội vẫn "tự tin vào khả năng phòng thủ của lực lượng hải quân trước mọi mối đe dọa hàng hải".
"Chúng tôi không bình luận về việc Iran sẽ thu được gì khi chế tạo mô hình này, cũng như giá trị chiến thuật có thể tích lũy bằng cách dùng nó để tập bắn”, bà bổ sung. "Chúng tôi không tìm kiếm xung đột, nhưng vẫn sẵn sàng bảo vệ các lực lượng và lợi ích của Mỹ khỏi các mối đe dọa hàng hải trong khu vực".
"Hàng không mẫu hạm có kích thước rất lớn. Tên lửa hành trình phải đánh chính xác vào những vị trí hiểm yếu trên tàu. Nếu không tàu sân bay sẽ chỉ chịu thiệt hại không quá nặng và khó lòng bị đánh chìm", Bryan Clark, cựu cố vấn đặc biệt của hải quân Mỹ, nhận xét.
Tàu sân bay USS Nimitz, tên gọi của lớp, vừa vào vùng biển Trung Đông vào cuối tuần trước từ Ấn Độ Dương, có lẽ để thay thế tàu USS Dwight D Eisenhower ở Biển Ả Rập.
Hiện vẫn chưa rõ khi nào hoặc nếu Nimitz sẽ đi qua eo biển Hormuz trong thời gian ở Trung Đông.
Tàu USS Abraham Lincoln, được triển khai vào năm ngoái khi căng thẳng ban đầu tăng vọt, đã dành nhiều tháng ở Biển Ả Rập trước khi đi qua eo biển.
Quan hệ Tehran - Washington trở nên căng thẳng từ khi Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran hồi năm 2018.
Mùa hè năm ngoái chứng kiến một loạt các vụ tấn công và sự cố tiếp tục làm gia tăng căng thẳng giữa Iran và Mỹ.
Đỉnh điểm nhất là cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ngày 3/1 của Hoa Kỳ gần Sân bay Quốc tế Baghdad đã giết chết Tướng Qassem Soleimani.
Iran đã trả đũa bằng một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo làm hàng chục binh sĩ Mỹ đóng quân ở nước láng giềng Iraq bị thương.
Động thái mới nhất của Iran kéo mô hình tàu sân bay ra biển có thể là phản ứng trực tiếp từ Tehran với một sự cố vào tuần trước.
Sự kiện đó liên quan đến một máy bay chiến đấu F-15 của Mỹ tiếp cận chuyến bay Mahan Air qua Syria hôm 23/7, khiến phi công phải hạ độ cao khẩn cấp tránh va chạm, khiến nhiều hành khách bị thương.