Trong phân bón thì kali là một trong ba nguyên tố đa lượng được cây trồng sử dụng nhiều nhất, đặc biệt là với cây công nghiệp dài ngày. Kali tham gia vào nhiều phản ứng, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng.
Tuy nhiên hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm phân bón chứa nguyên tố kali, thậm chí có những loại phân bón trong đó thành phần kali nguồn gốc không rõ ràng, gây hoang mang cho bà con nông dân trong quá trình sử dụng.
Người nông dân chăm chú nghe cán bộ khuyến nông hướng dẫn sử dụng phân bón kali trên cây trồng. |
Để giúp cho nông dân nhận biết và lựa chọn phù hợp sản phẩm phân bón sử dụng hiệu quả trên mỗi loại cây trồng, có một doanh nghiệp phân bón đã bỏ ra nhiều thời gian, công sức đàm phán với đối tác Belarus, tiến hành nhập khẩu phân kali chất lượng cao về cung ứng, được bà con nông dân đánh giá cao.
Bắt đầu tư năm 2019, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu (CP XNK) Hà Anh (Hà Nội) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông – Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản Đắk Lăk thực hiện mô hình trình diễn sử dụng phân bón kali Belarus trên cây cà phê vối, cây sắn tại các huyện Cư Mgar, Ea Hleo, Krong Búk, Ea Kar, Ea Sup, Krong Bong cho hiệu quả bất ngờ.
Đây là loại kali được Công ty Hà Anh nhập khẩu trực tiếp từ Công ty Belarusian Potash, đã được công nhận lưu hành tại Việt Nam theo quyết định số 904/QĐ-BVTV-PB, ngày 30/7/2018 của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN- PTNT).
Belarus được biết đến là quốc gia sản xuất phân bón kali hàng đầu thế giới cả về sản lượng cũng như chất lượng kali. Công ty Hà Anh cũng gần như là đơn vị duy nhất độc quyền nhập khẩu kali Belarus trong nhiều năm liền, với khối lượng lớn. Kali nhập về đã được Công ty Hà Anh phối hợp với các trung tâm khuyến nông các tỉnh đưa vào khảo nghiệm, sử dụng trên nhiều loại cây trồng, trong đó có cây cà phê vối, cây sắn.
Nhiều hộ trồng cà phê vối đã được Trung tâm Khuyến nông – Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản Đắk Lăk hướng dẫn sử dụng phân bón kali Belarus, đều cho kết quả tốt.
Đó là các hộ ông Bùi Xuân Bình ở buôn Ea Kiêng, xã Ea Tar, huyện Cư Mgar với quy mô 1,1ha (1,0ha mô hình và 0,1ha đối chứng); hộ ông Nguyễn Bình Nguyên ở thôn 1, xã Ea Tir, huyện Ea Hleo với quy mô 1,1ha (1,0ha mô hình và 0,1ha đối chứng); hộ ông Nguyễn Văn Duẩn ở thôn Kmu, xã Cư Né, huyện Krông Búk với quy mô 1,2ha (1,0ha mô hình và 0,2ha đối chứng).
Thời gian bón phân kali ở cả 3 hộ đều từ tiến hành từ tháng 01 - 12/2019. Phân kali được bón làm 3 lần, lần 1 vào đầu mùa mưa (tháng 5 –tháng 6) với 120kg/ha, lần 2 vào giữa mùa mưa (tháng 7 –tháng 8) cũng với 120kg, lần 3 vào cuối mùa mưa (tháng 9 –tháng 10) với 160kg. Ngoài bón kali, các chủ vườn còn bón thêm vôi, phân hữu cơ vi sinh, SA, ure, lân nung chảy… Các ruộng cà phê đối chứng không bón phân kali.
Kết quả cho thấy, cà phê vối bón kali cây sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ rụng quả thấp và quả phát triển đồng đều, bóng đẹp, đặc biệt tỷ lệ quả 2 nhân tăng mạnh. Số chùm/quả và số cành dự trữ nhiều hơn đối chứng. Vườn cây thông thoáng, ít nhiễm sâu bệnh. Khi thu hoạch, năng suất cà phê tại vườn bón kai Belarus đạt 5 tấn nhân/ha, còn vườn đối chứng chỉ đạt 3,6 tấn. Đặc biệt, cà phê vối bón kali Belarus quả sáng đẹp, thường được thương lái tìm mua và bán luôn có giá cao hơn cà phê không bón kali.
Hiệu quả dễ nhận thấy từ việc bón kali trên cây cà phê, khi cây cà phê nhiều hoa, sai quả. |
Mô hình áp dụng theo quy trình sản xuất cà phê bền vững, qua đó hộ nông dân đã thay đổi nhận thức về việc không lạm dụng phân vô cơ mà phải bón phân cân đối và hợp lý, đặc biệt là phân kali. Đồng thời thông qua mô hình cũng đã nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái trong vườn cà phê và trong khu vực sản xuất.
Thời gian qua, cây sắn ở tỉnh Đăk Lăk nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung có mức giá khá tốt, dễ tiêu thụ. Các nhà máy chế biến tinh bột sắn luôn thiếu nguồn nguyên liệu sắn củ tươi. Vì vậy, bà con rất tích cực thâm canh, chăm sóc cây sắn với hy vọng sắn cho năng suất cao, nhiều tinh bột.
Nhằm hỗ trợ người trồng sắn, Trung tâm Khuyến nông – Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản Đắk Lăk đã lựa chọn các hộ ông Hoàng Văn Quyết ở thôn 3, xã Ea Sar, huyện Ea Kar; hộ ông Võ Văn Ân tại thôn 12, xã Ea Rvê, huyện Ea Sup và hộ ông Nguyễn Văn Ánh ở thôn 6, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông tham gia mô hình sử dụng phân bón kali Belarus trên cây sắn. Các hộ tham gia mô hình được lựa chọn kỹ càng, có trình độ thâm canh, có kiến thức sử dụng phân bón.
Các hộ đều có 0,5ha sắn bón kali Belarus trong mô hình và 0,2ha không bón kali làm đối chứng. Thời gian tiến hành triển khai mô hình từ tháng 04 - 12/2019. Lần 1 bón lót toàn bộ 100% lượng phân lân nung chảy + phân hữu cơ vi sinh. Lần 2 khi cây được từ 25 - 30 ngày sau trồng, bón 50% lượng phâm đạm + 50% lượng phân kali. Lần 3 khi cây được từ 50-60 ngày sau trồng, bón 50% phân đạm + 50% lượng kali còn lại.
Tính ra, lượng kali bón cho 1 ha sắn khỏang 100 kg, mỗi lần bón 50kg. Ngoài bón kali Belarus, các ruộng sắn cũng được bón thêm phân hữu cơ vi sinh, lân nung chảy, ure…Các ruộng đối chứng không bón phân kali.
|
Cây sắn bón kali thân chắc, lá xanh bền, nhiều củ, hàm lượng tinh bột cao. |
Kết quả cho thấy, mô hình trình diễn sử dụng phân bón kali Belarus cây sắn sinh trưởng, phát triển khỏe, đồng đều, khả năng chống đổ ngã tốt hơn so với đối chứng rất nhiều. Mức độ nhiễm bệnh khảm và bệnh cháy lá nhẹ. Số thân/khóm, số củ/khóm, hàm lượng ruột (%), hàm lượng tinh bột (%), hàm lượng chất khô (%), trọng lượng củ tươi (gr) của ruộng mô hình đều cao hơn ruộng đối chứng hàng chục % trở lên, cá biệt có ruộng cao hơn 30%. Năng suất vườn mô hình đạt 32 tấn sắn củ/ha, trong khi vườn đối chứng chỉ đạt 27 tấn/ha. Trong thời điểm sắn đang có giá thì việc tăng thêm 5 tấn sắn củ/ha là nguồn thu nhập không nhỏ với bà con nông dân.
Kali tham gia vào nhiều phản ứng, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Cây hút kali từ dung dịch đất, các loại cây trồng khác nhau hấp thu lượng kali khác nhau phụ thuộc vào nhu cầu của cây ở mỗi giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Cây chỉ sử dụng được kali trong đất ở dạng dễ tiêu, đối với cây hàng năm cần một lượng kali thấp vào đầu vụ khi cây còn nhỏ. Khi cây lớn lên, nhu cầu kali của cây càng tăng đặc biệt là giai đoạn cây trồng trưởng thành và chuẩn bị ra hoa. Kali hỗ trợ cho quá trình chuyển hóa năng lượng, đồng hóa các chất dinh dưỡng để kiến tạo năng suất và chất lượng sản phẩm. Bón đủ kali sẽ tạo điều kiện cho cây có khả năng hút đạm và lân tốt hơn, điều hòa tốt các chất dinh dưỡng là nền tảng cho một vụ mùa bội thu. Tuy nhiên, nguyên tố kali trong đất không phải là vô hạn, cây hút kali từ đất đáp ứng cho quá trình sinh trưởng, phát triển và kiến tạo năng suất. Ngày nay nông nghiệp nước ta không chỉ chú trọng về năng suất mà chất lượng nông sản cũng đã được quan tâm, chính vì vậy việc bón kali cân đối cho cây trồng càng trở nên cấp thiết nhằm bù đắp phần thiếu hụt trong đất do cây trồng đã lấy đi hàng năm. |