Theo kết luận của một báo cáo mới xuất bản, cần phải tiêu hủy tới 1,3 triệu con gia súc ở Ireland để đạt được các mục tiêu dự kiến của chính phủ về giảm khí nhà kính trong ngành nông nghiệp.
Nông dân Ireland đang lo ngại điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra sau khi Thủ tướng Micheál Martin mô tả báo cáo của KPMG, được tờ báo hàng tuần Tạp chí Nông dân Ireland ủy quyền thực hiện, là trò hù dọa.
Cuộc tranh luận về vai trò của nông nghiệp trong việc giảm lượng khí thải carbon là một chủ đề gây tranh cãi gay gắt ở Ireland, khiến Dublin chống lại các cộng đồng nông thôn.
Ireland, vốn không có lĩnh vực sản xuất nào nổi bật, từ lâu đã dựa vào nông nghiệp, cùng với đầu tư đa quốc gia, để thúc đẩy nền kinh tế của mình. Thịt bò Ireland và các thương hiệu sữa như Kerrygold và Pilgrims Choice nằm trong số những mặt hàng xuất khẩu thành công nhất của quốc gia này.
Nhưng nền nông nghiệp Ireland đang chịu áp lực rất lớn: 35% lượng khí thải nhà kính quốc gia có nguồn gốc từ nông nghiệp. Đây là mức khí thải trong nông nghiệp cao nhất ở châu Âu, với trung bình là 11%. Và hơn 60% lượng khí thải nhà kính nông nghiệp của Ireland là khí mêtan - liên quan đến chứng ợ hơi của động vật nhai lại.
Hơn 100 quốc gia đã cam kết giảm 30% lượng khí thải mêtan vào năm 2030 tại Glasgow vào ngày 2/11 trong một sáng kiến do Mỹ và EU đưa ra.
Mặc dù mêtan phân hủy tương đối nhanh trong khí quyển, mêtan là một loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn carbon dioxide. Giảm lượng khí thải mêtan đã được coi là một trong những cơ hội tức thì lớn nhất để làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu.
Stephen Prendiville, người phụ trách mảng tính bền vững của Công ty tư vấn EY ở Dublin, cho biết cuộc tranh luận về khí mêtan trở nên sôi nổi trong câu chuyện về tình trạng khẩn cấp khí hậu và điều này sẽ giúp các quốc gia dựa vào nông nghiệp tập trung vào cách “vận hành” việc cắt giảm.
Kế hoạch khẩn cấp về khí hậu của Ireland
Chính phủ Ireland sẽ công bố kế hoạch khẩn cấp về khí hậu theo từng lĩnh vực vào ngày 4/11 và đang xem xét cắt giảm từ 21-30% lượng khí thải carbon trong lĩnh vực nông nghiệp.
KPMG đã xem xét bốn kịch bản, kết luận rằng vùng nông thôn Ireland phải đối mặt với mức thiệt hại 4 tỷ euro đối với nền kinh tế và mất hơn 56.000 việc làm nếu chính phủ chọn mục tiêu cắt giảm 30%.
Báo cáo của KPMG cũng cảnh báo rằng việc cắt giảm 30% lượng khí thải carbon trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ đòi hỏi phải cắt giảm 20% số lượng gia súc, 22% đàn bò thịt và 18% đàn bò sữa.
Theo số liệu chính thức của Cục Thống kê Trung ương của Ireland, tỉ lệ cắt giảm này tương đương với cắt giảm 1,3 triệu con gia súc trong đàn gia súc có 6,5 triệu con trong nước này.
Theo phân tích của KPMG, mục tiêu thấp hơn là cắt giảm 21% lượng khí thải carbon trong lĩnh vực nông nghiệp có nghĩa là giảm khoảng 5% đàn gia súc, tương đương cắt giảm 325.000 con gia súc.
Phelim O'Neill, biên tập viên của Tạp chí Nông dân Ireland, cho biết: “Nông dân hết sức hy vọng rằng số lượng cắt giảm [tiêu hủy] không đến mức này”.
“Có sự thừa nhận rộng rãi rằng chúng ta cần giảm lượng khí thải”, ông nói. Nhưng báo cáo của KPMG để đưa một số sự kiện trở lại “cuộc tranh luận sôi nổi” đang khiến những người người nông dân lo lắng kế hoạch khẩn cấp khí hậu ảnh hưởng tới tương lai của họ.
Cuộc tranh luận đã diễn ra giữa Dublin và cộng đồng nông thôn Ireland, những người nông dân cảm thấy họ đang bị nhắm mục tiêu không công bằng khi không có đánh giá của chính phủ về tác động của kế hoạch khẩn cấp về khí hậu đối với ngành nông nghiệp.
Chủ tịch Hiệp hội Nông dân Ailen, Tim Cullinan, cho biết thật "bất thường" khi nghe Thủ tướng Micheál Martin nói rằng báo cáo là một trò hù dọa.
Thủ tướng Martin nói với RTE hôm 2/11: “Tôi nghĩ chúng ta cần phải hết sức cẩn thận với sự hù dọa đó”, sau khi báo cáo đưa ra kịch bản áp dụng các mục tiêu cắt giảm lượng khí thải nông nghiệp ở mức thấp hơn sẽ dẫn đến giảm 10.000 việc làm trong nông nghiệp.
“Canh tác nông nghiệp sẽ phải thay đổi”, ông khẳng định.
Để phản hồi, Cullinan nói: “Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu chính phủ thực hiện một nghiên cứu tác động như vậy, nhưng họ đã từ chối. Thủ tướng Micheál Martin đang đoán bừa và ông ấy không biết tác động kinh tế hoặc xã hội của những giới hạn này sẽ ảnh hưởng như thế nào ở các vùng nông thôn ”.
Ireland đã cam kết giảm 50% lượng khí thải carbon vào năm 2030 trong cuộc họp của tiểu ban nội các vào ngày 3/11 để hoàn thiện các kế hoạch chi tiết của ngành nông nghiệp.
Martin nói với RTE rằng đất nước Ireland không có lựa chọn nào khác và nếu không cam kết với các mục tiêu khí hậu, nó sẽ ảnh hưởng đến “sự bền vững kinh tế” của Dublin. Ông cũng thừa nhận rằng trong thập kỷ qua, lượng khí thải carbon trong nước đã tăng lên và "đó thực sự là một vấn đề".