"Những ngày gần đây, trong một chiến dịch truy quét diễn ra đồng thời ở các tỉnh Tehran, Alborz và Tây Azerbaijan, một số căn cứ và trụ sở khủng bố đã bị triệt phá, 28 thành viên của mạng lưới khủng bố nói trên đã bị bắt. Một số đối tượng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và nhiều đối tượng khác từng có quan hệ với các nhóm takfiri ở Syria, Afghanistan, Pakistan và khu vực Kurdistan của Iraq", Bộ Tình báo Iran cho biết trong một tuyên bố ngày 24/9.
Ở Iran, với đa số người Hồi giáo dòng Shiite, thuật ngữ "takfiri" thường dùng để chỉ những phần tử cực đoan theo Hồi giáo dòng Sunni.
Bộ Tình báo cho biết hai nhân viên an ninh đã bị thương trong các chiến dịch truy quét và thu giữ nhiều nhiều súng đạn, chất nổ, áo khoác tự sát và thiết bị liên lạc.
Bộ Tình báo Iran cũng cho biết từng vô hiệu hóa một âm mưu "thực hiện 30 vụ đánh bom khủng bố đồng thời tại các trung tâm đông dân cư của Tehran nhằm phá hoại an ninh và kích động bạo loạn, biểu tình nhân kỷ niệm vụ bạo loạn hồi năm 2022".
Các cuộc biểu tình năm 2022 nổ ra sau cái chết của Mahsa Amini, cô gái 22 tuổi người Kurd gốc Iran bị bắt vì cáo buộc coi thường quy định ăn mặc của đạo Hồi đối với phụ nữ.
Các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng khiến hàng trăm người thiệt mạng, trong đó có hàng chục nhân viên an ninh. Tehran gọi đây là các cuộc "bạo loạn" do chính phủ nước ngoài và "truyền thông thù địch" xúi giục.
IS từng thừa nhận thực hiện một số vụ tấn công ở Iran, bao gồm cả vụ đánh bom kép năm 2017 nhằm vào Quốc hội Iran và lăng mộ của Lãnh tụ Tối cao Iran Ruhollah Khomeini, người sáng lập nền Cộng hòa nước này.
Hồi năm 2022, IS cũng tuyên bố đứng sau vụ tấn công nhằm vào một ngôi đền dòng Shiite hồi tháng 10 năm ngoái, khiến 15 người thiệt mạng ở thành phố Shiraz phía tây nam Iran.