| Hotline: 0983.970.780

Agritechnica Asia Live 2022

IRRI: Kết thúc 10 năm sứ mệnh thu hẹp khoảng cách năng suất lúa gạo

Thứ Tư 24/08/2022 , 18:09 (GMT+7)

Chiều 24/8, tại TP Cần Thơ, Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) tổ chức hội nghị khép lại 10 năm triển khai Dự án CORIGAP, đúc kết nhiều bài học kinh nghiệm.

Ảnh 1

Hội nghị tổng kết 10 năm Dự án “Thu hẹp khoảng cách Năng suất Lúa gạo tại Châu Á và Giảm tác động tới Môi trường” (CORIGAP). Ảnh: Hoàng Vũ.

Chặng đường 10 năm

Khởi động vào năm 2013, Dự án “Thu hẹp khoảng cách Năng suất Lúa gạo tại Châu Á và Giảm tác động tới Môi trường (CORIGAP)” là một sáng kiến của IRRI với sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác Phát triển Thụy Sỹ (SDC). Dự án với mục tiêu cải thiện an ninh lương thực, thúc đẩy bình đẳng giới và xóa đói giảm nghèo thông qua nâng cao năng suất và tính bền vững của hệ thống sản xuất lúa nước ở 6 quốc gia đối tác gồm: Myanmar, Sri Lanka, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc và Việt Nam.

Trong giai đoạn đầu tiên từ năm 2013 - 2016, Dự án CORIGAP đã phát triển được một khung hợp tác bền vững với các đối tác và các chương trình quốc gia. Nội dung xoay quanh vấn đề thực hành quản lý tốt nhất đối với lúa gạo vì lợi ích của 1.362 nhóm nông dân hoặc tổng số 125.000 nông dân trên diện tích 250.000ha. Đồng thời, dự án cũng mang lại lợi ích cho các đối tác, các nhà hoạch định chính sách.

Ông Grant Singleton, Điều phối viên Dự án CORIGAP cho rằng, thành công lớn của dự án là đã tác động mạnh mẽ đến việc quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên bền vững trong sản xuất lúa ở các quốc gia trên. Một thành tựu không kém phần quan trọng nữa là nông dân đã giảm sử dụng thuốc trừ sâu, tỷ lệ giống, phân bón và lượng nước tưới, do đó giảm đáng kể chi phí đầu vào.

Ảnh 2

Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa là một trong những thành công của Dự án CORIGAP. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trong giai đoạn thứ hai từ năm 2017 - 2021, dự án tập trung xây dựng năng lực cho các đối tác tại 6 quốc gia mục tiêu mang lại cách tiếp cận mới là cùng hợp lực giúp 500 nông dân tăng năng suất và thu nhập bền vững vào năm 2020. Kết quả đã tăng thu nhập trung bình cho nông dân, dao động từ 15 - 30% do năng suất tăng và chi phí đầu vào giảm.

Và trong giai đoạn cuối cùng, Dự án CORIGAP đã mở ra cơ hội nhân rộng các mô hình thực hành quản lý tốt về sản xuất, cơ giới hoá và sau thu hoạch của ngành sản xuất lúa gạo.

Ông Martin Gummert, điều phối viên dự án từ năm 2020 phấn khởi cho hay: Dự án này cho phép chúng tôi tích hợp các giải pháp quản lý tốt nhất để giảm thất thoát sau thu hoạch, phát triển và nhân rộng các thực hành nông nghiệp tốt đến nông dân và các bên liên quan trong chuỗi giá trị”.

Bài học kinh nghiệm nhân rộng mô hình thực hành tốt ở ĐBSCL

Ông Lê Thành Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) nhận định, ĐBSCL là một trong số ít các đồng bằng trên thế giới sản xuất lúa. Điều kiện sản xuất của vùng cũng rất đặc biệt khi vừa sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa đảm bảo tính bền vững, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Sau 10 năm, Dự án CORIGAP đã có những đóng góp cực kỳ lớn cho vùng, giúp nông dân nâng cao năng lực sản xuất cũng tạo ra định hướng sản xuất cho các địa phương.

Ảnh 3

Ông Lê Thành Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt khẳng định vai trò quan trọng của các tổ chức quốc tế đối với việc nâng cao năng lực sản xuất lúa gạo ĐBSCL. Ảnh: Hoàng Vũ.

TP Cần Thơ là một trong những địa phương ở khu vực ĐBSCL hưởng lợi từ Dự án CORIGAP. Theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, dự án đã góp phần nâng cao năng lực cho các cán bộ ngành nông nghiệp thành phố. Hơn thế, các cán bộ khuyến nông, bà con nông dân thông qua các mô hình trình diễn, tập huấn như SRP, cơ giới hóa với sự hỗ trợ của IRRI đã có nhiều tiến bộ.

Phải kể đến một số hoạt động nổi bật Dự án CORIGAP đã thực hiện tại TP Cần Thơ như hỗ trợ phát triển các mô hình kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp trong cơ giới hóa sau thu hoạch thông qua nguồn kinh phí từ Dự án VnSAT; các mô hình trình diễn máy cấy, máy gieo sạ trực tiếp APV; hay xây dựng liên minh học tập, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực cho nông dân.

Con số cụ thể được bà Hiếu đưa ra, từ năm 2018 toàn thành phố đã tập huấn SRP cho 3.000 nông dân, trên diện tích hơn 6.300ha. Thành phố đã hình thành mô hình cánh đồng lớn áp dụng quy trình 1 phải 5 giảm trên diện tích gần 32.000ha.

Ảnh 4

Từ năm 2018 đến nay, TP Cần Thơ đã tập huấn chương trình SRP cho 3.000 nông dân, trên diện tích hơn 6.300ha. Ảnh: Hoàng Vũ.

Để tiếp tục phát triển các mô hình trên sau khi Dự án CORIGAP kết thúc, bà Hiếu cho biết, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ sẽ tiếp tục mở rộng mô hình 1 phải 5 giảm, SRP thông qua một số dự án hiện tại đang đầu tư cho thành phố như GIZ và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, nhân rộng các mô hình cơ giới hóa, gieo sạ chính xác để giảm vật tư đầu vào, ứng dụng công nghệ xử lý rơm rạ bền vững.

20220824_175422-01

2 quyển sách vừa được Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) ra mắt. Ảnh: Hoàng Vũ.

Nhân dịp này, Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) đã ra mắt 2 quyển sách: "Các thực hành tốt cho sản xuất lúa ở Việt Nam" và "Quản lý rơm rạ bền vững". Đây là những tài liệu hướng dẫn kỹ thuật hữu ích đối với cán bộ khuyến nông, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp ở các địa phương và bà con nông dân, phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Quyển sách bao gồm các mô hình thực hành tốt cho sản xuất lúa gạo như 1 phải 5 năm, san phẳng mặt ruộng được điều khiển bằng laser, cơ giới hóa cấy lúa.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.